Ngày 28/6, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt khung Chương trình giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, đối với cấp THCS: xây dựng đủ 35 tiết/khối lớp tương đương 1 tiết/1 tuần, được giảng dạy từ lớp 6 – lớp 9, là một môn học bắt buộc. Biên soạn theo lớp (từ lớp 6 đến lớp 9), mỗi khối lớp có 01 cuốn tài liệu (nội dung bao hàm các lĩnh vực về văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương; các vấn đề về địa lý, kinh tế của địa phương; các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường của địa phương gồm các mạch kiến thức về Lịch sử - Văn hóa, Địa lý- Môi trường, Kinh tế - Chính trị - Xã hội.
Chương trình địa phương cấp THCS được thiết kế theo các chủ đề và dựa trên các mạch kiến thức Lịch sử - Văn hóa, Địa lý- Môi trường, Kinh tế - Chính trị - Xã hội, gồm các nội dung về lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương; các vấn đề về địa lý, môi trường của địa phương; các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương và được tích hợp trong tài liệu Giáo dục địa phương các lớp (từ lớp 6 – lớp 9).
Giáo dục địa phương áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống địa phương), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin.
Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, trải nghiệm, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Nguyên Phương