Huế luôn luôn mới
Ra dưl - quà của Giàng đã hồi sinh
09:28 | 24/10/2013

Mang theo nhiều huyền thoại ước mong một cuộc sống no đủ, sung túc, lúa Ra dưl trở thành biểu tượng văn hoá truyền thống không thể thiếu ở các lễ hội lớn của đồng bào Tà Ôi sống ở dãy Trường Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Gần 100 năm qua, giống lúa thiêng này trở thành thứ nông sản quý hiếm, chỉ những nhà giàu có mới dám trồng để thết đãi khách quý. Nhờ một dự án bảo tồn và phát triển nguồn gene quý, Ra dưl đã có cơ hội hồi sinh trên đại ngàn Trường Sơn. 

Ra dưl - quà của Giàng đã hồi sinh
Phơi Ra dưl sau ngày thu hoạch.

Quà của Giàng hay gạo con rể quý.

Già Quỳnh Yêu - một người dân lớn tuổi ở thôn I, xã Hồng Quảng (huyện A Lưới) - là một trong ít  người biết rõ về xuất xứ giống lúa này. Già Yêu khẳng định, Ra dưl là giống lúa quý nhưng từ lâu, dân bản ít trồng vì năng suất thấp, không đủ ăn. Về sự tích lúa Ra dưl, già cũng chỉ nghe người ông của mình kể, đại ý: “Ngày xưa có hai người con mồ côi, vì nghèo khổ nên thường xuyên đến mộ mẹ khóc. Cảm thương tình cảnh hai chị em, Giàng ban xuống một cây lúa ở mộ. Hai chị em mang lúa về nhà trồng. Lúa chỉ ra một bông nhưng có hàng trăm hạt. Một hạt trồng lại ra nhiều cây. Chị em nhà nọ nhờ vậy mà lúa chất đầy kho, no đủ quanh năm”.

Một người trung niên trong thôn lại “góp” chuyện cho chúng tôi về một huyền thoại khác và hát một bài ca dao về Ra dưl: “Một cụ già nuôi cháu nhỏ nên cái nghèo cứ đeo bám. Một hôm lên rẫy, bà gặp cây lúa mọc trên bãi phân voi. Cây lúa này biết nói, bảo rằng: “Hãy mang tôi về trồng. Một cây sẽ ra trăm bông, một bông nảy nghìn hạt. Trồng một bụi sẽ đổ đầy kho lúa”. Sau nhiều vụ mùa bội thu, bà cụ mang giống lúa quý này về chia cho những người trong làng.
Trong khi ở xã Hồng Kim, người già kể về sự tích Ra dưl như sau: “Chàng trai nọ tên Put được một cụ già nhặt về nuôi. Càng lớn Put càng có tài nên bị nhiều thanh niên ganh ghét. Put lấy vợ là Nàng Tư. Từ ngày về ở với vợ, Put không chăm lo nương rẫy mà chỉ ngồi ở nhà. Một hôm, trước lúc đi xa, Put đưa cho vợ quả trứng đá và dặn hãy chôn nó xuống đất. Khi nào nhớ chàng, Nàng Tư ra suối mà gọi. Vợ Put chôn trứng, trứng mọc thành cây nhưng chỉ có một quả. Quả chín, bổ ra thì được cơ man nào là lúa. Lúa này mang giã nấu ăn có mùi thơm lừng. Khi cần gọi Put, chỉ cần nấu gạo này lên Put sẽ hiện ra đáp ứng lời cầu mong của vợ và dân bản. Vì lẽ đó, người Tà Ôi đặt tên loại gạo này là Ra dưl (nghĩa là con rể quý).
Cho rằng, đây là lúa của Giàng ban cho để cứu người nghèo thoát khỏi cơn đói nên từ đó trở đi, người dân A Lưới thường cúng gạo Ra dưl trong các buổi tế lễ đất trời. Nhà nào dư giả làm cơm đãi khách hoặc dành nuôi con rể quý.

Trồng lúa, giữ thuận hoà.

Chị Trịnh Thị Chiểu - cán bộ xã Hồng Quảng - bùi ngùi khi nói về một nông sản quý của đồng bào mình: “Ngày trước, bà con mình trồng lúa này nhiều lắm. Nhà nào có con gái là có gạo Ra dưl dành cho con rể quý. Mỗi năm người ta trồng một vụ, chờ khi có lễ hội lớn sẽ mang ra nấu ăn, cúng Giàng và ước nguyện. Giống lúa này có khả năng chịu hạn tốt, cao từ 1 – 1,5m. Hạt gạo giã ra có màu tím nhạt, nấu ăn rất dẻo và thơm. Do năng suất chỉ cho 1,2 tấn đến 1,3 tấn/ha nên giờ chỉ còn nhà khá giả mới trồng để ăn trong ngày lễ, tết thôi”. Một cán bộ xã Hồng Kim cho hay, ở khu vực phục vụ khách du lịch, một số hộ dân mạnh dạn trồng Ra dưl để giới thiệu đặc sản địa phương cho khách nước ngoài, nhờ vậy, Ra dưl có thêm cơ hội để phát triển.

Nhiều hộ dân từng trồng Ra dưl cho chúng tôi biết một đặc điểm kỳ lạ của giống lúa này, đó là dù xuống giống cách nhau một đến hai tháng, chúng vẫn có thể trổ bông cùng lúc khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo phong tục, để lúa thiêng phát triển tốt, phải giữ cho gia đình ấm êm, hạn chế to tiếng, cãi cọ. Không được tưới nước ô uế vào ruộng lúa. Gia chủ muốn tỉa, muốn nhổ bỏ lúa thì phải làm con gà cúng xin kẻo người trong nhà sẽ bị bắt ốm.

Gắn với tiêu chí bản làng văn hoá, lúa Ra dưl còn mang theo ý nghĩa là tấm gương phản chiếu tinh thần đoàn kết, gia đình ấm no, hạnh phúc. Lúa Ra dưl xuống giống vào khoảng tháng 4 - 5 và thu hoạch vào tháng 10 - 11. Do tập quán du canh du cư trước đây, Ra dưl bị lai tạp với nhiều giống lúa khác. Các già làng lớn tuổi giàu kinh nghiệm phân biệt: Hạt lúa có râu dài là lúa gốc bản địa; lúa râu ngắn là lúa đã bị lai tạp.

Dự án phục tráng giống lúa Ra dưl được triển khai giữa năm 2008 nhờ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học của địa phương. 12 hộ đầu tiên có kinh nghiệm tại thôn i (xã Hồng Quảng) được chọn sản xuất thí điểm với mục đích tuyển chọn giống gốc để tiếp tục sản xuất trong các vụ sau. Phòng Công Thương huyện phải vào những bản xa, cách biệt với bên ngoài để tìm giống thuần chủng. Các năm tiếp theo, quy trình tuyển chọn sẽ tiến hành nghiêm ngặt với sự tham gia của các chuyên gia khoa học ở Trường Đại học Nông lâm Huế.

Bà Kăn Lang - người trồng 1.000m2 lúa Ra dưl - chăm sóc và bảo vệ thửa ruộng của mình như bảo vệ món đồ quý trong nhà. Ngày nào bà cũng ra thăm ruộng canh con gà, con chim phá lúa. Theo phong tục, bà vẫn làm lễ cúng trịnh trọng khi xuống giống, tỉa lúa, gặt lúa. Bà Kăn Lang tâm sự: “Nhà mình có một ít Ra dưl trộn vào gạo thường, để dành khi lễ, tết mới dám ăn. Chừ trồng cho dự án, mình quý lắm. Gạo này của Giàng ban cho mà! Mình chọn chỗ đất cao ráo, không để người lạ vào giẫm lúa. Nếu để lúa hư, người ta phá, nhà mình sẽ ốm đấy!”.

Hồi sinh lúa trời.

Theo anh Lê Thanh Khâu - Trưởng thôn I, xã Hồng Quảng, người đang tham gia dự án phục tráng giống lúa Ra dưl  - thì đây là giống lúa ít sâu bệnh, có khả năng chịu hạn rất tốt. Nếu dân bản biết cách chăm sóc, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông sẽ thu hoạch lúa năng suất cao hơn.

Đi một vòng quanh thôn 1, nhìn những cánh đồng Ra dưl cứ ngỡ như là một khu vườn phía sau nhà người dân vùng cao. Trên vùng đất khô cằn, lúa Ra dưl vươn lên mạnh mẽ cứ như loài cây rừng thẳng đứng trên đồi cao. Người già, trẻ con thay nhau cầm cuốc cần mẫn nhổ cỏ, cười nói tíu tít trên ruộng cứ như vào hội. Những đứa trẻ ở đây đều biết giá trị của lúa Ra dưl, chúng bảo hiếm khi trong nhà được ăn gạo này, vì nó quý lắm. Phải trồng thật nhiều nhiều Ra dưl để ngày nào cũng được ăn gạo ngon.

Ngày chúng tôi đến, A Lưới vào đúng mùa gặt. Bà Kăn Lang ra ruộng làm lễ với bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình. Nhiều nhà khác cũng náo nức kéo xe chở lúa thiêng về nhà. Đây là vụ thu hoạch đầu của dự án có ý nghĩa quan trọng nên ai cũng hồi hộp ngóng chờ. Kết quả đánh giá vượt ngoài mong đợi. Năng suất Ra dưl bình quân 32 tạ/ha, gấp đôi so với phương thức canh tác cũ. Từ 1,7ha trồng thí điểm đã thu về 4 tấn lúa đầu mùa phục vụ tuyển giống.

Ông Hồ Xuân Trăng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới - hồ hởi: “Chúng tôi áp dụng quy trình chăm bón nghiêm ngặt, sử dụng các loại phân bón hoá học theo quy định quản lý công nghệ sinh học của ngành chuyên môn để thu về sản phẩm sạch chất lượng cao. Ngoài việc chọn lại nguồn giống lúa quý hiếm đang bị lãng quên, về lâu dài sẽ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất lúa Ra dưl. UBND huyện đang khuyến khích mở rộng diện tích Ra dưl trên nhiều chân đất khác nhau và được bà con nhiều vùng hưởng ứng. Kế hoạch lâu dài, chúng tôi sẽ biến loại gạo đặc sản này trở thành hàng hoá có thương hiệu ở A Lưới”.

Hy vọng trong một tương lai không xa, Ra dưl sẽ xuất hiện đều đặn trong các buổi lễ truyền thống của người dân Tà Ôi ở vùng cao A Lưới. Sẽ có một ngày, trên dãy Trường Sơn này, những cánh đồng Ra dưl trĩu bông là câu chuyện huyền thoại níu chân du khách đi qua đường Hồ Chí Minh. Và chúng tôi tin, đó không còn là giấc mơ xa vời của người dân vùng cao này nữa.

Theo Báo Lao Động

 

Các bài mới
Các bài đã đăng