Chiều ngày 24/1, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi gặp mặt và trao tặng thưởng Sông Hương năm 2021. Đến dự có ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, ông Nguyễn Huy Hiển – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh cùng các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, cộng tác viên của Tạp chí Sông Hương.
Năm 2021, Tạp chí Sông Hương đã xuất bản Tạp chí định kỳ và các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của Đất nước, của tỉnh nhà với nhiều nội dung phong phú, trong đó hoạt động được chú trọng.
Tạp chí xuất bản được 12 số báo thường kỳ và 4 số Đặc biệt Sông Hương với nhiều bài vở phong phú, chất lượng được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Tạp chí đã đăng tải gần 2.000 tin, bài trên trang thông tin điện tử Sông Hương Online và trên 12 số báo in, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên và viên chức tạp chí trong việc góp phần thực hiện tốt hoạt động thông tin đối ngoại theo định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước và của Thừa Thiên Huế nói riêng.
Năm 2021, Tạp chí Sông Hương báo in tiếp tục nâng cao chất lượng, tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa Huế cũng như phản ánh khá trung thực diện mạo văn học nghệ thuật của tỉnh nhà và cả nước trong thời kỳ hội nhập, giới thiệu nhiều tác phẩm của tác giả nổi tiếng của nước ngoài trên tạp chí. Tiếp tục thực hiện và triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính Trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” qua việc sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT, đẩy mạnh việc sáng tác, tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật hướng về đề tài, Tạp chí Sông Hương đã đăng tải, tuyên truyền quảng bá về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiều bài viết về chủ để, chủ điểm nhân các sự kiện trọng đại của Đất nước.
Tạp chí tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021); ngày thương binh liệt sĩ 27/7; “Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn học dân gian xứ Huế”; kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà vua yêu nước Hàm Nghi.
Đặt biệt, nhà báo Dương Phước Thu cùng sự giúp đỡ của các anh chị ở Văn phòng Tỉnh ủy, đã tìm ra Quyết định Xuất bản Tạp chí Sông Hương Thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Qua đây, cho thấy ngày thành lập Tạp chí Sông Hương là ngày 04 tháng 4 năm 1983 với Tổng Biên tập, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trong Điều 5 của Quyết định có ghi: “Đảng đoàn chính quyền, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và thông tin, Sở Bưu điện, Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, có trách nhiệm cùng với Đảng đoàn Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tạo điều kiện thuận lợi về các mặt tổ chức, tài chính, trang bị vật chất, in và phát hành để tạp chí “Sông Hương” sớm được xất bản, có đủ cơ sở hoạt động của một cơ quan độc lập vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại chương trình. |
Năm nay, Tạp chí Sông Hương đã trao tặng thưởng cho cho các tác giả có tác phẩm hay năm 2021. Tác phẩm thuộc 4 Chuyên mục thơ, Văn xuôi, Thơ, Mỹ thuật và Huế dòng chảy văn hóa.
Cụ thể, hai bài viết Mỹ Hòa hội - Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao đầu tiên tại Huế (Sông Hương Số đặc biệt tháng 3/2021), và bài viết Hội đồng cứu tế nạn dân Bắc Kỳ tại Huế, nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn (Sông Hương số tháng 10/2021) của tác giả Đỗ Minh Điền. Tác phẩm Chân dung (Tranh bìa 1 Sông Hương Số đặc biệt tháng 3/2021) và Tác phẩn Dấu thời gian (Tranh bìa 1 Sông Hương số tháng 7/2021) của tác giả Vũ Duy Tâm. Chùm thơ Có hẹn với nỗi buồn, Lá thư ngày 22, Tuổi trẻ (Sông Hương số tháng 5/2021) của tác giả Lệ Hằng. Truyện ngắn Cánh cửa trong lỗ tai (Sông Hương số tháng 3/2021) của tác giả Trần Băng Khuê.
Nhà văn Nhụy Nguyên - Phó Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương nhận xét tác phẩm được tặng thưởng |
Theo nhận định, bài “Mỹ Hòa hội - Hội văn chương, mỹ thuật và thể thao đầu tiên tại Huế”, Hội Mỹ Hòa, chính thức được công nhận vào năm 1935, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa Huế, với lần đầu tiên trong lịch sử có một tổ chức thuần túy về văn chương, mỹ thuật và thể thao. Bài viết nhận diện tiến trình ra đời của Hội và chức năng phát huy những giá trị riêng biệt của Huế. Từ sự kết nối nhiều thể loại như văn chương, mỹ thuật, thể thao, cho đến góp phần thiết lập nền giáo dục căn bản qua việc gây dựng tủ sách, ấn hành tạp chí, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, Hội Mỹ Hòa đã cho thấy giá trị của mình ở vùng đất Đế đô.
Bài “Hội đồng cứu tế nạn dân Bắc Kỳ tại Huế, nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn”. Bài viết đã nêu lên nguồn tư liệu về sự minh bạch trong thu chi đã mang lại niềm tin quyết định đối với các giai tầng hướng về. Điều này khiến cho chúng ta hôm nay không khỏi kính phục và ngỡ ngàng trước cách làm từ thiện đầy nhân văn, rộng lớn và đặc biệt uy tín lúc bấy giờ.
Tác phẩm “Chân dung” đã thể hiện năng lượng và trách nhiệm của người nghệ sĩ giữa cơn đại dịch. Chân dung người con gái đeo khẩu trang có đôi mắt cuốn hút; với màu nền như trên bức tường xưa loang lổ vệt nắng hoài niệm đã gợn nên nỗi ám ảnh, thoáng nét dằng co giữa cái đẹp và tàn phai. Song đôi mắt lấp lánh niềm tin, về nỗi hy vọng mây trời rồi sẽ trong xanh.
Những mảng ký ức trong tác phẩm Dấu thời gian cũng đưa ta trở về với sắc màu xa xăm, về vùng trời bình yên trôi, khi cơn bão của lòng bất trắc ập đến. Với sự vững vàng trong hình khối, đậm đầy ở đường nét, cho thấy kỹ thuật dụng màu khá nhuyễn của tác giả. Đây cũng là điều sẽ cuốn hút người xem, khi tác giả thực sự làm chủ nét cọ, và làm nhạt bớt chủ thể để cùng thăng hoa với đối tượng thẩm mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, ông Nguyễn Huy Hiển – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông và Tổng Biên Tập Tạp chí Sông Hương trao tặng thưởng cho các tác giả đạt giải. |
Chùm thơ của tác giả Lệ Hằng, với ánh nhìn dung dị mà nhiều trắc ẩn về mình và thế giới mang theo, những mảng tâm trạng trong chuỗi ngày cách ly, thơ Lệ Hằng luôn muốn tiếp cận những ngôn ngữ mới, đặc biệt là ngôn ngữ của hội họa… Thật tự nhiên thơ đã đến, khi tác giả luôn có khát khao bày tỏ thế giới rộn ràng âm sắc trải qua trong từng hơi thở. Chúng làm giàu cho cuộc sống của chủ thể sáng tạo, để nhìn thế giới thật lạ lẫm và bao dung hơn.
Truyện ngắn Cánh cửa trong lỗ tai với gần 6 ngàn từ song đã chầm chậm cuốn hút độc giả. Đây dường như một phép thử nhỏ đối với những ai thích gom ý niệm chiêm nghiệm sự tĩnh tại giữa cuộc sống mà không gian ảo đang hút đi quá nhanh. Mỗi người khi đã ít hướng tâm ra ngoài, dễ hướng vào bên trong nghe những rung động sâu xa, những lộn xộn đổ vỡ nơi tâm thức của mình, kể cả sự cô độc vô hình cũng có thể tương duyên chứng nghiệm nội lực tự thân. Câu chuyện về người lắng nghe mở ra những cánh cửa mà phía trong đó là khoảng mênh mông khôn cùng với nhiều hương sắc của loài hoa mọc từ những đỉnh núi cô đơn.
Phương Anh