Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang kiên trì theo đuổi giấc mơ sớm trở thành đô thị loại I. Không vội vàng, không ồn ào, nhưng những bước đi của Thừa Thiên Huế rất vững chắc, với việc chú trọng đầu tư hạ tầng.
Vững vàng từng bước
Ngay khi đưa ra mục tiêu lên đô thị loại I, Thừa Thiên Huế đã xác định trọng tâm trọng điểm nằm ở hạng mục cơ sở hạ tầng. Đây chính là nền tảng, động lực đưakinh tế, xã hội của tỉnh phát triển, là đòn bẩy trong lĩnh vực thu hút đầu tư và là tiêu chí quan trọng nhất.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, để hiện thực hóa điều này, Thừa Thiên Huế xác định việc đầu tư nguồn lực không chỉ tập trung xây dựng riêng cho thành phố Huế, mà cùng với đó, Huế phải có những đô thị vệ tinh bao quanh. Các đô thị này được quy hoạch bao gồm Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An (Phú Vang), Sịa (Quảng Điền), A Lưới.
Công cuộc đầu tư vào hạ tầng bắt đầu từ những công trình giao thông trọng điểm, bao gồm nâng cấp cải tạo hệ thống Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh; Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thành phố Huế; nâng cấp xây dựng tuyến Quốc lộ 49 nối Huế và huyện miền núi A Lưới; xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan; các công trình hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng...
Đối với thành phố Huế, các tuyến đường chính khu vực trung tâm thành phố và một số tuyến đường chính ở phía Tây Nam thành phố như đường Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Trần Phú, Lê Lợi, Ngô Quyền, Hùng Vương, Hà Nội, Điện Biên Phủ, Ngự Bình… đã được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết: “Có thể nói, việc đầu tư các tuyến đường này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá ngày càng tăng tại khu vực nội thị Huế, mà đây còn là một trong những bước đi để tỉnh Thừa Thiên Huế hiện thực hoá kế hoạch mở rộng TP. Huế về hướng Tây Nam”.
Bên cạnh hệ thống đường, các công trình cầu với quy mô lớn cũng được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển như cầu Ca Cút (Thuận An, Phú Vang), cầu Dã Viên, cầu Chợ Dinh (TP. Huế). Các cầu trên tuyến Quốc lộ 1A cũng được xây mới nhằm phù hợp với việc mở rộng nâng cấp đường. Tại trung tâm TP. Huế, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2009 đến 2012, lần lượt các cầu An Cựu - Khò Ren - Phủ Cam - Nam Giao - Bến Ngự (bắc qua sông An Cựu) lần lượt được xây dựng mới.
Điểm nhấn Chân Mây - Lăng Cô
Trong Đề án Phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Theo đó, khu vực này được quy hoạch sẽ trở thành khu kinh tế động lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có một dự án đầu tư hạ tầng rất quan trọng đang được nhà đầu tư thực hiện, đó là Dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây. Dự án có tổng vốn đầu tư 846 tỷ đồng, do Công ty Hào Hưng Huế thực hiện, với quy mô dự án là hơn 13 ha, trong đó, diện tích bến bãi là hơn 10 ha và gần 3 ha khu nước trước bến, chiều dài bến số 3 là 270m. Dự kiến đến năm 2018, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.
Ngoài Bến số 3, hiện Cảng Chân Mây còn có Bến số 1 với chiều dài 420 m, độ sâu trước bến 12,5 m, đủ khả năng đón tàu có trọng tải 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; Bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20.000 DWT để xếp dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng; thiết bị cẩu bờ di động Gottwald làm hàng đa năng như container, hàng siêu trường, siêu trọng, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời như than cám, cát silic, titan, clinker… có thể đạt 10.000 tấn/24 giờ.
Ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với sự đầu tư hạ tầng bài bản, đầy đủ, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang trở thành nơi hội tụ của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn, sản xuất kinh doanh. Trong số đó, có những dự án có quy mô rất lớn như Laguna Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của Công ty TNHH Tập đoàn Lu’s World Shine (Cộng hòa Seychelles)… Trong năm 2016, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Nga... cũng đã đến khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu để đầu tư dự án.
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Tổng diện tích của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô rộng 27.108 ha, lớn hơn một chút so với khu vực nội thành Đà Nẵng. Với những lợi thế sẵn có, sự đầu tư bài bản, có kế hoạch, có lộ trình, giấc mơ đưa Chân Mây - Lăng Cô trở thành một đô thị xanh, hiện đại trong tương lai không phải là không có cơ sở”.
Theo Ngọc Tân ( baodautu.vn)