Kinh tế và phát triển
“Tàu 67” vẫn khó vươn khơi
08:52 | 16/10/2015

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thừa Thiên Huế cho biết, khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) mới được triển khai, ngư dân nhiều xã nô nức đăng ký vay vốn. Đã có tới 64 hộ đăng ký nhưng khi ngân hàng xuống làm việc cụ thể thì chỉ còn 3 hộ và các hộ này đã được phê duyệt cho vay.

 

“Tàu 67” vẫn khó vươn khơi
Đóng mới, nâng cấp tàu cá ở cơ sở đóng tàu Lâm Thành Phát, phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tương tự, ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng cho hay, khi triển khai cho vay đóng tàu theo chương trình này, toàn tỉnh Quảng Trị có 29 hộ đăng ký tham gia. Song khi ngân hàng xuống từng hộ để hướng dẫn, thì chỉ còn lại vài hộ đăng ký.

Một trong những rào cản đầu tiên, theo các ngư dân là vốn đối ứng. Theo Nghị định 67, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải có 30% vốn đối ứng với tàu gỗ hoặc 5% với tàu vỏ thép. Đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67.

Anh Trần Quân (ngư dân tại thị trấn Thuận An) cho hay, rất nhiều ngư dân trong vùng muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, song số hộ đủ điều kiện không nhiều. Bởi mỗi con tàu trị giá cả chục tỷ đồng và như vậy vốn đối ứng cũng phải tới vài tỷ đồng thì không phải hộ nào cũng đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Nghị định 67 quy định sử dụng máy mới 100%, trong khi có nhiều trường hợp ngư dân mong muốn được sử dụng máy đã qua sử dụng nhằm tiết giảm chi phí.

Ông Mai Xuân Thành, giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Phú Vang cho biết: Để quyết định vay, ngư dân phải đắn đo vì đầu tư ra rất lớn trong khi hiệu quả kinh tế thì chưa biết thế nào.

Ông Mai Xuân Thành cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều ngư dân có nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu vỏ gỗ có công suất 400CV lên trên 400CV. Tuy nhiên, theo văn bản chỉ đạo số 4209/SNNPTNT của UBND tình Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn triển khai Nghị định 67 lại quy định nâng cấp cải hoán tàu cá, thay máy mới, gia cố vỏ bọc thép, vỏ bọc vật liệu mới chứ không phải gia cố vỏ gỗ. Vì vậy, khi triển khai Nghị định 67, nhiều chủ tàu có nhu cầu đăng ký cải hoán tàu vỏ gỗ nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn.

Trong khi đó, ông Trương Hữu Toán, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ, chính sách để cho vay cải hoán hiện nay chưa được thực hiện. Mặc dù Nghị định 67 có nội dung cho vay cải hoán nhưng cải hoán như thế nào, sử dụng máy cũ ra làm sao, quy định thế nào là máy cũ, thì hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa có quy định chính thức.

Bên cạnh đó, theo kiến nghị của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Vang, phần lớn ngư dân đã có tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ nên khi đóng mới tàu hoặc cải hoán tàu cũ họ muốn tận dụng lại trang thiết bị và ngư lưới cụ sẵn có để nâng cấp và cải tạo cho phù hợp với tàu mới, nhưng lại không được tính vào vốn đối ứng để được vay.

Cùng với đó, ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thẩm định dự toán con tàu vì chưa có quy định về định mức kỹ thuật và giá khái toán để tham khảo, còn cả vướng mắc trong phê duyệt thiết kế mẫu tàu.

Ông Đỗ Thế Hải chia sẻ, nếu đóng tàu sắt thì mẫu mã phải theo thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng dân thì chủ yếu đóng tàu dân gian, mỗi nơi một kiểu… làm cho công tác thẩm định rất khó. Đã là tàu dân gian thì việc xem dự toán càng khó hơn.

Rời Thuận An, một cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trăn trở nói với chúng tôi: Muốn làm tốt chính sách này phải xã hội hóa, rất cần hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc và ngân hàng chỉ là một “mắt xích” trong quá trình này.

Theo baotintuc.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng