Có 12 tham luận đã cùng trao đổi, tọa đàm về chủ đề này. Nhà thơ Lâm Xuân Vy trong tham luận “Cố đô Hoa Lư- miền đất khai sinh dòng văn học viết - nơi gặp gỡ thi nhân mọi thời”, cho rằng do đặc điểm lịch sử, “Miền đất Hoa Lư, nơi đặt nền móng cho nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, cũng là nơi khai sinh dòng văn học viết nước nhà từ thế kỷ X xa xưa ấy”. Nhà thơ Kim Dũng đến từ Đất Tổ Hùng Vương nhận định “ cảm hứng chủ đạo sáng tạo của các thế hệ nhà thơ Đất Tổ vẫn nghiền về thể thơ truyền thống với cùng đất cội nguồn có Đền Hùng lịch sử và được thừa kế cái nôi văn nghệ kháng chiến qua “Chín năm nắng núi mưa ngàn”. Nhìn chung thơ Đất Tổ nhẹ nhàng, đôn hậu với tình yêu thiết tha quê hương đất nước sâu đằm”. Đến từ Thanh Hóa, nhà thơ Đào Phụng nêu rõ: “Thơ Thanh Hóa những năm đầu thế kỷ XXI cho thấy, thơ Thanh Hóa đã nhập vào màu sắc chúng của thơ cả nước. Với đầy đủ các cung bậc, giọng điệu, đa dạng và phong phú, nhưng vẫn gợi đây đó cái nét riêng truyền thống của thơ Thanh Hóa thời chống Pháp, chống Mỹ: đó là sự đằm thắm, chắt lọc, phóng khóang và ngang tàng đầy sự quyết liệt như là sở trường, sở đỏan của thơ ca miền Thanh”. Nhà thơ Bùi Văn Kha đến từ Hà Nội lại quan tâm đến “Đề tài thế sự - công dân trong thơ Hà Nội” và cho rằng đây là đề tài “luôn luôn được coi trọng và những tác phẩm viết về đề tài này cũng thành công nhất”.
Tham gia cuộc tọa đàm, với tham luận “Các cố đô, khi không còn giữ vị trí trung tâm đất nước, sẽ còn lại những gì?” nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh: “ Việc chăm lo giúp đỡ các cố đô lịch sử, giữ gìn bộ mặt văn hóa vốn có của nó lại càng trở nên bứt thiết. Bởi vì các cố đô ngày nay (trừ Hà Nội) không còn nguồn lực gì đáng kể về chính trị, kinh tế, ngoài giá trị văn hóa vốn có nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu mòn, hủy hoại”. Và nhà thơ kêu gọi:“Giữ gìn vẻ đẹp văn hóa của các cố đô nước nhà là trách nhiệm của mọi người Việt Nam, trong đó có cả người cầm bút, như bảo vệ nguồn gien cao quý của nòi giống”...
Với tham luận “Tiếp sức để đất thơ không cạn kiệt”, Họa sỹ Đặng Mậu Tựu đề xuất 8 vấn đề: tôn trọng lòng dũng cảm, sự ngay thẳng của nhà thơ; bồi dưỡng thế hệ trẻ; lãnh đạo địa phương cần có cái nhìn rộng mở, thóang đạt về các nhà thơ của xứ sở mình và cần có lòng tự hào về họ ở địa phương mình; cải tổ dạy văn trong trường học; tổ chức hội thảo văn học về các vùng kinh đô chất lượng hơn; quảng bá tác phẩm hay từ các vùng kinh đô; trao giải cho tác phẩm hay; đề nghị Ủy ban Tòan quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam ưu ái tổ chức các trại sáng tác thơ cho các vùng kinh đô để có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhau nhiều kinh nghiệm trong sáng tác...
Đây là lần thứ tư các văn nghệ sỹ 5 vùng kinh đô gặp nhau. Các Hội, Liên hiệp hội VHNT các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2010 - 2015 vào tháng 6/2010 tại Huế. Từ đó đến nay đã có những cuộc hội thảo, gặp gỡ trao đổi, tọa đàm tại Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình...
PV
|