Giáo dục-Y tế
Chung tay tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong trường học
08:57 | 22/04/2015

Từ 21 - 23/4, tại Thành phố Huế, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực cho GV, cán bộ y tế về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học".

Chung tay tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong trường học

Tham dự hội thảo có bà Hà Thị Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&Đ), đại diện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đến từ 18 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Trên 91% trường học, cơ sở giáo dục có công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn


Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận, báo cáo Tổng quan về công tác nước sạch vệ sinh môi trường năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; Kiến thức truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học; ảnh hưởng của nước sạch - vệ sinh môi trường đến sức khỏe của học sinh, sinh viên…

Hiện tổng số trường học có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh là 38.371 trên tổng số 41.981 trường, đạt 91,4%. Phấn đấu đến hết năm 2015, toàn ngành Giáo dục đạt 94% các điểm trường học có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Phấn đấu đến hết năm 2015, toàn ngành Giáo dục đạt 94% các điểm trường học có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đặc biệt trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Bộ GD&ĐT đã luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Úc và cơ quan phát triển quốc tế Úc cả về tài chính và chuyên môn. Hai Dự án hỗ trợ kỹ thuật đã hoàn thành từ năm 2012 - 2014 đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ và thúc đẩy ngành Giáo dục đạt được hiệu quả cao hơn trong thực hiện Chương trình.

Tiếp nối những kết quả của giai đoạn 1 và 2, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai giai đoạn 3 với Dự án “Đánh giá tác động của Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMT trong trường học đến sức khỏe của học sinh sau 3 năm triển khai thực hiện”.

Các dự án có vai trò quan trọng không chỉ trong công tác quản lý mà còn thúc đẩy đạt được các mục tiêu của ngành Giáo dục.

Nhiều hạn chế, khó khăn bắt nguồn từ thiếu ngân sách đầu tư

Nhiều Sở GD&ĐT không được cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong trường học như Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cà Mau…

Tuy nhiên việc thực hiện công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở một số nơi còn hạn chế, khó khăn. Công tác giáo dục truyền thông chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số tỉnh thành các công trình nước và nhà tiêu trong trường học được xây dựng không đồng bộ: Công trình vệ sinh xây trước, công trình nước xây sau hoặc ngược lại. Nhiều nhà tiêu được xây dựng không đúng quy cách, chưa thật phù hợp với độ tuổi trẻ.

Công tác truyền thông về giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân ở một số nơi (miền núi, vùng cao, sâu xa…) còn lạc hậu.

Tại nhiều địa phương, ngành Giáo dục không được phân bổ ngân sách hoặc được phân bổ ngân sách thấp so với nhu cầu dẫn đến không đủ nguồn lực cho công tác đầu tư, xây dựng công trình trong trường học. Nhiều Sở GD&ĐT không được cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản như Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cà Mau…

Ngoài ra nhiều địa phương như Sơn La, Thái Bình, Phú Yên Đăk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp… đã hoàn thành hoặc đạt tỉ lệ cao về mục tiêu nước sạch nhưng mục tiêu vệ sinh còn thấp và chưa đạt do chưa huy động được nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các công trình cũ đã xuống cấp.

Trong lúc đó, các tỉnh miền Trung do phải gánh chịu nhiều hậu quả thiên tai, bão lũ khiến nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường xuống cấp hoặc hư hại nặng. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, cơn bão số 11 vào tháng 10/2013 đã làm ảnh hưởng và hư hỏng 227 trường học.

Cần sự phối hợp liên ngành hiệu quả

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Dung - Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong nhà trường thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương phối hợp liên ngành: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp.

Cùng đó, đa dạng hóa truyền thông giáo dục; mở rộng phạm vi, chú trọng kiến thức và kỹ năng sử dụng; tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục về vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa; phát triển hệ thống Y tế trường học, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về nước sạch - vệ sinh môi trường.

Để làm được những việc trên, bà Hà Thị Dung nêu lên các đề xuất, cụ thể: Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách cho chương trình, đặc biệt là ngành Giáo dục để hoàn thành mục tiêu chương trình.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, cần phối hợp và hỗ trợ ngành Giáo dục trong thực hiện chương trình ở địa phương.

Đối với chính quyền các địa phương, cần tăng cường sự chỉ đạo điều hành, điều phối sự phối hợp giữa các Sở thực hiện chương trình, quan tâm bố trí ngân sách cho ngành Giáo dục tại địa phương.

Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong nhà trường có ý nghĩa chiến lược lâu dài, nhằm góp phần hình thành thói quen văn minh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay với xà phòng đúng cách, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo môi trường xanh sạch đẹp trong trường học, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông - Bà Hà Thị Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) 

 

Theo GD&TĐ

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng