Nhịp điệu cuộc sống
Vượt sóng - Góp tiếng nói khẳng định chủ quyền
15:40 | 04/11/2014

Vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta vào tháng 5/2014 và liên tiếp có những hành động gây hấn đã khiến hàng triệu triệu con tim người Việt trong nước cũng như ở nước ngoài cùng nhịp đập hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người một cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau và những nghệ sĩ của Hội Sân khấu TT Huế góp thêm tiếng nói của mình qua vở Ca kịch Vượt Sóng. Đài PT&TH TT Huế vừa phối hợp với Hội Sân khấu TT Huế dàn dựng vở Ca kịch này để ra mắt công chúng. 

Vượt sóng - Góp tiếng nói khẳng định chủ quyền

Đã nghỉ hưu từ 5 năm nay, nhưng nghệ sĩ Đỗ Trung Hùng vẫn gắn bó với công việc sáng tác Ca Huế và những tác phẩm dành cho sân khấu Ca kịch. Trước vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta cùng những hành động gây hấn, người nghệ sĩ này cũng như 90 triệu trái tim người Việt khác cùng nhịp đập sục sôi, nói lên tiếng nói yêu nước. Kịch bản vở ca kịch “Vượt sóng” ra đời không lâu sau đó, chính là tấm lòng của ông với mong muốn góp tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cùng lời động viên tinh thần gửi đến những ngư dân, lực lượng chấp pháp bất chấp hiểm nguy, ngày đêm bám biển, đấu tranh bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc: “Qua vở ca kịch này, tôi muốn khẳng định quan điểm biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam vì từ xa xưa ông cha ta đã dày công vun đắp và đã có những tư liệu, chứng cứ lịch sử cũng như quốc tế công nhận cho nên tôi muốn khẳng định một lần nữa và mong muốn nhân dân phát huy truyền thống vươn khơi bám biển và đời con đời cháu ta phải giữ biển, phải cảnh giác trước âm mưu lấn chiếm của Trung Quốc”.

Lấy bối cảnh ở một làng biển, vở kịch xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Lộc, bà Lợi - một gia đình ngư dân nhiều đời gắn bó, mưu sinh từ biển và cũng quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Cụ Tổ của ông Lộc là Đội trưởng Đội hùng binh Hoàng Sa, con trai ông Lộc đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma. Trong một chuyến ra khơi, bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ông Lộc cùng ngư dân trên thuyền may mắn được lực lượng cảnh sát biển cứu sống, nhưng bao nhiêu vốn liếng tích cóp đóng thuyền, sắm ngư lưới cụ, giờ đã không còn… Đành chấp nhận ở nhà, nhưng rồi nỗi nhớ biển khiến ông quay quắt, thôi thúc ông quyết chí ra khơi. Việc khai thác tâm lý nhân vật được tác giả kịch bản đẩy lên cao trào khi bà Lợi, vợ ông kiên quyết phản đối, bởi mỗi lần chồng đi biển là mỗi lần bà lại sống trong thấp thỏm chờ mong…Cảnh ông Lộc mang sắc phong của Triều Nguyễn phong cho cụ Tổ đã có công lớn trong việc khai thác, giữ gìn biển đảo để thuyết phục bà Lợi đã kết thúc cao trào đó. Tự hào với truyền thống của gia đình, bà Lợi cũng hiểu ra rằng không chỉ gắn bó với biển vì mưu sinh, sự có mặt của những ngư dân như ông Lộc còn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, bởi “Biển không có người thì như nhà hoang vô chủ”…

Với chủ đề mang tính thời sự, nhưng tác giả kịch bản đã thể hiện bằng thể loại ca kịch đặc trưng riêng của Huế qua những điệu lý, bài bản quen thuộc như: lý ngựa ô, Phú lục, lý dao duyên, Hoài xuân, Kim Tiền, hò hụi, vè …nên rất dễ đi vào lòng người. Viết dành riêng cho sân khấu ca kịch nên khi phối hợp với Đài PT&TH TT Huế dàn dựng vở diễn này lấy bối cảnh thật, đạo diễn La Thanh Hùng cho biết: “Do mọi thứ phải thật, phải tự nhiên, nên tốn nhiều công sức của đạo diễn cũng như diễn viên khi phải diễn xuất nhiều lần, trong khi ở sân khấu có thể chỉ cần diễn một lần.”

Câu chuyện “ Vượt sóng” không chỉ đơn thuần là quyết tâm của những ngư dân dũng cảm quyết tâm ra khơi bám biển mà còn nêu bật  được truyền thống lịch sử của những người dân nước Việt luôn tâm niệm biển là quê hương bản quán, ở đó nước mắt và máu của bao nhiêu người dân nước Việt đã hòa trong vị mặn của biển. Bởi trong trái tim của mỗi người Việt yêu nước tiếng biển ngàn năm luôn vọng về…

Theo TRT

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng