Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Trưng bày chuyên đề "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế"
08:42 | 25/08/2023

Chiều ngày 24/8,  Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế". Tham dự có Phó Bí thư tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ.

Trưng bày chuyên đề "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế"
Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Đây là sự kiện nằm trong những hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập Museé Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (24/8/1923 - 24/8/2023).

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Các hiên vật được trưng bày phong phú về chất liệu (vàng, bạc, ngọc, ngà voi, gốm sứ, vải, giấy); đa dạng về loại hình và chức năng từ những báu vật biểu trưng cho quyền lực của nhà vua- ấn, kiếm, ngai, kim sách; đến đồ thờ tự, đài thờ, sắc phong; đồ trang trí nội thất, đồ dùng hàng ngày, hay thậm chí những hiện vật liên quan đến nghi thức khen thưởng trang trọng của vương triều…

Đông đảo đại biểu và du khách đến tham quan triển lãm


Tiêu biểu, trong số này là các kim bảo, ngọc tỷ. Trong thời gian 10 năm trị vì của mình (1916 - 1925), vua Khải Định có 12 kim bảo và ngọc tỷ. Biểu trưng cho vương quyền, bảo vật của hoàng đế Khải Định còn có thanh bảo kiếm, mang tên “An dân bảo kiếm” được chế tác từ nhiều chất liệu: vàng, đồi mồi, thủy tinh, sắt, …

Những hiện vật này phần lớn do ngự xưởng sản xuất, chế tác để phục vụ cho vua, hoàng gia và cung đình; một số khác, được đặt hàng từ nước ngoài (chủ yếu là ở Trung Hoa và Pháp, Anh) với các dòng hiệu đề và lạc khoản.

Giới thiệu đến du khách các hiện vật thời vua Khải Định được trưng bày tại bảo tàng


Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Năm 2023 là năm đánh dấu sự kiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 năm hình thành và phát triển. Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng trụ sở chính của Bảo tàng vẫn là điện Long An và các thế hệ những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, di sản cổ vật ngày nay vẫn tiếp tục truyền thống trong việc “sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.

Ấn, kiếm thời vua Khải Định


Điện Long An, toà nhà trưng bày chính của Bảo tàng, nguyên là một ngôi điện nằm trong cung Bảo Định, được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, được đánh giá là cung điện đẹp nhất còn lại cho đến ngày nay. Dưới thời vua Thành Thái, vì nhiều lý do khác nhau, cung Bảo Định bị triệt giải nhưng người ta vẫn giữ lại trong khuôn viên cũ ngôi điện Long An trong trạng thái khá nguyên vẹn.

Bộ kim ấn thời vua Khải Định


Tháng 6.1908, vua Duy Tân cho di dời trường Quốc Tử Giám từ làng An Ninh về xây dựng trong Kinh thành Huế, điện Long An cũng đã được cho di dời về dựng lại tại vị trí ngày nay với tên gọi mới là Tân Thơ Viện - nơi lưu giữ các tư liệu phục vụ cho việc học tập của các học sinh trường Quốc Tử Giám. Năm 1913, Hội Đô thành hiếu cổ được thành lập và hội đã xin phép triều đình lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Hàng ngàn hiện vật hội sưu tầm được đã đưa về đây để cất giữ. Sau khi vua Khải Định ký dụ thành lập Musée Khải Định, điện Long An trở thành nơi trưng bày chính của Musée Khải Định.

Bộ chén ngọc bịt vàng thời vua Khải Định.


Sau khi thành lập các hội viên Hội Đô thành Hiếu cổ đã nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đưa về cất giữ trong điện Long An. Số cổ vật do các hội viên Hội Đô thành Hiếu cổ thu thập ngày một tăng, là tiền đề để Khâm sứ Pasquier tác động đối với triều đình nhà Nguyễn và ngày 17.8.1923, vua Khải Định ký dụ cho phép chính thức thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định. Ngày 24.8.2023, Khâm sứ Pasquier đã ký Nghị định thực hiện chỉ dụ ngày 17 tháng 8 năm 1923 về việc thành lập Musée Khải Định tại Huế.

Kim sách (Bạc mạ vàng) - Kim sách nói về việc Khải Định lên ngôi hoàng đế và nhận kim bảo truyền quốc

 

Đỉnh ( Niên hiệu Khải Định thứ 1 - 1916)

 

Tiền thưởng Khải Định thông bảo

 

Trấn phong - Niên hiệu Khải Định thứ 9, 1924

 

Bộ đồ rượu - Bộ chén và khay ( Niên hiệu Khải Định 1916 - 1925).



Triển lãm diễn ra từ ngày 24/8 đến hết ngày 23/11/2023, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (03 Lê Trực, phường Đông Ba, TP. Huế).

 

 

 

 

 

Phương Anh
 

Các bài mới
Các bài đã đăng