Nhịp điệu cuộc sống
Buổi đầu nghề thuốc Tây y đến Huế
08:19 | 15/12/2014

Theo nhiều nguồn sử liệu hiện có thì nghề thuốc Tây y vào Việt Nam bằng những con đường truyền giáo, các tu sĩ Dòng Tên đã giữ vai trò quan trọng và tích cực trong việc gieo nên những hạt giống này. 

Buổi đầu nghề thuốc Tây y đến Huế
Ảnh tư liệu. (Nguồn: Internet)

Họ là những người được đào tạo cơ bản không những tinh thông về giáo lý Kitô, am hiểu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên mà còn biết rõ lợi thế của nghề thuốc Tây y nữa. Giữa đầu thế kỷ XVII họ đến Huế - thủ phủ của Đàng Trong chủ yếu bằng đường thủy, thông qua Cửa Hội xứ Quảng hay Thanh Hà cảng cổ xứ Thuận. Cùng với việc rao giảng, chiêu tập tín đồ, họ chủ trương khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những người dân bản xứ và chữa trị các ca thông thường theo cách của họ, mà sau này người ta gọi là nghề thuốc Tây y.

Rõ hơn vào thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1685), chúa Ngãi Vương Nguyễn Phúc Trăn (Thái) (1686 - 1691) một số linh mục truyền giáo ở Huế am hiểu Tây y rất được nhà chúa tin dùng, linh mục Barthélémy d'Acosta là người như thế, vì ông giỏi nghề y và đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người dân bình thường nghèo khó. Do vậy mà vị linh mục này được cho phục vụ bên cạnh nhà chúa như một quan Ngự y thực thụ.

Những năm cuối thế kỷ XVII, cùng với việc truyền giáo, linh mục Langlois đã làm nghề thuốc ở Huế một cách công khai, rất có hiệu quả. Ông được nhà chúa cấp cho một khoảnh đất rộng gần với dinh của vị Hoàng tử thứ hai - người sẽ kế ngôi chúa sắp tới để mở một cơ sở chữa bệnh, có khả năng thu nhận được khoảng 300 người.

Những năm sau đó còn có nhiều vị linh mục đến Hyế truyền đạo. Linh mục Bénigne Vachet được chúa Nguyễn mời chữa bệnh cho một vị Tướng quân cao cấp, anh em với ngài Chưởng dinh. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu tại vị đã dùng hai linh mục J.B Sanna (người Sardre) và linh mục Sébastien Pirès (người Bồ Đào Nha) bấy giờ đang ở Nam Kỳ, thông thạo nghề thuốc Tây y, vời ra Huế chữa bệnh cho nhà chúa. Vào giai đoạn này ở Huế còn có một linh mục, các hoạt động của ông được chính sử nhắc lại nhiều lần, đó là Jean Koffler, ông đóng vai trò quan trọng nhất về phương diện y học và nghiên cứu khá sâu về văn hóa xã hội Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Koffler đã xây dựng ở đô thành Phú Xuân một cơ sở để chữa bệnh cho hoàng gia, vì thế ông cũng được phép xây dựng một giáo đường nhỏ gần nơi cư trú để hành lễ. Thầy thuốc Koffler được chúa Phúc Khoát lựa chọn, giao việc chữa bệnh cho bà Chiêu Nghi - một và hoàng phi mà nhà chúa rất sủng ái. Khi bà mất được an táng tại một nơi "cát địa" gần chúa Từ Hiếu ngày nay. Và chỉ sau lễ an táng một thời gian ngắn, không hiểu vì lý do gì, chúa Phúc Khoát liền cho tháo ngôi nhà thờ của Koffler trong thành nội đem dựng lên mộ bà Chiêu Nghi, nay vẫn còn dấu tích.

Cùng thời với linh mục Koffler, ở Huế còn có vị linh mục Dòng Tên người Đức tên là Siebert, ông này lập một trại chữa bệnh cho trẻ mồ côi và những người nghèo khổ. Do những cử chỉ đối với nhà chúa và lối chữa bệnh cho dân thường, ông được nhà chúa ban cho chức quan hạng nhất. Năm 1745, linh mục Siebert qua đời tại Huế, một thầy thuốc khác người Hungary tên là Slamenski thay thế, ông này từng có nhiều năm làm phẫu thuật trong quân đội nước ấy trước khi trở thành linh mục.

Giai đoạn vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, mặc dù người anh hùng áo vải không ưa gì các nhà truyền giáo phương Tây có mặt ở Thuận Hóa, thế nhưng, vào năm 1791, khi bà chánh hậu của vua bị bệnh thập tử nhất sinh, các Ngự y trong triều đều bó tay, nhà vua đã cho vời linh mục Girard vào cung chữa bệnh cho bà. Tiếc thay, khi Girard đến nơi thì bệnh bà chánh hậu quá nặng, không thể cứu được nữa, và bà đã mất ngay trước mặt vị linh mục này.

Thời Gia Long trị vì đất nước, năm 1819, Hoàng đế đã cho triệu thầy thuốc trên tàu Le Henri, một nhà phẫu thuật có tiếng, tên là Treillard vào cung chữa bệnh cho Cửu công chúa. Trong những tháng ngày vô ra chữa bệnh cho người đẹp "cành vàng lá ngọc", Treillard đã chiếm được cảm tình của triều đình và ông đã được mời xem bệnh cho chính nhà vua một cách kín đáo.

Ở Huế bấy giờ có một thầy thuốc Tây y khá nổi tiếng, tên là Despiau, ông này không có gia đình tại Huế nên thường ở chung với hai viên quan người Pháp phục vụ trong triều Gia Long là Vannier và J.B. Chaigneau. Cuối năm 1820, vua Minh Mạng cử Despiau sang Ma Cao để tìm thuốc đem về chủng đậu. Thầy thuốc Despeau đã làm việc này một cách có hiệu quả.

Sau thời Treillard và Despiau, ở Huế không còn một người thầy thuốc Tây y nào được mời vào Đại Nội để chữa bệnh cho vua, hoàng gia và các quan tướng cao cấp triều đình nữa. Từ cuối năm 1820, đầu triều Minh Mạng, cho đến giữa năm 1885 khi "Kinh đô thất thủ", việc chữa bệnh cho người Việt đều do Thái Y Viện và các thầy thuốc Việt Nam đảm nhận. Việc chữa bệnh theo lối Tây y một các công khai vì thế mà bị gián đoạn hơn sáu mươi năm. Tuy nhiên, cách chữa trị và dùng thuốc theo lối người Tây đã phần nào gây ảnh hưởng tốt trong xã hội bấy giờ nên được người dân, nhất là quan lại nhà Nguyễn ủng hộ. Cho nên các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân; đặc biệt là triều Khải Định đến Bảo Đại, cách khám chữa trị và dùng thuốc theo lối Tây y đã trở nên khá phổ biến và rất được chú trọng; vì thế mà người ta có điều kiện để lập thêm nhiều cơ sở y tế ở Huế và Trung Kỳ.

Theo  Dương Phước Thu
(Kỷ yếu "120 năm-một mốc son cho một hành trình mới" - BV TƯ Huế)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng