Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Phát huy giá trị văn hoá dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch
14:42 | 12/10/2023

Sáng 12/10, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị văn hoá dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch”.

Phát huy giá trị văn hoá dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch
Đoàn chủ trì Hội thảo

Hội thảo chủ đề “Phát huy giá trị văn hoá dân gian vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong phát triển du lịch” với 25 bài tham luận từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh và những người trực tiếp làm du lịch ở TT Huế. Các bài tham luận đã nêu bật được vấn đề nghiên cứu, cung cấp thông tin về giá trị các loại hình văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch đầm phá hiện nay đang được triển khai và đề xuất một số giải pháp để làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch văn hóa ở nơi đây.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo


Hội thảo cũng đã có những ý kiến tổng quan về tiềm năng và thực tiễn khai thác du lịch đầm phá. Nếu công tác quản  lý nhà nước được tăng cường và ý thức cộng đồng người dân được nâng cao để phát huy tốt các tiềm năng lợi thế vốn có, trong tương lai du lịch tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Nhiều ý kiến đề xuất các di sản văn hóa đã được các địa phương xây dựng và đưa vào các tour, tuyến du lịch, thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán, tín ngưỡng, cách tổ chức cộng đồng, lối sống của dân tộc.

Các ý kiến thảo luận cũng đã thống nhất các sản phẩm du lịch phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, quyền lợi của cộng đồng. Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Vì thế, không đóng giả lễ hội, không làm giả các nghi lễ linh thiêng để thu hút khách dẫn đến tình trạng giải thiêng.

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT trình bày tham luận tại Hội thảo


Nhiều tham luận đề xuất mô hình tham quan nghề đóng thuyền truyền thống vùng đầm phá Tam Giang, du lịch văn hóa ẩm thực nhìn từ làng Ngư Mỹ Thạnh, phát triển du lịch trên cơ sở lợi thế tự nhiên, tiềm năng di sản và truyền thống văn hóa ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, sản phẩm của các làng nghề truyền thống ven vùng đầm phá như nghề đan đệm bàng làng Phò Trạch, nghề đan lưới ở làng Vân Trình…Về mô hình thiết chế bảo tàng, một bảo tàng hoạt động theo chuyên đề và mang “tính mở”, không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà phải là một bảo tàng sống động có thể kết nối khắp nơi thông qua không gian mạng để giới thiệu, quảng bá về du lịch đầm phá; hình ảnh đời sống của người dân thủy diện trong ký ức và trong cuộc sống đương đại. Về mô hình thiết kế kiến trúc, đề xuất ý tưởng đồ án thiết kế không gian trải nghiệm làng chài Ngư Mỹ Thạnh” nhằm kết nối người dân sống ở trên đất liền và ngư dân bám biển sinh sống ở thuyền đò, giữa du khách với ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch phát biểu tham luận tại hội thảo


Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý tưởng về các tour, tuyến được đề xuất. Như tour tham quan Tuý Vân - Linh Thái và cửa biển Tư Hiền, làng Mĩ Lợi, làng An Bằng và “thành phố Lăng”; tham quan ven đầm phá Vinh Hưng, vùng biển Thuận An, làng Thai Dương Hạ, vùng biển Phong Hải, tham quan Điền Môn - Điền Lộc, tham quan đầm phá Hà Trung - Vinh Hà…

 

Qua hội thảo, những nội dung và giá trị di sản, các giải pháp đề xuất phát triển du lịch đã giúp các nhà quản lý, giới nghiên cứu làm rõ nhiều vấn đề, góp phần khai thác hiệu quả các giá trị và tiềm năng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Góp phần vào thực hiện Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, cùng với toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng