(SHO) - Sáng 22-9, tại Trung tâm văn hoá thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và 10 năm Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong nước.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong TVTU, TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và thành phố Huế.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài diễn văn nêu bật giá trị di sản văn hóa và kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể của quần thể di tích cố đô Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao phát biểu tại buổi lễ. |
Những năm qua, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới ở các địa phương luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh để các địa phương chủ động triển khai các hoạt động khảo cổ, nghiên cứu, bảo vệ, trùng tu và phát huy các giá trị di sản văn hóa; đồng thời có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân chung tay đóng góp vào sự nghiệp này.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Di sản văn hóa là thành quả sáng tạo của nhân loại trong lịch sử. Các di sản văn hóa không chỉ là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia dân tộc, mà còn là tài sản chung của thế giới. Việc bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong những hoạt động luôn luôn gắn liền với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, tạo dựng sự phát triển bền vững. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều coi việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm to lớn và nghĩa vụ cao cả của mình. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, bản lĩnh cùng những nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, sự giúp đỡ nhiệt thành của bạn bè quốc tế, các giá trị di sản thế giới Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn, trao truyền cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau và là nền tảng, hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của một điển hình kiến trúc “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đóng góp ý kiến tại buổi lễ. |
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn di sản của Huế trong thời gian qua, đồng thời khuyến nghị địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch quản lý di sản thế giới một cách hiệu quả và thiết thực hơn; đặc biệt là khắc phục một cách hệ thống những ảnh hướng đối với di sản cả do con người và thiên nhiên gây ra.
Nghệ thuật cung đình Huế được tái diễn trong ngày trọng đại này. |
Qua đánh giá kết quả công tác trùng tu di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Từ năm 1996 đến nay, gần 100 công trình được phục hồi, trùng tu tôn tạo; hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp; nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, Trường lang, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Lăng Gia Long, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, 10 cổng Kinh Thành...; hệ thống sân vườn các di tích được tu bổ hoàn nguyên; hệ thống cơ sở hạ tầng các di tích được đầu tư, không gian hoang phế được thu hẹp... với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Những thành tựu đó là động lực quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nếu năm 1993 hệ thống di tích Cố đô Huế chỉ đón khoảng 200.000 lượt khách/năm, doanh thu 4 tỷ đồng; đến nay đã đón đạt hơn 2 triệu lượt khách/năm, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Huế đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Đó là bài học về sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại; bài học về sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở; bài học về việc phát huy nội lực kết hợp với việc huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò nổi bật của UNESCO; bài học về việc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của nhà nước và cộng đồng…
Phương Anh