Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế và tuyên dương sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Miền Trung - Tây Nguyên.
Chiều ngày 03/11, UBND tỉnh tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và tuyên dương cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.
Theo đó, có 04 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế năm 2022 trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gồm: Nghệ nhân Đặng Viết Bảo, nghề Áo dài Huế và kỹ thuật tạo chất liệu vải Áo dài Huế, phường Kim Long, thành phố Huế; Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, nghề Pháp Lam, phường Gia Hội, thành phố Huế; Nghệ nhân Lê Văn Trực, mộc mỹ nghệ nhà rường Huế, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; Nghệ nhân Trương Hữu Việt, nghề Nhạc cụ truyền thống Guitar và các loại nhạc cụ Cung đình Huế, phường Đông Ba, thành phố Huế. Được biết, tính đến năm 2022 đã có 41 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế.
Dịp này, UBND tỉnh đã tuyên dương 18 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương biểu dương và chúc mừng các nghệ nhân và các cơ sở công nghiệp nông thôn đã được phong tặng và tuyên dương lần này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế... theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị mà một trong những đối tượng đóng góp vào sự thành công của mục tiêu này chính là các Nghệ nhân Thừa Thiên Huế và các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương mong muốn thời gian tới các nghệ nhân tục tục cống hiến sức lực, tích cực dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ sau; các cơ sở công nghiệp nông thôn cần chủ động tập trung đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, tăng khả năng phát triển sản xuất; tìm kiếm thị trường; xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, câu lạc bộ Nghệ nhân Huế, các hội nghề tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình. Câu lạc bộ, hội nghề phải thực sự là nơi để các Nghệ nhân giao lưu, học hỏi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; tạo mối liên kết giữa các thế hệ Nghệ nhân, góp phần phát triển ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Phương