Sáng ngày 12/11 tại thành phố Huế đã diễn ra Diễn đàn "Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Thừa Thiên Huế". Tham dự diễn đàn có Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lê Phúc; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; Hiệp hội Du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở kinh doanh, phục vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, ở Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch khá mới mẻ, chỉ mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia đánh giá du lịch chăm sóc sức khỏe tương đối phù hợp và có khả năng phát triển ở Việt Nam bởi nước ta sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thích hợp. Trên thực tế, nhiều địa phương đã chú trọng hơn tới việc phát triển loại hình du lịch đặc biệt này, tổ chức nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận... và Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 2 nguồn nước khoáng nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ cho sức khỏe và du lịch. Cùng với đó, Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Ngay trong nội đô cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền. Tất cả những tài nguyên này đã trở thành thế mạnh cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Có thể thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh biến thành những sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe hấp dẫn, có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tại Diễn đàn “Du lịch Huế 2022 - Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Thừa Thiên Huế”, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia du lịch, y tế đã có những tham luận và nêu các ý kiến trao đổi và thảo luận xoay quanh các vấn đề về dịch vụ du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và địa phương với các nội dung: Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và giải pháp phát triển cho tỉnh Thừa Thiên Huế; Một số dịch vụ điều trị y tế và chăm sóc sức khỏe của ngành y tế Thừa Thiên Huế - Hiện trạng và giải pháp kết hợp để phát triển du lịch y tế của địa phương trong thời gian tới; Giá trị ẩm thực Huế trong vai trò góp phần nâng cao sức khỏe; Đề xuất phát triển loại hình “Du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ” tại Thừa Thiên Huế; Giới thiệu một số dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe của Trung tâm thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Huế, Hội Đông y tỉnh/thành phố và....Các diễn giả và đại biểu đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, chỉ rõ các cơ hội và đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhằm khai thác và phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe ở Thừa Thiên Huế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, khẳng định, diễn đàn Du lịch Huế 2022 là một sự kiện du lịch quan trọng tiếp theo sau thành công của các hoạt động tại tuần lễ Festival Huế và Lễ hội mùa Thu 2022, và đây cũng là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh khác biệt và mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới đảm bảo phù hợp với thực tiễn và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thông qua diễn đàn này, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn không chỉ giới thiệu những tiềm năng để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh, nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh mà còn là cầu nối giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bệnh viện, các trung tâm trị liệu, thẩm mỹ,…,) các đối tác sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (các công ty bảo hiểm y tế, đại lý du lịch chăm sóc sức khỏe, các hiệp hội và các nhóm hỗ trợ cho việc du lịch chữa bệnh, các công ty lữ hành, khách sạn nghỉ dưỡng…); là dịp để giới thiệu quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương có thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế ký kết hợp tác với ngành y tế nhằm khai thác hiệu quả du lịch chăm sóc sức khỏe |
Trong khuôn khổ Diễn đàn “Du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế”, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia chương trình khảo sát các cơ sở đang khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn như: dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng Đông y tại khách sạn Spatel D’Annam (TP.Huế); khảo sát và trải nghiệm tắm suối khoáng nóng, dịch vụ Onsen và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền); tham quan tìm hiểu dịch vụ khám chữa bệnh, thẩm mỹ tại Bệnh viện Trung ương Huế; tham quan và trải nghiệm tắm bùn khoáng, dịch vụ Onsen và chăm sóc sức khỏe ở khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen Resort…
Dịp này, đã diễn ra ký kết hợp tác giữa ngành Du lịch với ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giữa một số hội lữ hành, doanh nghiệp lữ hành với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Phương