Trong những tháng cuối năm 1971, những cuộc xuống đường liên tiếp diễn ra. Chưa bao giờ phong trào đô thị bùng phát mạnh mẽ như lúc này, kéo dài qua cả năm 1972.
Đầu tháng 10-1970, Đại hội sinh viên (SV) Liên viện Huế - Sài Gòn - Đà Lạt - Cần Thơ - Vạn Hạnh được phối hợp tổ chức tại TP Huế, thống nhất 3 khẩu hiệu và hành động đấu tranh chung của phong trào SV các đô thị miền Nam. Đó là đòi hủy bỏ ngay chế độ quân sự học đường với nội dung “không học, không thi, không đi quân trường”; đòi trả tự do cho tất cả SV - học sinh (HS) bị bắt giam trái phép; đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống sưu cao thuế nặng.
Thôi thúc những bàn chân
Ngay sau khi kết thúc đại hội, các khẩu hiệu “Đả đảo chế độ cảnh sát trị”, “Đả đảo quân sự học đường”, “Mỹ cút về nước”... được viết trắng cả mặt đường. SV-HS Huế đã cùng các đại biểu SV Liên viện xuống đường, chiếm lĩnh cầu Trường Tiền đến tận 0 giờ. Ngày 9-5-1970, SV-HS Huế chiếm giữ cây cầu mới bắc ngang sông Hương, đang chuẩn bị đón Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra khánh thành (nay là cầu Phú Xuân, TP Huế).
Những cuộc xuống đường, những buổi hội thảo liên tục diễn ra giữa những ngày hè nắng cháy. Những bản tin, những tờ báo in ronéo liên tiếp được tung ra khắp TP Huế.
Trong những ngày này, nhân dân TP Huế còn có dịp thấy rõ thêm mặt trái của một chính quyền tay sai đế quốc khi vẫn rêu rao, hãnh diện tự nhận là đang đứng trong hàng ngũ của “thế giới tự do”.
Ngày 26-5-1971, SV Huế tổ chức bẩu cử Tổng hội SV Huế. SV Lê Văn Thuyên, ở Ban Việt - Hán Trường ĐH Sư phạm Huế, đắc cử chủ tịch. Như vậy, kể từ niên khóa 1965-1966, Tổng hội SV Huế mới tổ chức bầu cử lại. Đại hội này đã thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của phong trào đấu tranh của SV-HS Huế trước hiện trạng đất nước lúc bấy giờ khiến chính quyền địa phương không thể nào thò bàn tay vào phá hoại những cuộc bầu cử dân chủ của SV như những năm trước được nữa.
Đầu tháng 7-1971, gần 5.000 người tham dự Đại hội SV-HS miền Nam Việt Nam tại khuôn viên Đại học Khoa học Huế, bao gồm đại biểu nhiều thành phần: Tổng Hội SV Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh; các tổng đoàn HS Huế, Đà Nẵng; đoàn thể nhân dân như Mặt trận Nhân dân tranh thủ Hòa Bình Huế, Đà Nẵng; Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...; đại diện các nghiệp đoàn tiểu thương, xích lô, HS phật tử... Đại hội ra tuyên bố chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cố tình kéo dài chiến tranh.
Đại hội này đặc biệt bày tỏ tinh thần hưởng ứng bản tuyên bố 7 điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công bố tại cuộc hòa đàm Paris (ngày 1-7-1971) và được in ronéo phân phát rộng rãi trong và sau đại hội.
Sau đó, tại Sài Gòn, đã có một sự phối hợp quan trọng trong việc bày tỏ lập trường chống chiến tranh Việt Nam giữa đại biểu SV Việt Nam và đại biểu SV Mỹ, thông qua Tuyên bố chung: Thống nhất quan điểm, yêu cầu chấm dứt chiến tranh, kêu gọi Mỹ và các nước chư hầu Mỹ tham chiến tại Việt Nam nhanh chóng chấp nhận đề nghị 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phong trào đấu tranh của SV-HS Huế trong những ngày tháng này trở nên dữ dội hơn khi lòng căm thù Mỹ có dịp bùng lên vì SV Đặng Duy bị xe Mỹ cán chết ngay ngã tư Duy Tân - Lê Lợi, đầu cầu Trường Tiền. Chiếc xe Mỹ sau khi cán chết người đã bỏ chạy làm cho sự phẫn nộ của SV-HS dâng cao. Tổng hội SV Huế lập tức loan tin và mời đồng bào tham dự mít-tinh phản đối. Chỉ chừng 20 phút sau, từ các hướng, đồng bào đủ mọi giới ùn ùn kéo về hữu ngạn sông Hương. Lòng căm hận Mỹ chất chứa từ lâu, tình cảm ruột thịt dành cho người đã chết vì bọn Mỹ càng giục giã, thôi thúc những bàn chân rầm rập xuống đường.
Chính ở ngã tư Duy Tân - Lê Lợi này, từ đó về sau nhiều lần đẫm máu đồng bào Huế. Những cuộc tuyệt thực, những lần đối mặt kẻ thù diễn ra quyết liệt. Hình nộm nhiều tên bù nhìn bị quần chúng TP Huế đốt cháy.
Trong những tháng cuối năm 1971, những cuộc xuống đường liên tiếp diễn ra. Chưa bao giờ phong trào đô thị bùng phát mạnh mẽ như trong những ngày tháng này, kéo dài qua cả năm 1972.
Hàng ngàn người bị bắt
Bà Lê Thị Nhân kể: Đầu năm 1972, khi bà đang đi phát tài liệu mật thì cảnh sát kéo tới nhà bao vây. Khi bà trở về liền bị bắt đưa ra Côn Đảo cùng nhiều SV khác. Hiệp định Paris được ký kết, bà cùng nhiều SV được trả về Huế, cầm tù tại lao Thừa Phủ. Do bị đánh đập quá nhiều khi ở Côn Đảo nên thời gian đó bà bị bại, xuất huyết và phải nằm điều trị tại trạm xá nhà tù trong thời gian khá dài.
PGS-TS Bửu Nam cũng bị bắt vào thời điểm đó khi đang là SV hoạt động trong phong trào cứu trợ đồng bào ở Huế. “Chúng tôi đang hoạt động thì lính bao vây. Nhóm 5 người chỉ mình tôi chạy thoát về được Tổng hội SV Huế. Ngủ được một đêm thì chúng bắt tại đây và tôi bị đưa vào Đà Nẵng cầm tù” - ông Nam nhớ lại.
Sau 3 tháng, chính quyền Sài Gòn mở phiên tòa xử những SV-HS bị bắt và ông Nam được trả tự do. “Tại tòa, chúng hỏi tôi có tham gia phong trào đấu tranh không? Tôi trả lời ngay rằng chúng tôi là những người sống có lý tưởng, muốn dấn thân đấu tranh vì hòa bình nên không thể từ bỏ” - ông Nam khẳng định.
Sau khi được trả tự do, ông Bửu Nam tiếp tục hoạt động ở Tổng hội SV Huế với vai trò viết báo, tuyên truyền. Hai tờ báo Đất Mới và Thái Hòa của SV-HS Huế ra đời với số lượng in 300 bản/số đã gây tiếng vang lớn với những bài tuyên truyền về hòa bình, phản đối chính quyền Mỹ - ngụy, do các SV viết.
Đầu tháng 5-1972, khi chiến sự xảy ra ác liệt, phong trào HS-SV bị đàn áp dữ dội với việc hàng ngàn người bị bắt đưa ra Côn Đảo. Ông Trần Hoài cùng 4 người khác là chủ chốt trong phong trào SV-HS Huế phải trốn vào Đà Nẵng để lên đường. “Khi vào tới Đà Nẵng, không biết vì sao lộ. Lính ngụy tổ chức truy lùng khiến chúng tôi phải lánh vào một ngôi chùa, xuống tóc, mặc áo cà sa như thầy tu, suốt ngày đọc kinh kệ mới lọt được” - ông Hoài kể.
Theo Người lao động