Huế luôn luôn mới
Người dân A Lưới: Đa dạng hóa cách ứng phó biến đổi khí hậu
15:36 | 27/11/2013

Hạn hán kéo dài đã khiến cho 300ha lúa vụ hè thu 2012 của bà con vùng đồi núi bị mất trắng. Thời tiết quá lạnh vào vụ đông xuân khiến lúa vừa sạ xong cũng không lên được, bà con lại tiếp một mùa bị đói... - Đó là hệ quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà bà con huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phải hứng chịu.

Người dân A Lưới: Đa dạng hóa cách ứng phó biến đổi khí hậu

Mất an ninh lương thực

A Lưới là vùng căn cứ địa cách mạng, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh để lại, nhiều khu rừng nơi đây bị rải chất độc da cam trong thời chiến tranh nên diện tích đất trống đồi trọc khá lớn, chất hóa học tồn dư trong đất và nước còn nhiều. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh hậu quả của chiến tranh để lại thì tác động của BĐKH đã làm cho thời tiết trong vùng của bà con diễn biến bất thường. Bão lũ, hạn hán xuất hiện với tần xuất và cường độ ngày càng tăng gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của bà con.

Theo số liệu khảo sát vào năm 2012 của Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Huế tại địa bàn 4 xã của huyện A Lưới, gồm: Hương Nguyên, Hồng Hạ, Hồng Vân và Hồng Trung cho thấy, hơn 50% số hộ dân bị thiếu lương thực. Bình quân mỗi hộ thiếu ăn từ 2-3 tháng/năm. Tình trạng mất an ninh lương thực của bà con do thiên tai, hạn hán, lốc xoáy, sạt lở đất có chiều hướng ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm suy giảm tài nguyên đất mà còn đe dọa đến đa dạng sinh học của địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Đa dạng hóa cách ứng phó

Sản xuất nông nghiệp vẫn là hoạt động sinh kế chính của bà con huyện A Lưới. Tuy nhiên, trong bối cảnh BĐKH gây suy thoái nhiều vùng đất đai, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chính quyền và bà con huyện A Lưới đã tự tìm ra các giải pháp sinh kế mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Làm thuê để kiếm tiền trang trải các chi phí trong cuộc sống hàng ngày, tích cực trồng rừng, trồng sắn để ăn thay cơm và bán lấy tiền mua gạo… Các giải pháp này đã hạn chế được rất lớn số người vào rừng chặt gỗ bán kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống. Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của người dân trong việc đa dạng hóa các loại hình sinh kế, bước đầu có sự pha trộn giữa các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp để phù hợp với điều kiện sống hiện nay.

Bên cạnh việc tìm cách thích ứng với BÐKH bằng đa dạng hóa các loại hình sinh kế, nhiều hộ dân A Lưới còn biết linh hoạt trong tiếp nhận chương trình trồng cao su theo chương trình đa dạng hóa nông nghiệp của huyện A Lưới. Theo đó, đối với những hộ gia đình khá, có đủ cái ăn thì bà con theo đuổi chiến lược phát triển của Nhà nước bằng cách đầu tư vào cây cao su, mở rộng diện tích trồng cao su để làm giàu. Trong khi đó các hộ nghèo đặt vấn đề an toàn lương thực lên ưu tiên hàng đầu. Họ tham gia vào chương trình để được sử dụng những vùng đất này vào việc xen canh trồng lúa cạn, trồng sắn, trồng chuối, trồng rau… Nhờ đó, tình trạng thiếu đói, giảm nghèo và bảo tồn tài nguyên ở nhiều xã của huyện A Lưới đã được cải thiện rõ rệt…

Mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH song các giải pháp nêu trên mới chỉ là các giải pháp cộng đồng mang tính địa phương. Để đem lại sự phát triển bền vững cho người dân vùng đồi núi trước những tác động ngày càng mạnh của BĐKH, ngoài những nỗ lực của cộng đồng thì bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ chia sẻ của Nhà nước, rất cần có sự chia sẻ của toàn xã hội, có như vậy mới góp phần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên ở khu vực xung yếu này.

 

Theo VEN.vn
 

Các bài mới
Các bài đã đăng