Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Thành phố Huế thúc đẩy du lịch văn hoá với mạng lưới trạm tương tác thông minh TapQuest
09:12 | 06/12/2024

Huế đang tiên phong ứng dụng các công nghệ mới nhất vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đồng thời đẩy mạnh khai thác du lịch văn hoá, nổi bật trong đó là xây dựng thí điểm mạng lưới các trạm tương tác thông minh kết nối với nhau để tạo thành một bản đồ văn hoá và di sản, mang lại trải nghiệm độc đáo và ứng dụng công nghệ cho du khách.

Thành phố Huế thúc đẩy du lịch văn hoá với mạng lưới trạm tương tác thông minh TapQuest
Du khách trải nghiệm trạm tương tác thông minh

Ứng dụng công nghệ để kể câu chuyện văn hoá lịch sử và tăng mức độ tương tác của du khách với mỗi công trình, di tích, di sản thì chỉ mới được quan tâm đầu tư gần đây, tiên phong trong xu thế đó và phù hợp với bối cảnh du lịch văn hoá tại Việt Nam.

Trạm tương tác thông minh là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể chạm điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm với nhiều hình thức thể hiện phong phú bao gồm hình ảnh, video, mô hình.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai công nghệ trạm tương tác thông minh tại khu vực Đại Nội trước thềm sự kiện Điện Thái Hoà chính thức ra mắt đón khách tham quan sau 3 năm trùng tu.
Công nghệ mới này đã đón nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ du khách cả trong và ngoài nước, với hơn 2500 lượt tương tác chỉ sau 2 tuần triển khai.

Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiên phong thử nghiệm triển khai và tích hợp công nghệ trạm tương tác thông minh - TapQuest tại Hải Vân Quan (thí điểm từ tháng 9/2024), Đại Nội (tháng 11/2024)… và dự kiến mở rộng ra toàn bộ các địa điểm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế trong thời gian tới.

 

Mỗi trạm tương tác thông minh đóng vai trò như một “hướng dẫn viên số” có thể cung cấp nhiều tiện ích và hỗ trợ cần thiết cho du khách. Các trạm này liên kết với nhau trong một trải nghiệm liền mạch, tạo thành một bản đồ trải nghiệm văn hoá và di sản toàn diện, có khả năng tùy biến cao và tiềm năng phát triển không giới hạn. Mô hình này với tiềm năng giúp Huế trở thành hình mẫu trong ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo vào du lịch văn hoá để mở rộng ra cả nước.

Tại mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. Chụp hình check-in và đăng tải hình ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm cũng là một chức năng vô cùng được yêu thích, trong đó du khách được “khắc tên mình lên bức tường số” của từng địa điểm mà không hề gây mất mỹ quan cho các danh thắng và còn giúp từng địa điểm quảng bá du lịch, tạo tác động tốt cho địa phương.

Không dừng lại ở Hải Vân Quan và Đại Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn dự định mở rộng triển khai công nghệ trạm tương tác thông minh đến nhiều khu vực di tích hơn, từ đó tạo thành một bản đồ tổng thể liên kết toàn bộ các khu vực, giúp du khách có trải nghiệm liền mạch xuyên suốt và tăng độ sâu tương tác với nhiều chức năng được thêm vào về sau.

Với công nghệ mới này, mô hình du lịch văn hoá của Huế có tiềm năng thay đổi sâu sắc thói quen du lịch của của du khách cả trong và ngoài nước, chạm sâu hơn vào các câu chuyện, trải nghiệm nhiều hơn các địa điểm du lịch, thúc đẩy liên kết mạnh hơn với các dịch vụ địa phương, từ đó tạo ra tích cực cho bức tranh chung của du lịch văn hoá và có thể trở thành một hình mẫu tham khảo điển hình để khai thác du lịch văn hoá ở các tỉnh thành khác.

Công nghệ mới này sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và công ty cung cấp giải pháp là Phygital Labs tiếp tục phối hợp phát triển riêng cho văn hoá và di sản Huế, với kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn hoá và di sản tại thành phố Huế trực thuộc trung ương trước thềm sự kiện đăng cai tổ chức Năm Du Lịch Quốc Gia và Festival Huế vào tháng 3.2025.

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng