Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).
Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống. Khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao.
Lễ tễ Xã Tắc là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn cùng với những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt. Các vương triều độc lập của nước ta từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập Đàn Xã Tắc và tổ chức Lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 Âm lịch) để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm.
Lễ tế Xã Tắc năm nay được tổ chức quy mô, phục dựng đầy đủ các nghi thức truyền thống, gồm 3 phần: Lễ xuất cung, Lễ tế và Lễ Hồi cung. Sau ba hồi chuông trống, đúng 19 giờ 30 Lễ xuất cung của Đoàn Ngự đạo bắt đầu, với 530 người với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công Bát dật, voi, ngựa, chuông trống, võng lọng, cờ quạt. Hoàng đế (đóng vai) mặc hoàng bào, đeo đai ngọc thân chinh tế lễ xuất phát từ Điện Thái Hòa ra cửa Ngọ Môn, di chuyển đi dọc đường 23 tháng 8 vào đường Lê Huân rồi rẽ qua đường Ngô Thời Nhậm đến đàn Xã Tắc.
Đúng 20h00 Lễ tế được bắt đầu với các nghi tiết: Lễ Quán tẩy, Lễ Thượng hương, Lễ Nghinh thần, Lễ Điện ngọc bạch- hành sơ hiến, Lễ Truyền chúc, Lễ Á hiến, Lễ Tứ phúc tộ, Lễ Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn và kết thúc lễ tế.
PV
|