Sự thay đổi nhận thức của người dân đã đưa xã miền núi Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) từ một điểm nóng nhức nhối về bạo lực gia đình (BLGĐ) trở thành điểm sáng trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
5 năm trước, ngôi nhà của vợ chồng anh Hồ Văn Dâm và chị Hồ Thị Kim (ngụ thôn Kêr) hầu như ngày nào cũng phát ra tiếng khóc thét của chị Kim. Đó là hậu quả từ việc anh Dâm thường xuyên trút vào vợ những trận đòn sau mỗi lần nhậu hay bực tức. Nhiều lúc không chịu nổi đòn roi của chồng, chị Kim phải trốn về nhà bố mẹ đẻ lánh nạn.
Vậy nhưng, 3 năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình anh Dâm đã trở nên yên ấm. "Ngày trước mình hay rượu chè, coi việc đánh vợ là chuyện bình thường. Sau khi được chính quyền và các cơ quan đoàn thể của xã, nhất là Hội Nông dân liên tục tuyên truyền, giúp đỡ, mình đã thấy được đánh vợ là việc xấu hổ nên từ bỏ"- anh Dâm kể. Từ khi không còn xảy ra BLGĐ, vợ chồng anh Dâm bảo ban nhau làm ăn nên có điều kiện nuôi 2 con ăn học chu đáo. Đây chỉ là một trong hàng loạt trường hợp bạo lực như cơm bữa ở Hồng Vân, nay đã có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc.
Theo thống kê của UBND xã Hồng Vân, ở thời điểm năm 2008, xã thuộc diện dẫn đầu tỉnh về tình trạng BLGĐ khi có khoảng 100 hộ thường xuyên xảy ra bạo lực, chủ yếu là bạo lực thân thể. Tuy nhiên, đến nay con số này giảm xuống chỉ còn một vài hộ.
Theo ông Hồ Văn Rao - Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, tình trạng BLGĐ ở xã giảm mạnh từ 3 năm trở lại đây, khi các nhóm phòng chống BLGĐ và các câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tại 5 thôn được thành lập và hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Ba- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Vân cho biết: Trên thực tế, hầu hết các trường hợp xảy ra BLGĐ trên địa bàn xã là do nghèo đói mà ra. Vì vậy, ngoài phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác tuyên truyền, vận động, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ những gia đình khó khăn và hay xảy ra bạo lực phát triển kinh tế bằng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng BLGĐ ở địa phương. Đơn cử như trường hợp gia đình anh Hồ Văn Dâm. Từ đề xuất của Hội Nông dân xã, chính quyền đã cấp cho gia đình anh Dâm gần 4ha đất để phát triển trồng rừng. Hội Nông dân xã cũng tư vấn giúp anh Dâm mở tiệm cắt tóc để có thêm thu nhập. Nhờ đó, kinh tế của gia đình anh Dâm ngày càng khấm khá và cuộc sống vợ chồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Từ thành công của mô hình phòng chống BLGĐ ở Hồng Vân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh có 113 nhóm phòng chống BLGĐ đi vào hoạt động và 288 câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững". Ngoài ra còn có khoảng khoảng 400 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, góp phần tiếp nhận, giúp đỡ hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho các nạn nhân bị BLGĐ và thông báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời giải quyết.
Theo An Sơn - Dân Việt