Sau ngày giải phóng, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở A So, xã Đông Sơn (A Lưới, Thừa Thiên - Huế), đã ra sức cải tạo vùng đất từng bị giặc Mỹ rải hàng trăm đợt chất độc hóa học. Đến hôm nay, sau hơn 50 năm giải phóng, A So đã được hồi sinh với một màu xanh của những cánh rừng trù phú giữa đại ngàn Trường Sơn…
Đưa chúng tôi đến khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ ở sân bay A So đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2013, ông Hồ Giang Ngân, Phó Công an xã Đông Sơn cho hay, do sinh sống, canh tác và sử dụng nguồn nước từ vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học nên đến nay, trên địa bàn xã có 100 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng vợ chồng ông Ngân liên tiếp sinh được 11 người con, nhưng đều bị dị dạng, khuyết tật và 8 người trong số ấy đã mất khi chưa đầy 1 tuổi.
Theo ông Ngân, ngoài trường hợp của gia đình ông thì hiện ở vùng miền núi này còn có hàng chục cặp vợ chồng sinh con ra đều bị di chứng của chất độc da cam, dẫn đến mắc các bệnh câm điếc, mù lòa, u não, khuyết tật bộ phận cơ thể...
Dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin, song kể từ ngày giải phóng đến nay, người dân A So gắng sức vươn lên, nỗ lực lao động, sản xuất. Từ vùng đất hoang hóa, người dân ở các thôn bản như Loa, Tru, Ta Vai, Ân Sam sống quanh khu vực sân bay A So đã biết trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Xuân Pí, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đông Sơn phấn khởi nói: “Vùng đất da cam đã đổi thay và khác xưa nhiều rồi. Đến nay có 393 hộ dân sống quanh sân bay A So đã trồng được 260ha lúa, sắn, ngô; nuôi hơn 5.000 gia súc. Ngoài ra, bình quân mỗi hộ còn trồng được từ 1,5-3ha keo tràm, thu nhập hằng năm của mỗi người đạt trên 14 triệu đồng. Đây là con số mà chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến”.
Để giảm bớt sự ảnh hưởng của chất độc dioxin, từ năm 2000, được sự hỗ trợ của một dự án, người dân đã trồng hàng ngàn cây bồ kết quanh khu vực sân bay A So. Đặc biệt vào năm 2010, nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam (Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) đã tài trợ 1,4 tỷ đồng để giúp Đông Sơn thực hiện dự án nước sạch, nhờ thế mà đến nay, 100% người dân sống ở xã miền núi này đã có nước sạch để sử dụng.
Đặc biệt, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền, sau nhiều năm thực hiện Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện xã Đông Sơn đã bê tông hóa hàng chục kilomet đường liên thôn, xóa nhiều nhà tạm, dột nát để giúp người dân có cuộc sống định canh, định cư. Năm 2015, xã còn cấp gần 100ha đất rừng cho 97 hộ dân của xã để người dân trồng rừng kinh tế, qua đó góp phần phủ xanh các đồi núi trọc.
Đầu tháng 3-2016, Đông Sơn xây dựng được khu nhà chứng tích chiến tranh chất độc hóa học, trưng bày trên 100 hiện vật chiến tranh và nhiều hình ảnh nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học tại A Lưới, để giúp du khách trong và ngoài nước đến tham quan hiểu rõ hơn về sự đổi thay của vùng đất và con người nơi đây…