Kinh tế và phát triển
Phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường nông sản, đặc sản Huế là chiến lược của tỉnh đến năm 2020
08:17 | 30/12/2015

Thừa Thiên Huế có nhiều sản phẩm nông sản và đặc sản chất lượng cao, nổi tiếng với nhiều loại đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Việt Nam xác lập như tôm chua, ruốc, bưởi, thanh trà, tré, bún bò, mè xửng… ngoài ra, còn rất nhiều nông sản, rau quả sạch tiêu chuẩn VietGAP. Song, lâu nay các sản phẩm này rất khó để đứng chân vào siêu thị cũng như có mặt tại thị trường các tỉnh. Đây là vấn đề quan trọng đặt ra tại hội nghị phát triển thị trường nông sản, đặc sản Huế do UBND tỉnh tổ chức ngày 24/12.

Phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường nông sản, đặc sản Huế là chiến lược của tỉnh đến năm 2020

 
          Theo báo cáo của Sở Công thương tại hội nghị phát triển thị trường nông sản, đặc sản Huế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 74 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất 50 nhóm hàng sản phẩm nông – đặc sản được Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương tiến hành khảo sát, lựa chọn để kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối. Sở cũng đã tiến hành xây dựng các tiêu chí cơ bản để lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, đặc sản đưa vào kênh phân phối. Kết quả bước đầu siêu thị Big C Huế đang xúc tiến đưa 6 sản phẩm cho 12 mã hàng nông sản, đặc sản của tỉnh vào tiêu thụ tại siêu thị; siêu thị Co.opMart Huế có khoảng 20 sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh đã và đang xúc tiến đưa vào tiêu thụ tại siêu thị. Kết quả bước đầu là đáng ghi nhận, song với một vùng đất có nhiều thế mạnh về nông sản đặc trưng, đặc biệt là đặc sản địa phương thì số lượng sản phẩm vào các siêu thị lớn và xuất ra thị trường ngoài tỉnh thì quá ít ỏi mà cái khó nổi lên vẫn là các thủ tục kiểm định không dễ dàng thực hiện được đối với các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ.
            Tại hội nghị, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và địa phương đều mong muốn được mở rộng thị trường đặc sản của mình, tuy nhiên để đảm bảo các điều kiện chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện an toàn để tham gia thị trường thì không dễ đối với các cơ sở sản xuất đặc sản và phải tốn chi phí khá cao. Là cơ sở sản xuất thực phẩm uy tín ở Huế lâu nay với gần chục sản phẩm như rượu gạo, mắm tôm, mắm cá rò, ruốc, tỏi đen, mứt gừng, bánh chưng mang thương hiệu Tâm Huế, song phải vất vả lắm cơ sở này mới hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm.
            Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế cho cho biết, để công bố chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất phải tiến hành gởi mẫu phân tích tại phòng kiểm nghiệm được công nhận để kiểm nghiệm các tiêu chí theo quy định như cảm quan, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu vi sinh vật, chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu độc tốt… và các hoạt động giám sát chất lượng với tổng chi phí khá cao, do vậy tạo khó khăn về chi phí cho các cơ sở sản xuất. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Văn Bình cho rằng “Một sản phẩm đặc sản nhưng có tới 3 cơ quan quản lý và công bố chất lượng là Sở Công thương, Y tế và Nông nghiệp nên các cơ sở phải trải qua nhiều thủ tục, mất khá nhiều thời gian và tốn kém, trong khi các chi phí như công bố chất lượng, kiểm nghiệm đều tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính nên không miễn giảm. Hiện lệ phí kiểm nghiệm cho sản phẩm bia Huế, một thương hiệu lớn của tập đoàn nước ngoài có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm với mức 3,5 triệu đồng/mẫu, trong khi đó sản phẩm tôm chua, mắm cá rò, ruốc, mứt gừng sản xuất quy mô hộ gia đình, doanh số bán hàng chỉ đạt vài chục triệu/cơ sở/năm lại có mức phí từ 3- 4 triệu đồng/mẫu và chỉ có thời hạn 6 tháng, đây chính là bất cập trong quản lý mức thu phí lâu nay của cơ quan có thẩm quyền.
            Từ thực tế đó, để hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong việc công bố chất lượng sản phẩm, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để xây dựng quy chuẩn địa phương các mặt hàng đặc sản Huế như mè xừng, tôm chua…; hỗ trợ một phần kinh phí giám sát chất lượng sản phẩm định kỳ 2 lần/năm cho các cơ sở sản xuất, giúp các cơ sở này duy trì giám sát định kỳ đúng quy định để giám bớt gánh nặng chi phí kiểm nghiệm mẫu, nhất là các cơ sở nhỏ.
            Một vấn đề khó khăn nữa trong phát triển thị trường các nông sản đặc sản Huế được các đại biểu tham dự hội nghị lưu ý là vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Ông Nguyễn Hùng, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH&CN cho biết, thời gian qua Tỉnh đã lồng ghép việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương với các chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào việc phát triển đặc sản, nhờ vậy nhiều nông sản, đặc sản được đăng ký nhẫn hiệu tập thể như: gạo đỏ Quảng Điền, rau má Quảng Thọ, bưởi cốm Hương Thọ, bún Vân Cù, nước mắm Làng Dừa, kiệu Hương Chữ, nước mắm Phú Thuận, nước mắm làng Trài, nấm Phú Lương… việc xây dựng thương hiệu này đã tạo được công cụ để thúc đẩy phát triển thị trường. Tuy nhiên thực tế là các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý chứ chưa có các giải pháp đồng bộ tổ chức theo hướng như quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý, quảng bá thương hiệu một cách bền vững để tăng khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Hùng cho rằng cần đẩy mạnh hơn công tác xây dựng thương hiệu cho nông sản và đặc sản Huế, trong đó trước hết cần có những sản phẩm chất lượng, phải làm thế nào để tạo nét đặc rưng riêng có từ tên thương hiệu, logo, cho đến slogan để tạo dấu hiệu phân biệt hàng hóa của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác và điều đặc biệt hơn hết là xây dựng uy tín của nhà sản xuất, doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
            Đồng thời, muốn phát triển triển thị trường nông sản, đặc sản ngoài các yếu tố chất lượng, thương hiệu sản phẩm cần có sự tham hỗ trợ tích cực từ kênh phân phối và các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát huy trách nhiệm của các ngành như Công thương, NN&PTNT, KH&CN, Y tế…
            Một thực tế lâu nay, trong khi nhiều loại đặc sản đặc trưng của các vùng miền trong cả nước lại có mặt tại hệ thống siêu thị Huế như bưởi năm roi, bánh tráng Bình Định, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, kẹo gương Quảng Ngãi…, nhiều đặc sản Huế như thanh trà, bưởi, nước mắm, tôm chua, kẹo mè đen, chả, tré vẫn “đứng ngoài” do thiếu các thủ tục kiểm định. Năm 2016, UBND tỉnh sẽ triển khai chương trình phát triển thị trường đặc sản Huế nhằm xây dựng các thương hiệu đặc sản Huế, với sự phối hợp của 3 đơn vị là Sở Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & công nghệ. Các sản phẩm nằm trong chương trình gồm đặc sản, quà tặng lưu niệm và sẽ được hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, xây dựng nguồn nhân lực và đào tạo nghề.
            Phát biểu tại hội nghị phát triển thị trường nông sản, đặc sản Huế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường nông sản, đặc sản Huế được xác định là chiến lược của tỉnh đến năm 2020, do vậy yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh kết nối với các nhà phân phối lớn trong cả nước, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa ổn định, bền vững. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các nhà phân phối lớn như Big C, Co.opMart, Lotte Mart, Hapro Mart… tạo mọi điều kiện, đơn giản hóa thủ tục để các cơ sở sản xuất thuận tiện hơn trong việc đưa hàng vào siêu thị, qua đó đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa cho thị trường cả nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản Huế.

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng