Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên - Huế hướng đến đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”
08:45 | 22/10/2015

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên - Huế nỗ lực phấn đấu, dám nghĩ, dám làm, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 trên tất cả các lĩnh vực.

Thừa Thiên - Huế hướng đến đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”
Festival Huế - một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo và hấp dẫn.

Đây là cơ sở để bước sang nhiệm kỳ 15 (2015 - 2020), Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Thành quả quan trọng

Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị, khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14. Tỉnh đã hoàn thành tám trong số 14 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; sáu chỉ tiêu còn lại có hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh đã duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bình quân đạt hơn 9%/năm. So với năm 2010, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 2.000 USD, tăng gần gấp hai lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 70 nghìn tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,6%/năm, từ đó đã tạo đà cho kinh tế, xã hội ổn định và phát triển.

Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổng lượt khách đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng gần gấp hai lần, doanh thu tăng bình quân 15%/năm. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, chiếm 34,7% trong GRDP. Năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp được nâng lên. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề được đầu tư, phát triển, đã thu hút 96 dự án với tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng.

Nông nghiệp phát triển toàn diện, chiếm 9,6% trong GRDP. Sản lượng lương thực bình quân đạt hơn 300 nghìn tấn/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, hoàn thành quy hoạch, lập đề án cho 92 xã và đã có 11 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị. Toàn tỉnh hiện có 11 đô thị; trong đó có một đô thị loại I là thành phố Huế, ba đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Thuận An mở rộng) và bảy đô thị loại V (thị trấn Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre); nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%.

Nhiều công trình, dự án quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng: nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài, đường phía tây thành phố Huế, đường La Sơn - Nam Đông, Thủy Dương - Thuận An, hệ thống cầu qua phá Tam Giang, sông Hương, sông An Cựu, sông Đông Ba... và các công trình trọng điểm về thủy điện, thủy lợi. Đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cửa khẩu A Đớt, Khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, Quảng Vinh... Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ mở rộng quốc lộ 1A, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng… Công tác chỉnh trang đô thị, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực. Trong đó, hạ tầng đô thị được nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại, tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; hộ sử dụng điện đạt 99,5%; đường phố chính đô thị được chiếu sáng đạt 95,4%.

Về kinh tế đối ngoại, Thừa Thiên - Huế mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thường xuyên duy trì hợp tác với 41 nước. Phối hợp tốt giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt gần 350 triệu USD, với các dự án lớn, như: Khu du lịch Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, chế biến thủy sản của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Tập đoàn Dệt may…; triển khai có hiệu quả các dự án ODA, NGO; tăng cường liên kết, hợp tác các địa phương trong vùng, khu vực và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả; tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường; giữ vững an ninh chính trị trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Phát huy lợi thế sẵn có

Trong các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vùng, quốc gia đều khẳng định: Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế là một trong sáu đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đảng bộ Thừa Thiên - Huế đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu đến năm 2020 xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, đào tạo khoa học - công nghệ lớn của cả nước và khu vực các nước Đông - Nam Á.

Đô thị Thừa Thiên - Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình: sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên phong phú, với hệ thống đồi núi, đầm phá tự nhiên rộng lớn, cùng hệ thống công viên cây xanh và nhà vườn sinh thái, đã và đang trở thành một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng, đáp ứng tiêu chí đánh giá đô thị tại Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ về xếp loại đô thị. Thừa Thiên - Huế còn có những đặc thù riêng của một đô thị cổ và được phát triển theo hướng phát huy cao nhất những đặc trưng, không tập trung “nóng” vào công nghiệp dễ có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường mà sẽ phát triển theo hướng hài hòa, phát huy các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên…, lấy dịch vụ - du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ để phát triển, hướng đến xây dựng Thừa Thiên - Huế thành đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Đáng chú ý là tỉnh đã tập trung đầu tư cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị, các tuyến đường trọng điểm Đống Đa, Điện Biên Phủ và các trục giao thông quan trọng khác. Xây dựng Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An. Hoàn thành khu hành chính tập trung của thành phố Huế; đầu tư xây dựng các khu chung cư, khu nhà ở; các khu đô thị mới... Hạ tầng đô thị được nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại, từng bước thay đổi theo hướng xanh - sạch - đẹp. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng chủ động; bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai thực hiện đồng bộ.

Để gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế, các giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Đảng bộ tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các điểm đến tham quan di sản trên địa bàn, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn thành phố festival, thành phố văn hóa, bền vững môi trường của ASEAN. Tỉnh vừa tổ chức đón du khách thứ 30 triệu tham quan di tích Huế, kể từ khi khu di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Thừa Thiên - Huế đang tập trung xây dựng các thiết chế của trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và trung tâm y tế chuyên sâu của vùng và cả nước. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vai trò của một đại học vùng trọng điểm, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực. Nhiều bệnh viện tuyến huyện được xây dựng và nâng cấp; hơn 90% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 98% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế. Hạ tầng và thiết chế về khoa học - công nghệ phát triển. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ được triển khai, ứng dụng rộng rãi, có giá trị trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

Tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các dịch vụ phục vụ du khách cập cảng Chân Mây, thúc đẩy phát triển du lịch đường biển; liên kết mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch; nghiên cứu kết nối, hoàn thiện dịch vụ cho sản phẩm du lịch tâm linh đến hệ thống chùa Huế. Chú trọng cải thiện môi trường du lịch, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý và phục vụ của lao động trong ngành du lịch; tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng phục vụ của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng. Ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái, đồng thời hướng đến việc bảo tồn cao nhất các giá trị vốn có của môi trường tự nhiên, hướng đến phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh để phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan. Tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch vùng, miền, phát triển du lịch xanh và bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học.

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp

Nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đứng trước xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tôn trọng các nguyên tắc hiệp thương dân chủ; phát huy vai trò phản biện xã hội và tham gia giám sát của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng theo hướng khoa học, dân chủ, gần dân, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với thật sự phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng văn hóa trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục. Nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu 100% số tổ dân phố, thôn, bản có tổ chức đảng, đảng viên; bình quân hằng năm kết nạp hơn 2.000 đảng viên; phấn đấu không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.

Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm về phát triển du lịch - dịch vụ; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh phấn đấu đạt tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân hơn 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.400 đến 3.700 USD; mỗi năm giải quyết việc làm mới từ 15.000 đến 17.000 lao động/năm, trong đó lao động qua đào tạo đạt 65 đến 70%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5 đến 2%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 50 đến 60%...

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, tin rằng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sẽ bầu được những người đủ đức, đủ tài, làm hạt nhân lãnh đạo thực hiện thành công mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp do Đại hội đề ra, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

LÊ TRƯỜNG LƯU, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ( Theo NDO)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng