Chợ Bãi Dâu là một chợ đầu mối lớn cung cấp một lượng lớn các mặt hàng rau củ quả và thực phẩm cho toàn Thành Phố Huế nói chung và các vùng lân cận nói riêng. Tại đây vào mỗi đêm có hàng trăm chiếc xe tải chở các sản phẩm nông sản từ các tỉnh Tây Nguyên ra để phân phối lại cho các chủ hàng.
Chính vì thế nơi đây hình thành một nghề khá nặng nhọc đó là nghề “cửu vạn”, điều đặc biệt ở đây đó chính là đa số những người làm công việc này là nữ giới hay còn gọi là những “nữ cửu vạn”.
Nghề cửu vạn là tên gọi của những người khuôn vác, kéo hàng hóa, đây là một công việc nặng nhọc đòi hỏi sức khỏe và phải biết chịu đựng. Xuất xứ của tên gọi này bắt nguồn từ một quân bài tổ tôm mà người Bắc thường chơi, nó có hình một người đang vác một cái bao trên lưng. Do đó mà những người khuân vác, kéo thuê được gọi là “cửu vạn”.
Bắt đầu từ 2 giờ sáng, khi nhà nhà đang chìm trong giấc ngủ sâu chính là lúc mà những nữ cửu vạn bắt đầu với công việc của mình. Những chuyến hàng lần lượt cập bến chợ Bãi Dâu.Xe vừa cập bến, hai người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên mui tháo tấm bạt che, một số khác chạy về phía cuối xe mở nắp thùng, nhảy vào trong đẩy hàng ra phía sau. Bên dưới đã có hơn chục người phụ nữ già có, trẻ có đang ghé vai đợi sẵn để thồ hàng, sau khi hàng được đặt vào vai, những người phụ nữ này nhanh chóng vận chuyển chúng đến từng chủ hàng trong chợ. Mỗi chuyến xe chở khoảng 15 đến 20 tấn hàng, có những bao hàng nặng tới 80kg đến 100kg. Ở đây là những người phụ nữ này làm việc chẳng thua kém gì những người đàn ông khỏe mạnh. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ hàng hóa trên xe đã được vác đi hết sạch, chiếc xe này chưa kịp quay đầu thì những chiếc xe chở hàng khác lại cập bến, cứ như vậy những người phụ nữ này chưa kịp nghỉ ngơi lại vội vàng kéo đến tiếp tục công việc của mình…
Vẻ nặng nhóc trên khuôn mặt của Bà Nguyễn Thị Thanh Lệ
Làm vất vả là vậy, thế nhưng tiền công chả là bao. Bà Nguyễn Thị Thanh Lệ (40 tuổi), một nữ cửu vạn cho biết “Làm cái nghề này càng nặng thì mới đủ ăn, càng nhẹ thì coi như đói, mỗi đêm kiếm được 60 nghìn đến 80 nghìn chừng đó chỉ đủ mưu sinh chứ chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện khác”.
Ngoài những nữ cửu vạn là người trong tỉnh thì còn có nhiều người từ các địa phương khác đến đây, nhưng trong họ điều có chung một hoàn cảnh đó là nghèo khổ, đông con và không có nghề nghiệp, vốn liếng. Chính vì thế họ phải kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Không chỉ có những nữ cửu vạn ở cái tuổi “xuân thì” mà ở đây còn có những nữ cửu vạn ở tuổi “xế chiều”. Trong đó Bà Đoàn Thị Tin là người có hơn 30 năm thâm niên trong nghề, bà Tin cho biết khi còn thời con gái do gia đình khó khăn nên bà theo mẹ đến chợ Bãi Dâu để mưu sinh, trong một lần ba của bà bị ốm nên bà và mẹ thay ba khuôn vác những bao hàng mỗi đêm. Bà Tin tâm sự “Tuy công việc nặng nhọc nhưng giúp được mẹ có ít số tiền để chữa bệnh cho ba nên hôm nào tôi cũng đến chợ để khuôn vác, rồi cũng chính từ đó tôi gắng bó công việc này cho đến bây giờ”. Bà Tin cho biết thêm nghề này cũng có tuổi của nó, khi còn trẻ thì có thể vác 8 đến 10 tấn mỗi đêm, nhưng càng lớn tuổi thì do sức khỏe nên vác 4 đến 5 tấn, đôi lúc bị trật khớp vai, khớp chân là chuyện thường ngày.
Sau những chuyến hàng đêm thì họ lại bắt tay vào công việc làm buổi sáng, theo chị Hoa, một nữ cửu vạn ở chợ đầu mối Bãi Dâu cho biết: “Đến sáng tầm 7 giờ , sau khi khuôn vác những chuyến xe đêm thì tụi tôi bắt tay vào những công việc khác vào ban ngày, ai thuê công việc gì thì tụi tui làm nấy, có khi là rữa chén bát, có khi chở hàng đi bỏ cho chủ miễn sao kiếm tiền nuôi con ăn học là chúng tôi thấy vui rồi”.
Những thân phận nghèo tụ họp về đây lay lắt mưu sinh giữa biển người mênh mông. Đêm đêm, những nữ cửu vạn vẫn phải gồng hết sức mình để đổi lấy chén cơm, manh áo. Dù biết là vất vả nhưng họ cũng phải cố gắng quên đi cái vật nặng đang đè lên vai mình, vì những lo toan hằng ngày . Chính vì thế dù có nặng nhọc thì đối với những nữ cửu vạn này chuyến hàng càng nặng bao nhiều thì gánh nặng mưu sinh cũng nhẹ đi bấy nhiêu
Theo TRT