Nhịp điệu cuộc sống
Làng Hương hối hả vào Tết
14:14 | 23/01/2015

 Con đường Huyền Trân Công Chúa đi qua lăng Tự Đức phường Thủy Xuân thành phố Huế gần Tết sôi động hẳn lên.

Làng Hương hối hả vào Tết

Lý do không chỉ khách du lịch ngưỡng mộ và muốn được kính viếng vị vua Nguyễn có tài thơ văn bậc nhất thiên hạ này mà còn bởi xuất hiện ở đây dịch vụ làm hương và bán hương phục vụ khách tham quan.

Từ xa, ở phía đường Ngô Lê Cát đã thấy lấp ló và rực rỡ những sắc màu xanh đỏ. Thì ra, cứ vào sáng sớm, người thợ làm hương ở đây lại đem tăm hương (loại nan của cây lồ ô dùng làm cốt cho cây hương) và hương mới làm ra phơi và cũng là như “khoe” để thu hút khách du lịch.

Tăm hương với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng được sắp xếp thành những bông hoa nhiều sắc màu, có bông mới “chớm nở”, có bông thì đã vươn mình tỏa cánh.

Con đường ấy uốn mình bên chân đồi Vọng Cảnh, mang tên Huyền Trân Công Chúa, thuộc thôn Trường Đá (phường Thủy Biều, TP Huế). Không chỉ con đường mà lâu nay thôn Trường Đá cũng chỉ là một cái tên hành chính, còn người dân đã quen gọi là làng hương.

Trên đoạn đường ngắn này tập trung khoảng 20 hộ gia đình chuyên nghề làm hương. Dì Nở (44 tuổi), một người làm hương lâu nhất trong làng, cho biết: “Ngày xưa, làng còn thưa thớt, nghề làm hương chỉ có một vài nhà làm. Nghề làm hương thực sự thịnh đạt sau ngày giải phóng. Dân làng đều sống bằng nghề này”.

Hương nơi đây nổi tiếng với nhiều mùi thơm khác nhau. Có 8 mùi chính, gồm: Trầm, quế, thuốc bắc, tùng, đàn, nước hoa, bột thơm. Người thợ sẽ tùy theo nhu cầu của khách hàng rồi gia giảm sao cho phù hợp.

Trong số đó, hương trầm là loại hương đặc biệt. Song hương trầm cũng có nhiều loại: Trầm thường, trầm tốt, trầm đặc biệt... Hương trầm nơi đây có mùi đặc trưng riêng, không giống các nơi khác. Nó thơm xa nhưng không nức, thơm lâu nhưng nhẹ nhàng, dễ chịu.

“Trong số nhiều loại hương, thì hương trầm luôn được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ người trong nghề như chúng tôi mà người buôn bán ở Huế, sáng nào cũng thắp một nắm hương trầm trước cửa để mong có một ngày làm ăn thuận lợi” - Chị Bé - chủ tiệm hương trầm Phương Loan - nói.

Riêng với người làm nghề hương, ở bàn xe hương, luôn có một cây hương vừa tàn. Mùi hương đối với họ trở thành mùi quê hương, xứ sở. Nhiều người con xa xứ, mỗi khi nhớ về làng hương Trường Đá lại nhớ về mùi hương quen thuộc tỏa ra khắp làng.

Một người thợ giỏi không chỉ xe hương nhanh, đẹp mà còn phải có nhiều kỹ thuật từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến trộn bột hương. Lõi hương được người thợ làm từ những cây tre làng có độ già vừa phải. Lõi hương được nhuộm đa sắc màu rồi cột lên lại và xếp trên giá phơi nắng, phơi sương. Thế nên, cây hương cháy đều, có tàn uốn cong đẹp mắt.

Đa số, người thợ làm hương ở đây đều xe hương thủ công. Nhưng nhìn những cây hương đều đặn, tròn trịa, dẻo dai không ai nghĩ đó là những sản phẩm bằng tay. “Máy sấy hương” là ánh nắng mặt trời. Nhiều thương lái đến đây mua hương ngoài yếu tố mùi thơm đặc biệt thì một phần do hương ở đây không bị gãy, bể vụn trong khi vận chuyển xa.

“Tôi đã tự tay mình xe được những cây hương. Tuy không được đều đặn nhưng thật tuyệt. Ở trong Sài Gòn, tôi cũng dùng hương của Huế. Hương Huế có mùi thơm rất đặc biệt”, chị Hà, một du khách đến từ Sài Gòn, đang ngồi xe hương tại cơ sở Phương Loan, cho biết. Khách du lịch ghé thăm làng hương không chỉ vì nó là đường đi đến các điểm tham quan di tích mà còn tìm đến đây để tìm hiểu nghề hương truyền thống.

Thời điểm này, khi tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, con đường hương trầm này lại càng nhộn nhịp hơn để vừa phục vụ du lịch, vừa có đủ hàng cung cấp cho các mối sỉ phục vụ nhu cầu tết. Hương của làng không chỉ cung ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn đi đến các tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

“Trung bình, một người thợ giỏi thì xe được khoảng 10 ngàn cây/1 ngày. Những ngày tết thì phải làm nhiều hơn mới đủ đáp ứng. Làm nghề này chủ yếu lấy công làm lời” - chị Hương, một người làm hương lâu năm - chia sẻ.

Theo Minh Ngọc - GD&TĐ

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhật ký Huế (23/01/2015)