Di tích nhà thờ Cổ Nhạc (Cổ Nhạc từ) là một di sản văn hóa đặc biệt của một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nét đẹp tinh thần tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Nhưng ít ai biết được trên nền đất ngôi nhà thờ linh thiêng ấy, trước đây đã từng tọa lạc phủ hoàng tử, rồi sau này chuyển thành biệt miếu của hoàng gia thờ phụng vua Dục Đức.
1. Từ Dục Đức Đường, một biệt phủ hoàng gia...
Ngược dòng lịch sử, Dục Đức Đường tọa lạc tại phường Thuận Cát, phía Tây Bắc ngoài Hoàng Thành, sát bờ hồ Tân Miếu. Dục Đức Đường là một biệt phủ do vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1870 để ban cho hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân đến ở và học hành, đồng thời giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (sau này là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) trông coi, dạy bảo hoàng tử. Vua Tự Đức tuyển chọn những vị quan đại thần có trình độ học vấn uyên thâm để giảng dạy cho hoàng tử Ưng Chân. Sách “Đại Nam thực lục" chép rằng: Vua Tự Đức phê "chuẩn cho làm nhà ở phía ngoài cửa Hiển Nhân, đặt tên là Dục Đức Đường để cho hoàng trưởng tử ra ở đọc sách. Lại nghị chuẩn cho đặt quan đại thần đi lại dạy dỗ và giảng tập cho đến các viên, thuộc trưởng sử, tư vụ. Khi hoàng trưởng tử ra vào chầu hầu, đều có chuẩn cho phái biền binh đi hộ vệ (Định đến tháng 7 năm nay cho ra ở)" [6: 339 - 340]. Trong công trình khảo cứu "Kinh thành Huế: Địa danh" của tác giả L. Cadière còn cho biết: "Vua Tự Đức đã cho đặt ở cung này một tấm hoành có hai chữ Hán Dục Đức, do đó người ta lấy tên cung này để chỉ vị hoàng thân ấy" [3:154].
Dục Đức tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Ái sinh ngày 4 tháng 1 năm Quý Sửu (11/2/1853), là con thứ 2 của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Vua Tự Đức vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên về sau không có con, ông có xin 3 con trai của 2 người em làm con nuôi. Năm 1869, Ưng Ái được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và đổi tên là Nguyễn Phúc Ưng Chân. Năm 1883, ông được phong làm Thụy Quốc Công. Tháng 6 năm Quý Mùi (1883) vua Tự Đức băng hà, để lại di chiếu truyền ngôi cho người con nuôi lớn của mình là Dục Đức lên nối ngôi vua, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: "... Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây" [2:371]. Lúc làm lễ đăng quang, Dục Đức đã cho đọc lướt đoạn này nên 3 ngày sau hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã phế bỏ Dục Đức theo lệnh của Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức). Ở trên ngôi vua 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu thì Dục Đức đã bị phế bỏ và bị giam ở Dục Đức Đường, rồi Thái Y Viện và cuối cùng là ngục Thừa Thiên cho đến khi mất. Theo điển lệ của triều đình, vua Dục Đức không được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành vì chưa chính thức lên ngôi vua, chưa có niên hiệu và không băng hà lúc tại vị.
Năm 1889, do một hoàn cảnh bất ngờ, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên làm vua, đặt niên hiệu là Thành Thái (1889-1907). Ngay từ năm đầu lên ngôi, vua Thành Thái đã nghĩ đến việc xây dựng lăng mộ và tôn miếu để thờ tự vua cha, thể hiện sự hiếu thảo của phận làm con đối với người cha quá cố. Mùa hạ, tháng 4 năm 1890, vua Thành Thái ban dụ: "Lễ không gì lớn bằng nối đạo thống, hiếu không gì lớn bằng tôn người thân... sai bề tôi bộ Lễ kính chọn ngày tốt bưng kim sách kim bảo dâng tôn thụy cho hoàng khảo là Cung Huệ hoàng đế, xây dựng tẩm miếu riêng trong kinh thành. Tôn lăng chiểu theo quy cách trước đây, truy xưng là lăng, tên là An Lăng, bốn mùa thờ cúng, kính sai quan trông coi, tới như kính gặp ngày sinh ngày kỵ cùng theo mùa dâng cúng, trẫm sẽ kính tới chiêm bái, làm lễ người nhà để tỏ lòng hiếu..." [7:135]. Đầu năm 1890, vua Thành Thái cho xây đắp lăng mộ của vua cha ngay trên nấm mồ “thiên táng” trong địa phận chùa Tường Quang, đặt tên là An Lăng nhưng chưa có điện thờ. Tiếp đến năm 1891, vua Thành Thái đã cho tôn tạo Dục Đức đường và khởi công xây dựng thêm một số công trình kiến trúc mới theo quy định của một biệt miếu thờ vua Dục Đức gồm một tòa nhà kép đặt ở giữa trong thờ thần khám vua Dục Đức, trước có hai nhà Túc Gia, sau có nhà Tòng Viện. Quanh miếu có tường gạch bao bọc, có hệ thống cửa theo kiểu "tứ khẩu" đặt trên tường ở cả bốn phía, trong đó cửa chính ở phía nam, làm kiểu tam quan - môn lâu, ba cửa còn lại là các nguyệt môn. Sách "Đại Nam nhất thống chí" soạn dưới thời vua Duy Tân ghi rõ về điều này: "... Miếu chính có một nóc chính và nóc tiền, trong thờ thần khám Cung Tôn Huệ Hoàng Đế, tứ thời kỵ hưởng cũng như lệ ở Thế Miếu; trước dựng Túc Gia ở tả hữu, ở sau dựng Tòng Viện, ngoài xây thành gạch, trổ 1 cửa, trước là cửa tam quan trên có lầu, trong xây Tắc Môn (bình phong) phía tả, hữu và hậu đều mở cửa nách, có từ - tế - phụng thủ, ấy là biệt Miếu vậy" [5:31]. Sau khi xây dựng xong ngôi miếu, vua Thành Thái sai khắc biển ngạch "Hoàng Khảo Miếu" treo ở chính đường, danh xưng miếu Hoàng Khảo (còn gọi là Tân Miếu) ra đời từ đây. Mọi lễ nghi thờ cúng vua Dục Đức đều được tổ chức ở đây. Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn cha mình là Cung Tông Huệ Hoàng đế. Năm 1897, nhà vua đổi tên miếu là Cung Tông Miếu (do húy chữ Tông, tên vua Thiệu Trị nên vẫn đọc là Cung Tôn Miếu). Miếu Cung Tôn là biệt miếu của hoàng gia, được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự), nghi lễ tế tự sánh ngang hàng với các miếu như: miếu Phụng Tiên (thờ các vị vua Nguyễn), cung Khánh Ninh (thờ vua Minh Mạng), cung Bảo Định (thờ vua Thiệu Trị).
Vào năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân phía hữu lăng mộ, làm nơi thờ cúng vua cha. Từ đây, Tân Miếu trở thành nơi tu hành thờ Phật, làm nơi nương tựa tinh thần của bà Từ Minh (vợ chính của vua Dục Đức). Sau khi Hoàng thái hậu Từ Minh qua đời, triều đình mai táng thi hài của bà bên phải mộ vua Dục Đức theo thế "Càn, Khôn hiệp đức" như ở lăng vua Gia Long. Đồng thời, bài vị vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh cũng được đưa về thờ phụng ở An Lăng. Tân Miếu cũng không còn lý do để tồn tại. Năm 1916, miếu bị triệt hạ.
Triều Nguyễn chấm dứt sau 143 năm trị vì (1802-1945), các công trình kiến trúc còn sót lại của Tân Miếu không còn được sử dụng như công năng của nó nên dần rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát và dần chìm vào quên lãng. Trong tác phẩm "Đường Xưa Thành Nội", nhà nghiên cứu Võ Hương An đã miêu tả cảm giác ngậm ngùi, xót xa khi nhìn đống gạch vụn của Tân Miếu xưa: "Khi đi qua khu Tân Miếu, miếu thờ vua Dục Đức, do vua Thành Thái (1889-1907) lập nên, thấy sao âm u quá; sau 1945, chỉ còn là đống gạch vụn". Lúc này, cảnh Tân Miếu trở thành phế tích, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người dân sống trong Thành nội.
... đến Cổ Nhạc từ, những cơ duyên lịch sử
Người gìn giữ và bảo tồn cổ nhạc, đầu tiên phải kể đến đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại, vợ vua Khải Định). Sau năm 1945, bà đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của đoàn Ba Vũ cổ nhạc. Đặc biệt, để thực hiện ý nguyện xây dựng ngôi nhà thờ Tổ nghề của các nghệ nhân cổ nhạc, đức Từ Cung đã đồng ý chuyển giao mặt bằng sở đất Tân Miếu cho Ban Cổ nhạc Đại Nội để xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc (nay tọa lạc tại số 05, kiệt 127 đường Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa, thành phố Huế). Thời điểm xây dựng chính thức nhà thờ Cổ Nhạc vào ngày 11 tháng 8 năm Bính Ngọ (25/9/1966). Căn cứ vào những dòng ghi chép bằng chữ Hán trên văn bia hiện nay vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Cổ Nhạc thì công việc tổ chức xây dựng nhà thờ do là ông Nguyễn Ngọc Cung làm trưởng ban, thủ quỷ Nguyễn Hiếu Lại, thư ký Trần Tẩu, cùng các huấn luyện viên và các nhạc sinh trong Ban Cổ nhạc. Nhà thờ Cổ Nhạc ra đời từ đó.
Các nghệ sĩ trẻ dâng hương atị nhà thờ Cổ Nhạc
Nhà thờ Cổ Nhạc được kiến trúc trên bình đồ hình chữ nhật với các hạng mục công trình như: Cổng, chính đường, tiền đường, la thành và sân vườn. Kiến trúc chính của nhà thờ nằm ở giữa khuôn viên khu đất gồm hai công trình là chính đường và tiền đường. Chính đường có diện tích khoảng 34m2, trong những dịp tế lễ Tổ nghề, tiền đường là nơi những người hành lễ chỉnh đốn y phục, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng các vị tổ sư ở chính điện. Chính điện tiếp sau tiền đường, nối với tiền đường bằng hệ thống máng đưa nước mưa từ mái sau tiền đường và mái trước chánh điện đổ sang 2 bên. Chính đường có diện tích khoảng 39m2, nội thất chính đường chia thành 3 gian có thiết trí các bệ thờ những vị chư Tổ sư Cổ Nhạc. Ở gian giữa nội thất chính đường có đắp nổi nề họa bức hoành phi dạng cuốn thư đề 3 chữ Hán: "古 樂 祠 Cổ Nhạc từ" (Nhà thờ Cổ Nhạc).
Trên các vách gian thờ đều có trang trí các câu đối chữ Hán viết bằng mực Tàu. Một số câu đối do trải qua thời gian dài, cộng thêm thời tiết nóng ẩm xứ Huế khiến phần lớn các chữ Hán câu đối bị mờ hoặc mất nét nên không đọc được nội dung. Vì vậy, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn một câu đối còn rõ nét để độc giả tiện tham khảo:
Nguyên văn:
歷 代 祖 師 棟 宇 新 成 乾 人 嗣
累 朝 帝 主 榮 褒 舊 典 尙 方 冠
Phiên âm:
"Lịch đại tổ sư đống vũ tân thành càn nhân tự,
Lũy triều đế chủ vinh bao cựu điển thượng phương quan".
Dịch nghĩa:
"Từng thuở tổ sư nhà mới dựng xây người nối dõi,
Các triều vua chúa điển xưa khen ngợi chốn tôn nghiêm.
(Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)
Tiếp đến một điểm đáng chú ý là sát vách hai bên tả hữu nội thất chính điện có lưu lại hai tấm bia viết chữ Hán bằng mực tàu: Bia vách tả viết phương hướng, ngày kỷ niệm sự kiện đặt đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc vào ngày 11 tháng 8 năm Bính Ngọ (25/9/1966) và danh tánh các những người đứng ra tổ chức xây dựng, đóng góp tài chính xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc.
Trong điều kiện thời tiết và thực trạng của nhà thờ Cổ Nhạc, trùng tu là việc cần làm ngay bởi nhà thờ đang xuống cấp từng ngày, hơn thế trùng tu nhà thờ là tâm nguyện của người trong ngành Cổ Nhạc nhằm giữ gìn những giá trị văn hoá và tâm linh cho hôm nay và muôn đời sau.
Theo các nghệ nhân Cổ nhạc cao tuổi cho biết, nhà thờ Cổ Nhạc là nơi tôn thờ tổ tiên chế nhạc liệt vị tôn sư, lịch đại thánh hiền giáo truyền nhạc nghệ, chư hương linh tiền hậu nhạc sĩ, ca công quá cố, các vị thánh tổ khai sáng âm nhạc Trung Quốc và Việt Nam. Theo chúng tôi, người ta không thể xác định được một cách rõ ràng và chính xác danh tính Tổ nghề là ai? Họ đành tôn xưng một cách chung chung là các Thánh sư, Tổ sư, Thiên sư và lấy đó làm đối tượng thờ cúng. Muốn tìm hiểu tổ sư ngành Cổ nhạc là ai? Chúng ta hãy khảo sát danh sách các vị Thánh tổ trong bản văn tế còn lưu tại nhà thờ Cổ Nhạc liệt kê rất nhiều nhân vật như Đào Duy Từ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Đoàn Thanh Xà, Đạo Đức Thiên Tôn, Hiên Viên Hoàng Đế, Thọ Kỳ Bá, Cao Tiệm Ly... Đặc biệt, Đào Duy Từ (1572-1634) là một nhân vật lịch sử có thật, có sự cống hiến lớn lao trên nhiều lĩnh vực (Chính trị, quân sự, văn học, kiến trúc, sân khấu...) đã đưa ông vào các hàng danh nhân trong lịch sử dân tộc. Ông có nhiều công lao giúp nhà Nguyễn xây dựng vương triều mới nên được coi là bậc khai quốc công thần. Khi mất, ông được vua ban đặc ân truy tặng hàm Quận công và được thờ phụng ở Thái Miếu. Có một điều cần phải khẳng định rằng, dù cho những nhân vật kể trên có thật hay không, là người Việt hay người Hoa, họ vẫn được tôn xưng là những vị Tổ sư ngành Cổ nhạc và được tôn thờ ở vị trí trang nghiêm trên các bệ thờ tại nội thất chính đường nhà thờ Cổ Nhạc.
Trước đây, lễ tế Tổ nghề tại nhà thờ Cổ nhạc được tổ chức vào ngày 16-10 Âm lịch. Công việc tổ chức lễ tế Tổ nghề do Hội Ca nhạc truyền thống Huế - tiền thân là Hội ái hữu Cổ nhạc Thừa Thiên được thành lập chính thức vào năm 1974. Hội đứng ra làm Ban tổ chức, cùng với sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và những người có niềm đam mê Cổ nhạc... Tuy nhiên, ngày 16/10 Âm lịch hàng năm, thời tiết ở xứ Huế thường xuyên diễn ra tình trạng mưa to, lụt lội nên công tác tổ chức kỳ lễ tế Tổ nghề gặp rất nhiều khó khăn. Do đó từ năm 1996, Ban tổ chức lễ tế Tổ nghề đã quyết định chuyển kỳ lễ tế Tổ sang ngày 16/3 Âm lịch. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn tiếp tục tổ chức lễ tế Tổ nghề vào ngày 16/10 Âm lịch theo thông lệ truyền thống nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Nghi thức lễ tế Tổ nghề diễn ra tại nhà thờ Cổ Nhạc suốt cả ngày với 2 phần quan trọng: Lễ tế Tổ nghề và sinh hoạt văn nghệ Cổ nhạc. Phần lễ tế Tổ nghề tổ chức ở chính đường nhà thờ, từ hiên ngoài đến bệ thờ trong cùng. Các nghệ nhân Cổ nhạc cao tuổi và có uy tín trong nghề đóng vai quan viên tế. Họ đều mặc theo phẩm phục nghi lễ Nho giáo chỉnh tề, sắp hàng đứng hai bên. Các gian chính đường đều có chiếu dành cho chủ tế và hai bồi tế. Dàn nhạc bát âm đứng tập trung ở gian tả chính đường nhà thờ. Ngoài hiên có hai người đánh, trống chiêng. Các nhạc công mặc lễ phục dân tộc cổ truyền. Bàn thờ nào cũng khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang, hoa quả sắp đầy. Dàn nhạc chỉ cử trong từng tiết lễ. Bản nhạc dùng cho tế Tổ nghề là những bài cơ bản như: Đăng đàn đơn, xàn xê, kèn chiến, long ngâm được tấu bằng kèn, trống, sinh tiền... Điểm nhịp cho từng hồi xướng lễ là chiêng và trống lớn.
Sau khi lễ tế Tổ nghề kết thúc, các thành viên tham dự lễ Tế tổ trao đổi kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn nhạc cụ, các bài ca, điệu đàn tâm đắc nhất sau một năm xa cách. Đặc biệt, những nghệ nhân Cổ nhạc có uy tín, đức cao vọng trọng sẽ trình diễn những bài bản Ca nhạc Huế đặc sắc với tất cả tài năng và tâm hồn của mình.
Ngày lễ tế Tổ nghề là dịp để các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân cùng nhau gặp gỡ, trao đổi về nghề nghiệp, đồng thời đây cũng là dịp để tỏ lòng thành kính, biết ơn đến các vị Tổ nghề, đồng thời tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sáng và để lại cho ngành Cổ nhạc nhiều tác phẩm bất hủ, lưu danh sử sách. Lễ tế Tổ ngành Cổ nhạc là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, là một nghi lễ nghề nghiệp cổ truyền rất đáng trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị. Nó thể hiện đậm đà truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Bởi vì nơi ấy, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, nhà thờ Cổ Nhạc vẫn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong ngành Cổ nhạc mỗi dịp tế Tổ nghề hàng năm. Niềm tin đối với các vị Tổ nghề giúp người trong nghề qua các thế hệ sống tốt hơn cả trong nghệ thuật âm nhạc lẫn cuộc sống. Với nghề nghiệp, họ phải cố gắng trau dồi kỹ năng thực hành để vươn xa trong nghề nghiệp, trao truyền tri thức Cổ nhạc cho thế hệ trẻ để duy trì và phát triển ngành Cổ nhạc, sao cho xứng đáng với công lao khai mở và phát triển nghề nghiệp của các vị Tổ sư. Giữa cuộc sống đời thường, họ phải giữ gìn sự trong sạch, không được làm những điều xấu xa để tránh bị các vị chư Tổ nghề quở phạt, hướng thiện trong cuộc sống.
Từ Dục Đức Đường đến Cổ Nhạc Từ là một hệ quả của những cơ duyên lịch sử. Hiện tượng di tích chồng lớp lên di tích này liên quan mật thiết đến cuộc đời và hành trạng của vua Dục Đức, hoàng hậu Từ Minh và vua Thành Thái, làm tăng lên ý nghĩa và giá trị của di tích nhà thờ Cổ Nhạc. Biết đâu đó, những viên gạch ngói còn sót lại dưới lớp đất của phế tích Cung Tôn Miếu vẫn còn thổn thức, vang vọng mãi đến ngàn năm, minh chứng cho chiều sâu giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô Huế. Với những giá trị lịch sử, ý nghĩa văn hóa tâm linh và nhân văn đặc sắc, di tích nhà thờ Cổ Nhạc xứng đáng để chúng ta quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tôn Thất Bình (2003), Huế, lễ hội dân gian, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế.
3. L.Cadière (2006), Kinh thành Huế: Địa danh, Những người bạn cố đô Huế; B.A.V.H, tập XX, 1933, bản dịch Hà Xuân Liêm, hiệu đính Nhị Xuyên, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Nhà Bảo tàng Huế (2009), Lý lịch Di tích Lịch sử Văn hóa Nhà thờ Cổ Nhạc, Bản lưu tại Phòng tư liệu Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Ðại Nam nhất thống chí, Tập Kinh Sư, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Đại Nam thực lục chính biên, Tập XXXI, Dịch giả: Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
Theo Trần Văn Dũng (Sở VHTT&DL)