Phải thức khuya để hoàn tất việc cúng lễ giao thừa, mọi người vẫn phải dậy sớm để lấy may trong ngày đầu năm đầy ước vọng.
Bà nội tôi thường căn dặn trước những việc phải làm, những điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm. Đó là tất cả mọi người trong gia đình từ nhỏ đến lớn thức dậy sớm, sau khi rửa mặt mũi phải nhanh chóng thay bộ đồ mới. Trước hết là chào hỏi tất cả những người trong nhà mà mình gặp đầu tiên.
Tôi vẫn còn nhớ như in những tiếng chào năm mới rộn ràng xen lẫn với tiếng cười giòn tan bởi ai cũng tay bắt mặt mừng như lâu ngày mới lại gặp nhau. Khuôn mặt phải thật vui tươi và nụ cười phải thật rạng rỡ, kiêng kỵ nhất là chọc ghẹo hay đánh mắng trẻ con.
Đi đứng nhẹ nhàng, nói khẽ, tránh gây tiếng động, nhất là việc gây đổ bể bất kỳ một vật dụng gì. Tránh nói đến những từ ngữ xấu, buồn, xui xẻo… vì người xưa thường ước lệ rằng những điều đó sẽ gây rủi ro trong năm mới. Khi lớn lên, tôi nghĩ đây cũng là dịp để các bậc tiền nhân ôn lại cho mọi người cách nói năng trang nhã, dịu dàng của người Huế.
Những người lớn trong nhà như bố mẹ, các bác, cô, chú sẽ bày biện mứt bánh, hoa quả, trái cây và sửa soạn hương đèn, trầm trà nghi ngút trên bàn thờ để toàn thể gia đình cùng làm lễ cúng gia tiên. Các bình thường cắm những loại hoa mùa xuân như hoa lay ơn, thủy tiên, hoa cúc vàng, thược dược… Các hộp đựng bánh mứt với đầy đủ các loại nổi tiếng và truyền thống ở Huế như bánh hột sen, bánh đậu xanh, bánh in, mứt gừng, mứt bí, mứt cam quật… Không khí đầm ấm, lắng đọng, thoang thoảng mùi hương trầm, hương hoa quả và cả ánh đèn nhấp nháy trên bàn thờ rực rỡ.
Trước tiên, bà nội thắp 3 nén hương thành kính mời gia tiên nội tộc về ăn Tết với gia đình, và cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu. Từng người theo thứ tự từ lớn đến nhỏ lần lượt vái lạy tổ tiên và lầm rầm khấn vái, cầu mong năm mới viên mãn, hạnh phúc, và một lần nữa mời tổ tiên, những người đã khuất cùng về sum họp, thưởng xuân với con cháu trong 3 ngày Tết đầm ấm này.
Sau khi cúng bái, cả nhà quây quần bên chiếc sập gụ cẩn xà cừ hay bộ trường kỷ đặt giữa phòng khách. Bao giờ ông bà cũng là người đầu tiên chúc Tết cho cả nhà, cầu mong con cháu trong năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới, học hành đỗ đạt…Ông bà không quên lì xì các cháu nhỏ trong nhà những phong bì tươi thắm với tờ giấy bạc mới tinh. Các cháu lần lượt nhận, cúi đầu thành kính cảm ơn và cầu chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, phúc lộc tràn trề…
Các bậc trung niên như bố mẹ, các bác, cô, chú thường kính cẩn mừng tuổi ông bà cùng lời chúc dồi dào sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Thông lệ trang trọng tiếp theo không thể thiếu là khai bút đầu xuân với những chữ có ý nghĩa như phúc, lộc, thọ, tâm, nhẫn… Ai biết chữ nho thì viết, ai không biết thì hí hoáy bằng chữ quốc ngữ, miễn nắn nót cho đẹp là được.
Tiếp đến là dùng bữa sáng đầu tiên trong năm với các loại bánh trái, thức ăn truyền thống chỉ có trong ngày Tết như bánh tét, bánh chưng, dưa món, chả thủ, chả lụa… Bữa ăn thường tràn ngập tiếng nói cười râm ran, tiếng mời chào rộn rã. Sau bữa ăn, mọi người nhắc nhau sửa sang lại trang phục, tô điểm má hồng cho tươi tắn để đi chúc mừng láng giềng, các bậc cao niên trong họ tộc trước khi đi lễ chùa lạy Phật để cầu an, may mắn.
Hiện nay nhiều gia đình khá giả có khuynh hướng nghỉ ngơi, thư giãn qua các chuyến du lịch gần xa để tránh những thủ tục phiền toái, rườm rà trong ngày Tết… Nhưng với tôi, những phong tục trong ngày đầu năm mới luôn thiêng liêng và đáng nhớ, mang đến ngày Tết đoàn viên, sum họp.
Theo Hàn Linh (VnExpress)