Cố đô Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn hệ thống tổng thể thống nhất toàn vẹn kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, miếu, đền đài, lăng tẩm được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc phong thuỷ phương Đông. Các công trình kiến trúc truyền thống và hiện đại đan xen, hài hoà với nhau và với cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên của sông Hương, núi Ngự. Đặc điểm riêng biệt trên đã, đang và sẽ đặt ra yêu cầu khoa học rất cao trong hoạt động bảo tồn các giá trị nguyên gốc của di sản kiến trúc Cố đô Huế. Vì vậy, ở Huế, khác với các đô thị khác là khi quy hoạch, xây dựng, kiến trúc đô thị, trước hết và trên hết là phải chú trọng những nguyên tắc quy hoạch bảo tồn các loại hình di sản văn hóa vật thể. Qua đó tạo ra lợi thế cho sự phát triển, nhất là ngành kinh tế du lịch và ngược lại, chính sự phát triển của kinh tế du lịch sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc quảng bá và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển. Với tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản, tôn tạo cảnh quan từ năm 1996 đến năm 2012 là hơn 600 tỷ đồng, đã trùng tu, phục hồi 132 công trình, tiêu biểu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc... Quá trình xây dựng đề án, thiết kế, thi công tu bổ, trùng tu các di tích đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa theo chuẩn quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Để có được kết quả đó, 20 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, ngoài việc chú trọng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học… ở trong nước, cũng đã hợp tác chặt chẽ với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực. Nổi bật trong số đó là Dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda - Nhật Bản) thực hiện trong gần 16 năm (1994-2010).
Chặng đường 20 năm qua cũng đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt, từ công tác quản lý đến đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn khảo cổ, lịch sử, trùng tu, hướng dẫn tham quan… Một trong những thành công khá quan trọng trong bảo tồn, tôn tạo các di tích kiến trúc Huế trong 20 năm qua là đã từng bước nâng cao trình độ khoa học trùng tu, tôn tạo, hạn chế và tránh được sự biến dạng.
Trọng trách của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đảm nhận trong chặng đường tiếp theo cũng là sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân cả nước với tâm huyết bằng mọi giá giữ cho được linh hồn kiến trúc đặc trưng của di tích Huế trong quá trình hiện đại hóa đô thị. Để vượt qua những khó khăn, thử thách, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh sự nỗ lực lớn hơn nữa của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải có sự chung tay của cộng đồng, một chiến lược phù hợp cùng những sách lược linh hoạt của lãnh đạo các cấp cũng như cơ chế đặc thù của Chính phủ dành cho di tích kiến trúc Huế nói riêng, đô thị Huế nói chung./.
Theo TS. Phan Thanh Hải ( ven.vn)