Huế luôn luôn mới
Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi nói chuyện “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và niềm cảm hứng của hậu thế”
11:08 | 15/03/2017

Vào lúc 8 giờ 15 phút, sáng ngày 15/3/2017, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi nói chuyện “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và niềm cảm hứng của hậu thế” do nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc chủ trì. 

Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi nói chuyện “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và niềm cảm hứng của hậu thế”

Tại buổi nói chuyện, người nghe đã được diễn giả trình bày về vị trí và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử giải phóng dân tộc, cũng như niềm cảm hứng được đem lại từ hình ảnh của hai người trong 3 vở tuồng: “Trưng Nữ Vương bình ngũ lãnh” của Huỳnh Thúc Kháng viết và diễn trong nhà tù Côn Đảo; “Trưng Nữ Vương” của Phan Bội Châu viết ở Bản Thầm (Xiêm); tuồng hát “Hai Bà Trưng” của Nguyễn An Ninh viết năm 1928.

Lịch sử Việt Nam, kể từ khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc (179 TCN) cho đến khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã được xem như là ngọn đuốc bất khuất của tinh thần yêu nước được đốt lên lần đầu tiên. Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, cụ Phan Bội Châu đã đánh giá rất cao công nghiệp của hai bà đối với dân tộc, và cụ đã nhận Trưng Nữ Vương là thủy tổ (Ai là tổ nước ta? Tiếng dân số 656, 6/1/1934).

Vào năm 1911, cụ Phan Bội Châu đã sáng tác tuồng Trưng Nữ Vương để cổ vũ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Bên cạnh đó, vở tuồng “Trưng Nữ Vương bình ngũ lãnh” do các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện sáng tác lúc ở Côn Đảo nhằm nêu cao ngọn cờ bất khuất của hai bà. Hơn nữa, hình tượng Trưng Nữ Vương cũng đã gây được nguồn cảm hứng lớn lao cho cụ Nguyễn An Ninh viết nên vở “Hai Bà Trưng” để kích thích, bồi dưỡng lòng yêu nước của quần chúng.

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được xem như là “ngọn cờ Trưng Nữ” (ý thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng), giúp bồi dưỡng cho lòng tự trọng bẩm sinh và tinh thần bất khuất, từ chối một cách đáng khâm phục sự cúi đầu trước kẻ thù của tất cả con cháu Hai Bà.

Một số ý kiến trao đổi đến từ các nhà nghiên cứu lịch sử và nhà văn tại buổi nói chuyện.

Ý kiến trao đổi đến từ dịch giả Bửu Ý

Nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam trao đổi ý kiến tại cuộc nói chuyện

Ý kiến trao đổi đến từ nhà văn Tô Nhuận Vỹ 

Hữu Cao

Các bài mới
Các bài đã đăng