Tại kỳ họp thứ 7 (khóa VI) Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành từ ngày 10 -12/12, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua đề án đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, theo tinh thần Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị (khóa X).
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế về vấn đề này.
- Thưa ông, việc đề nghị đưa Thừa Thiên-Huế lên đô thị loại I trực thuộc Trung ương căn cứ vào các tiêu chuẩn nào?
Ông Nguyễn Văn Cao: Tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, quá trình xây dựng, phát triển đô thị ở tỉnh đến nay đã cơ bản hội tụ các điều kiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo quy định Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị, với tính chất đặc thù đô thị Thừa Thiên-Huế là thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.
Việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế còn có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, gắn kết với giữ gìn và tôn vinh giá trị di sản, văn hóa, cảnh quan đặc sắc của Thừa Thiên-Huế.
Trong các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vùng, quốc gia đã khẳng định Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020, cũng đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế trở thành trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Thời gian qua, Thừa Thiên-Huế đã tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển mở rộng thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa để đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V, tỷ lệ dân cư đô thị ngày càng chiếm tỷ lệ lớn. Thị trấn Thuận An đang được ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng để đạt chuẩn đô thị loại IV.
Các trung tâm tiểu vùng Bình Điền, Điền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V. Công tác xây dựng và chỉnh trang thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa, thị trấn Sịa và các đô thị khác được đẩy nhanh.
Nhiều công trình kiến trúc, công cộng được ưu tiên đầu tư; hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, nâng cấp hè phố, điện chiếu sáng... được đầu tư xây dựng bảo đảm phát triển chức năng đô thị.
Phạm vi đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên-Huế trong tương lai (gồm thành phố Huế và vùng phụ cận) được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương, bao gồm: 27 phường nội thành thành phố Huế, 5 phường nội thị thị xã Hương Thủy, 7 phường nội thị thị xã Hương Trà và thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận (thuộc thị trấn Thuận An mở rộng).
Các đô thị vệ tinh gồm 7 thị trấn đã và đang phát triển (Phú Lộc, Sịa, Phong Điền, A Lưới, Khe Tre, Phú Đa và Lăng Cô) được đánh giá theo các tiêu chuẩn đô thị tùy thuộc vào thực trạng phát triển mỗi đô thị. Kết quả tổng hợp chung các tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn 1: Chức năng đô thị đạt 11,9/15 điểm (có 0,7 điểm đặc thù); tiêu chuẩn 2: Quy mô dân số toàn đô thị đạt 7,4/10 điểm; tiêu chuẩn 3: Mật độ dân số đô thị đạt 3,5/5 điểm (có 3,5 điểm đặc thù); tiêu chuẩn 4: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 4,1/5 điểm; tiêu chuẩn 5: Hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt 44,4/55 điểm (có 1,4 điểm đặc thù); tiêu chuẩn 6: Kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 7,8/10 điểm.
Tổng hợp các tiêu chuẩn nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 79,1/100 điểm, hội đủ các tiêu chuẩn đô thị đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
- Đối với Thừa Thiên-Huế, việc hình thành các Trung tâm của miền Trung kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cao: Thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, vừa tập trung xây dựng, phát triển đô thị, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Đáng chú ý, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức mang đậm bản sắc dân tộc, đã nghiên cứu, phát huy các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống; phục dựng các lễ hội Cung đình Huế; xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật mới để nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm phổ biến những giá trị văn hóa, lịch sử về di sản văn hóa Huế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế với bạn bè quốc tế.
Hệ thống di tích Cố đô Huế, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế có nhiều chuyển biến tích cực.
Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung, nòng cốt là Bệnh viện Trung ương Huế (bệnh viện đã được xếp hạng đặc biệt) và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trên 3.500 loại kỹ thuật y tế với nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trên thế giới.
Các thiết chế khác của Trung tâm y tế chuyên sâu tiếp tục được đầu tư như Bệnh viện Đại học Y Dược Huế được định hướng phát triển thành Bệnh viện đa khoa hạng 1 với qui mô 600 giường vào năm 2015 và 800 giường năm 2020.
Bệnh viện đa khoa của tỉnh với quy mô 500 giường xây dựng từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc đã hoàn thành; Bệnh viện quốc tế quy mô 300 giường và Trung tâm Ung bướu (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) đang được đầu tư. Trường Đại học Y Dược Huế có trên 8.000 sinh viên từ khắp cả nước, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đang đào tạo sinh viên một số nước có quan hệ như Phần Lan, Italy, Bỉ, Đức, Hà Lan…
Về giáo dục-đào tạo, Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền Trung, một trong 14 đại học trọng điểm quốc gia, hàng năm có trên 95.000 sinh viên theo học. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đạt gần 20% số lượng giảng viên cơ hữu, 67% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên.
Đại học Huế đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020 với mục tiêu xây dựng thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật công nghệ cao.
Khoa học-công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, công nghệ thông tin. Các thiết chế khoa học-công nghệ được ưu tiên đầu tư tại Thừa Thiên-Huế như hoàn thành Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; xúc tiến xây dựng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ; đưa vào hoạt động Quỹ phát triển khoa học-công nghệ. Xúc tiến nghiên cứu Khu Công nghệ cao quy mô 1.000 ha.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và 152 xã, phường, thị trấn đã kết nối mạng LAN phục vụ tốt công tác điều hành, quản lý công việc; 90% doanh nghiệp kết nối internet. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên-Huế (GISHue); hoàn thành xây dựng một số cơ sở dữ liệu chuyên để đưa vào khai thác, sử dụng trên nhiều lĩnh vực.
Điển hình, trong năm 2013, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
- Xin cám ơn ông./.
Theo TTXVN