Nhịp điệu cuộc sống
Sớm cứu không gian diễn xướng sân khấu truyền thống Huế
13:34 | 10/10/2014

Hiện nay, nghệ thuật sân khấu tuồng Huế và ca kịch Huế được hai đơn vị là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Ca kịch Huế chịu trách nhiệm bảo tồn và  phát huy. 

Sớm cứu không gian diễn xướng sân khấu truyền thống Huế
Nghệ thuật diễn xướng của sân khấu truyền thống Huế xưa thường được sử dụng trong các cuộc tế, lễ hoặc các dịp hiếu, hỉ, giải trí của triều đình và các phủ đệ của quan lại. Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật sân khấu tuồng rất được coi trọng. Ngoài ra, ở các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn xuất hiện thêm một loại hình nghệ thuật khác - Ca nhạc Huế thính phòng. Sau này được phát triển và trở thành một thể loại sân khấu mới - Ca kịch Huế.   
 
Theo các chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, sở dĩ lâu nay khán giả không mặn mà với sân khấu truyền thống Huế, đầu tiên là do hai loại hình nghệ thuật này đã mất không gian diễn xướng nguyên thủy nên không còn giữ được diện mạo như xưa. Ngoài ra, do các tư liệu lịch sử về hai loại hình nghệ thuật này không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về hai loại hình này còn quá ít ỏi ... Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị sân khấu truyền thống của Huế. 
 
Đạo diễn Trương Tuấn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cho biết, Nhà hát Duyệt Thị Đường chính là môi trường diễn xướng nguyên thuỷ để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn làm sống các loại hình nghệ thuật cung đình, trong đó có nghệ thuật sân khấu tuồng Huế. Tuy vậy, những nghệ nhân tâm huyết với công việc trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ kế cận đang ngày một lớn tuổi nên khó có thể gánh vác công việc này một cách dài hơi. Lúc sinh thời, nghệ nhân La Cháu (nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) thường tâm sự, thế hệ lớn tuổi như ông và những người con của ông vẫn còn nguyên niềm đam mê với nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhưng thế hệ kế cận thì không mặn mà gì với loại hình nghệ thuật này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến sân khấu truyền thống của Huế mất dần đi thế hệ được trao truyền và nắm giữ.
 
Theo nghệ sỹ Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Thừa Thiên- Huế, việc đào tạo nghệ sỹ của loại hình sân khấu truyền thống cần có một giáo án hoàn chỉnh từ khâu tuyển chọn cho đến khâu đào tạo diễn viên, bởi lẽ nếu làm không tốt thì chúng ta tự đưa mình vào thế khó, mà cái hiển nhiên trước mắt là đã nhiều năm nay Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên- Huế không có thí sinh tham gia dự thi vào khoa kịch hát dân tộc, đặc biệt là tuồng và múa hát cung đình Huế. Ngoài ra, chúng ta phải tạo ra một chính sách đãi ngộ thích ứng và phù hợp, tiến hành nghiên cứu và xây dựng hồ sơ "Báu vật nhân văn sống” có cơ sở pháp lý, có nguồn trích dẫn kinh phí hỗ trợ lâu dài về vật chất để nghệ nhân, nghệ sỹ của sân khấu truyền thống có thể toàn tâm, toàn ý gìn giữ và trao truyền lại những bí kíp mà họ đang nắm giữ cho thế hệ kế tục. Bởi vì, khi nghệ nhân được nhà nước đãi ngộ, được xã hội tôn vinh một cách thích đáng thì họ sẽ không ngần ngại trao truyền lại các bí quyết nghề nghiệp cho thế hệ tương lai. 
 
Mặc khác, các thế hệ nghệ sỹ kế tiếp sẽ nhìn vào đó để phấn đấu, rèn luyện và trở thành những nghệ nhân kế tục, nhờ đó những tinh hoa của sân khấu truyền thống sẽ không bị gián đoạn, không bị mai một dẫn đến thất truyền.
 
Theo daidoanket.vn
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng