Kinh tế và phát triển
Cảng biển Thừa Thiên Huế được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I)
09:21 | 30/08/2016

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Phạm vi quy hoạch (nhóm 3) bao gồm các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố ven biển thuộc khu vực Trung Trung bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Phạm vi phục vụ bao gồm các tỉnh, thành phố nêu trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải biển của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc của Vương quốc Thái Lan.

Cảng biển Thừa Thiên Huế được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I)

Mục tiêu định hướng phát triển cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3) là phát huy được hiện quả tổng hợp, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên qua, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh cho địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các khu vực liên quan; hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế và giải pháp như: Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...); tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định; nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...) của cảng biển, bến cảng quan trọng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo hướng đơn giản hóa và hội nhập quốc tế; lưu ý dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối logistics...

Theo Quyết định, cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bến chuyên dùng tại Điền Lộc, huyện Phong Điền. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8 - 5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm.

Theo đó, khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, công ten nơ kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn. Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 02 đến 03 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 01 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1,0 triệu tấn/năm. Khu bến Thuận An là bến tổng hợp địa phương vệ tinh, giai đoạn 2020 hoàn thành nâng cấp cải tạo, đầu tư chiều sâu 02 bến hiện hữu cho tàu 3.000 tấn đến 5.000 tấn, năng lực thông qua khoảng 0,1 đến 0,3 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 nghiên cứu phát triển thêm 01 bến cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn, năng lực thông qua 0,3 đến 0,5 triệu tấn/năm, giữ nguyên quy mô bến xăng dầu Thuận An gồm 01 bến tàu 1.000 tấn, năng lực thông qua 0,1 triệu tấn/năm; bến xi măng Điền Lộc là bến chuyên dùng nhà máy xi măng Đồng Lâm sẽ được đầu tư phát triển theo nhu cầu của nhà máy.


Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng