Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế phối hợp với Viên Công nghệ Châu Á (AIT) vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi rơm thành nhiên liệu đun nấu nhằm đạt đồng lợi ích về chất lượng không khí và khí hậu ở một số nước tiểu vùng sông Mê Công”. Chủ đề hội thảo cũng chính là tên của một dự án do chương trình “Mạng lưới phát triển bền vững sông Mekong-SUMERNET” tài trợ.
Mục tiêu chính của dự án là nhằm cung cấp giải pháp thay thế để giảm và loại bỏ việc đốt bỏ rơm rạ, mang lại hiệu quả về môi trường và kinh tế-xã hội. Dự án được chủ trì bởi AIT và phối hợp bởi Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế, Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) và Trường Đại học Công nghệ King Mongkut ở Thonburi (Thái Lan). Dự án được triển khai trong 2 năm 2015-2016 tại 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Ở Việt Nam, dự án đã chọn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là xã Hương Phong, Thị xã Hương Trà làm điểm nghiên cứu.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và địa phương đã trình bày 8 báo cáo là kết quả nghiên cứu của dự án và của các đơn vị ở địa phương. Nội dung các báo cáo liên quan đến hiện trạng phát sinh chất thải sinh khối nói chung, rơm rạ nói riêng; hiện trạng sử dụng rơm rạ cho các mục đích khác nhau và đặc biệt là việc đốt bỏ rơm rạ ngoài đồng ở các nước Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và cụ thể ở tỉnh Thừa Thiên Huế; tiềm năng thu hồi năng lượng từ lượng rơm rạ phát sinh; kỹ thuật chế tạo các dạng chất đốt từ rơm rạ để dùng cho đun nấu và các dạng bếp cải tiến sử dụng cho những chất đốt này; các lợi ích về cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu biến đổi khí hậu khi sử dụng chất đốt làm từ rơm thay vì đốt bỏ và thay thế cho các chất đốt thông thường khác như củi, than. Chẳng hạn, kết quả từ các nghiên cứu cho thấy ở Thừa Thiên Huế, lượng rơm rạ phát sinh bình quân 0,8 tấn ứng với mỗi tấn lúa (tính theo chất khô) và có đến 71% lượng rơm rạ phát sinh đang còn bị đốt bỏ ngoài đồng. Chỉ với thí nghiệm sử dụng rơm ở dạng cuốn bện thành dây thừng và bếp đốt rơm truyền thống có cải tiến, tính toán cho thấy ở Việt Nam nếu 100% rơm được sử dụng để đun nấu thì có thể thay thế được 84% nhu cầu củi và 35% nhu cầu than; giảm được 42-82% tải lượng phát thải bụi và các khí độc; giảm được 75% phát thải các khí nhà kính. Nếu sử dụng viên nén từ rơm và bếp khí hóa thì hiệu quả dự báo sẽ còn cao hơn.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến hữu ích từ các nhà khoa học, các nhà quản lý ở địa phương và đặc biệt là những băn khoăn của người dân về khía cạnh kinh tế của việc chuyển rơm thành chất đốt như giá thành sản phẩm, chi phí đầu tư thiết bị sản xuất viên nén, chi phí chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất-tiêu thụ phù hợp với cộng đồng,… Một số vấn đề về khía cạnh kinh tế sẽ được dự án tiếp tục nghiên cứu trong pha tiếp theo hoặc sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương để có thể đưa vào áp dụng trong thực tế.
HP