Công việc nặng nhọc, làm cả ngày lẫn đêm nhưng nhiều chị em trong Đội xếp dỡ Bắc sông Hương luôn khiến những người đàn ông trong tổ cảm phục. Nhưng ít ai biết, đằng sau họ là những số phận nghiệt ngã của cuộc sống.
Kéo cả...gia đình
Khi người viết ngỏ ý muốn tìm hiểu công việc kéo hàng thuê tại Đội xếp dỡ Bắc sông Hương thì chỉ nhận được những nụ cười ẩn ý. Mãi lúc sau, trò chuyện với ông Đặng Yên (57 tuổi) tổ phó Đội bốc xếp Bắc sông Hương mới được giải thích: “Gần đây nhiều thanh niên tìm đến thử việc nhưng ít ai làm hơn nửa tháng. Thấy anh tới các chị lại ngỡ anh đi tìm việc bởi đồ rằng anh không thể nhấc được 100 kg hàng chứ đừng nói gì đến kéo thuê”.
Đội bốc xếp Bắc sông Hương gồm 24 thành viên thì trong đó có đến 11 người nữ. Họ làm việc tại Bến xe chợ Đông Ba, công việc trong đội chia ra làm hai ca. Mỗi ca làm một ngày. Ngoài Bến xe chợ Đông Ba, những thành viên trong đội còn có mặt tại chợ đầu mối lớn như Bãi Dâu (P. Phú Hậu) do nhu cầu của khách hàng nhiều.
Công việc kéo hàng thuê dường như chỉ phù hợp với đàn ông quanh năm dầm mưa dãi nắng. Và những ai đã trót vô nghề làm nghề cửu vạn “bán sức” này đều phải có một sức khỏe bền bỉ nếu không khó trụ được với nghề. Theo những người xích lô lâu năm tại Bến xe chợ Đông Ba, khoảng hơn chục năm nay họ đều quen thuộc với hình ảnh bà Phạm Thị Khánh (51 tuổi), nhà cách TP Huế 20 km làm đủ thứ nghề trong chợ này.
Nói về gia đình bà, ai nấy đều thương cảm. Từ lâu, người đàn bà ngoài ngũ tuần này đã là trụ cột trong gia đình có 2 con và người chồng bại liệt. Mọi người tại bến xe hay nói vui bà Khánh kéo xe thuê và kéo luôn cả gia đình. Tại chợ, ai thuê gì bà cũng làm, và bà có khi còn làm tốt hơn cả đàn ông. Những chiếc bao tay dày cộm được những người đàn bà như bà Khánh trang bị để “bảo hộ” đôi tay chỉ có công dụng trong một thời gian ngắn, chẳng thấm vào đâu so với hàng tạ hàng hóa lỉnh kỉnh chất lên xe kéo.
Bà Khánh kể, những ngày đầu đôi bàn tay của bà nổi bọng nước do thường xuyên kéo nặng làm sưng đau, rát khó chịu. Cũng chẳng cần một loại thuốc bôi nào, nghĩ đến chồng con bà đánh liều tiếp tục nghề kéo thuê. Lâu dần, đôi tay chai sần, từng cục thịt tại các bọng nước cũ giờ cứng ngắc và ấn vào không còn cảm giác gì nữa. “Đôi tay tui nhờ chai sần ni mà giờ đây, bao nhiêu hàng tui cũng kéo được, nặng quá thì khom lưng xuống chứ tay tuyệt nhiên không đau chú ạ”, bà Khánh nói vui.
Công việc mùa nắng nặng nhọc đi qua trên đôi vai của những người đàn bà cửu vạn. Mùa mưa lại sắp bắt đầu. Bà Khánh cho biết, mùa mưa hàng hóa vận chuyển nhiều hơn và thu nhập cao hơn nhưng vất vả bội phần. Mùa mưa năm ngoái, đường trong bến xe lầy lội, nước ngập lênh láng. Phần vì chủ quan, phần vì hối thúc của chủ hàng thuê. Khi kéo xe qua chỗ ngập nước, nào ngờ chỗ sâu. Thế là người, hàng và xe bổ rầm. Sau đợt đó bà phải nghỉ một tháng. “Nhiều chị em kéo hàng thuê với tâm lý mong có nhiều hàng để thêm thu nhập cho gia đình. Nên đối với loại xe kéo tự chế này, mỗi chiếc bánh đều có giới hạn chở hàng cho phép. Nhẹ thì không nói gì, nếu chở quá tải nó cũng đâu có chịu nổi. Tui cũng đã chứng kiến nhiều chiếc xe kéo nổ bánh xe do hàng quá nhiều”, bà Khánh nhớ lại.
30 năm... một nghề kéo thuê
Trong đội ông Yên, bà Phạm Thị Xuân (70 tuổi, TP Huế) là người có “thâm niên” trong nghề lâu nhất. Gần 30 năm trong nghề bốc xếp, vận chuyển hàng thuê, bà Xuân trầm ngâm khi nhớ lại những ngày đầu bến xe vừa đi vào hoạt động. Công việc chính của bà và các chị em khi đó là bốc vác hàng và làm thuê nếu có người cần. Những ngày đó, chị em trong bến xe ai cũng có cùng hoàn cảnh khó khăn nên tuyệt nhiên không có chuyện tranh giành hàng hay cãi cọ.
Chiếc xe kéo hiện giờ mọi người vẫn dùng mới chỉ xuất hiện chưa đầy 10 năm trở lại. Trước đây, hàng hóa đều được những người làm thuê vác. “Tuy loại xe kéo bây giờ thuận lợi khi vận chuyển hàng đi xa, nhưng nó lại không linh hoạt. Tui tuy 70 tuổi, nhưng hễ ai thuê chuyển hàng trong hẻm nhỏ hay những nơi xe kéo không tới tui vẫn nhận vác”.
Sức lực của người phụ nữ luống tuổi phải oằn mình kéo nhiều thùng hàng trong một lần chuyển mà có lẽ trọng lượng của nó gấp vài lần người kéo. Khó có ai tin ở tuổi 70, cái tuổi vốn dĩ phải nghỉ ngơi, hằng ngày ngoài kéo hàng thuê, hễ có người cần bà Xuân vẫn sẵn sàng bốc vác. Khi còn trẻ, bà cùng chồng làm quần quật quanh năm cũng đủ nuôi các con nên người.
Giờ đây, bà Xuân luôn tự hào vì chưa một lần nhờ vả gì đến các con nhờ công việc bốc xếp, kéo thuê cũng đủ nuôi sống bà. Nói về các nữ cửu vạn trong tổ bốc xếp, ông Yên chia sẻ, chị em trong tổ đội có nhiều hoàn cảnh éo le nên trong công việc, tổ bốc xếp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho họ.
Tổ luôn quan tâm đến tâm tư cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng người để có công việc phù hợp. Những chị em trong tổ đội vẫn thường xuyên giúp đỡ nhau lúc khó khăn. “Đàn ông kéo thuê đã khó chứ nói gì đến đàn bà con gái. Nhưng từ những ngày đầu cho đến nay, tôi chưa nghe một lời than thở nào của chị em. Tất cả họ đều chăm chỉ làm, hiền lành”, ông Yên nói.
Và còn nhiều phận đời nữ cửu vạn chúng tôi gặp làm thuê tại các bến xe, chợ đầu mối lớn tại Huế. Có người gốc gác tại đây, cũng có những cuộc đời mưu sinh trôi dạt đến Huế. Họ chân chất, cả đời làm bán sức khỏe, có khi chính tuổi thọ của mình để mưu sinh.
Theo Cadn.com.vn