Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra
15:12 | 11/12/2024

Sáng ngày 11/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra. Đông đảo các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo.

Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra
Tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, T.S Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhân tài có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lâu đời về tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dùng người tài. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (năm 1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn từng tổng kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Do vậy, chính sách trọng dụng nhân tài trở thành một nhiệm vụ chính trị mà bất cứ chính phủ hay nhà cầm quyền nào cũng cần phải lưu tâm.

Đến triều Nguyễn, các vua từ Gia Long đến Tự Đức… đều rất quan tâm đến đào tạo tuyển chọn, nhân tài. Kể từ thời Minh Mệnh (1820), việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài ngày càng được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Tất cả đều nhằm mục đích tuyển chọn thêm người tài bổ sung cho bộ máy quản lý đất nước.

Trong thời gian qua, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút người tài. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa khu vực công và khu vực tư, việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
 

TS Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu đề dẫn Hội thảo


Trong tham luận Triều Nguyễn và vấn đề nhân tài, Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu đã chỉ ra các phương cách mà triều Nguyễn sử dụng để có được nhân tài như: Cầu hiền, bảo cử, đào tạo (văn học, võ học), khoa cử (văn khoa, võ khoa) và các chính sách để đãi ngộ nhân tài như: Tưởng lệ - thưởng theo lệ; và nhân tài cũng được nhà nước tôn vinh, và cách tôn vinh thông thường nhất là khắc tên tượng đồng bia đá để lưu danh thiên cổ…

Tìm hiểu cách thức các vua Nguyễn sử dụng nhân tài xứ Quảng, TS Lưu Anh Rô nhận xét: Cách dùng người của các vua Nguyễn tại vùng đất bị xem là thiếu tin tưởng về mặt chính trị như Quảng Nam xưa, cho thấy sự cao tay trong lãnh đạo quốc gia, tinh thần trọng người tài đức trong chốn quan trường, thái độ yêu, ghét rạch ròi… của triều đình, mới mong có nhiều người cùng chung tay vì quốc gia, xã tắc được”.

Nghiên cứu về chủ đề Thu hút sử dụng nhân tài - yếu tố quan trọng thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, TS Phan Tiến Dũng cho rằng: “Cần có chính sách ưu tiên đầu tư và đặt hàng cho đội ngũ trí thức về các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện về cả môi trường và phương tiện để đội ngũ trí thức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ và sáng tạo khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật.

Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về hoạt động của đội ngũ trí thức, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng thu hút nhân tài, đãi ngộ hợp lý theo đúng khả năng và cống hiến của đội ngũ trí thức, nhất là những nhà khoa học tiêu biểu đầu ngành, những chuyên gia uy tín đóng góp xuất sắc về các chương trình nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng thực tiễn”.

Trong tham luận Vài nét về chính sách giáo dục đào tạo người tài của triều Nguyễn và một số vấn đề đặt ra hiện nay, PGS. TS Nguyễn Văn Đăng kiến nghị: “Cần phải thực sự đề cao, thực sự trân trọng người có thực học, thực tài; mạnh dạn sử dụng người trẻ có bằng cấp được đào tạo từ tế, chính qui, đặc biệt là nguồn đào tạo từ nước ngoài; phải thường xuyên đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, cập nhật những thành tựu, kiến thức của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; Tùy theo lứa tuổi mà định hướng giữa “chuyên” và “hồng” cho hợp lý, tăng cường “chuyên” hơn “hồng”; chú ý sự cân bằng giữa giáo dục phổ thông và chuyên sâu của các bậc học, của đào tạo kiến thức phổ thông và đào tạo ngành nghề…”.

Hội thảo cũng đã thảo luận thêm các vấn đề quan trọng như, vai trò, đóng góp của người tài trong sự phát triển của đất nước;  Kinh nghiệm công tác đào tạo, sử dụng, trọng dụng người tài trong lịch sử vận dụng vào công tác cán bộ hiện nay; Các chính sách thu hút người tài trong giai đoạn hiện nay; Bài học kinh nghiệm và vấn đề cần giải quyết…

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng