Nhịp điệu cuộc sống
Nguyễn Khoa Điềm: Không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ
09:05 | 08/05/2015

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chợt nhớ tác giả Mặt đường khát vọng tôi lại về Thôn Vỹ thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Một lần nữa Mặt đường khát vọng đã làm sống lại trong chúng tôi không khí một thời rực lửa.

Nguyễn Khoa Điềm: Không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một cuộc hội thảo.

Trở về với bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm đã làm cho Nguyễn Khoa Điềm trở thành một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mỹ, ông dốc bầu tâm sự: Chúng ta không thể không tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện 30/4/1975 không chỉ là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ mà là kết thúc cuộc trường chinh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược kể từ ngày thất thủ kinh đô Huế (1885), ngày vua Hàm Nghi từ bỏ ngai vàng điện ngọc ra sơn phòng, ban chiếu Cần Vương đánh Pháp. v.v... Và, không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ và trở thành nhà thơ.

Xúc động thực sự trước khí thế sôi sục, quyết liệt của tuổi trẻ trong phong trào đấu tranh vì hòa bình ở các đô thị miền Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã viết Mặt đường khát vọng khá nhanh, và khá bất ngờ. Khá nhanh vì trường ca được hoàn thành trong thời gian một tháng, tại một trại sáng tác do Khu ủy Trị Thiên tổ chức vào tháng 12/1971.

Khá bất ngờ vì đây là tác phẩm viết theo đơn đặt hàng, loại sản phẩm mà cho đến bây giờ vẫn có rất nhiều người “kỵ rơ”, “dị ứng”. Ông kể, ngày đầu nhập trại sáng tác, nhạc sĩ Trần Hoàn hỏi: Điềm sẽ viết gì. Ông trả lời: Tôi sẽ tiếp tục làm một số bài thơ. Nhạc sĩ Trần Hoàn bảo: Không được, lần này phải viết cái gì thật dài hơi, viết thật hào sảng...

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong nhà thơ Hải Như cho rằng: “Nhà thơ phải tự đặt hàng cho chính mình”. Nhưng từ Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm thì viết theo đơn đặt hàng cũng không có điều gì “phản cảm”. Vấn đề cốt tử là người đặt hàng phải biết chọn mặt gửi vàng, phải giao đúng người, đúng việc. Về phía người nhận đặt hàng cũng phải biết mình biết ta, chỉ được phép nhận những phần việc đúng năng lực, sở trường. Đặt hàng và nhận đặt hàng đúng nghĩa mới có những công trình, tác phẩm lớn.

Trở lại câu chuyện ở trại sáng tác, Nguyễn Khoa Điềm đã quyết định viết trường ca. Ông kể, là sinh viên từ miền Bắc vào, tôi rất thích nhạc giao hưởng. Kết cấu giao hưởng có nhiều trường đoạn, nhiều giọng điệu, có đoạn đằm thắm nhẹ nhàng, có đoạn suy tư, có đoạn cao trào gay gắt, sôi nổi. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ viết một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ. Và tôi đã đi theo hướng đó.

Trong Mặt đường khát vọng, không chỉ đại đa số độc giả mà chính tác giả cũng tâm đắc nhất với chương Đất nước. Với lối viết rất riêng, không đao to búa lớn, và không bắt đầu từ những anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... tác giả thủ thỉ kể về mình và về người bạn gái đang dấn thân trong cuộc đấu tranh, về những con người rất bình dị nhưng đều có những cống hiến cho đất nước với thái độ vô cùng yêu thương, trân trọng những con người “làm nên đất nước muôn đời”.

Đất nước là chủ đề thiêng liêng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật xuyên suốt các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nguyễn Khoa Điềm đã có cái nhìn khác về đất nước và nhân dân với cách thể hiện cũng rất riêng của mình. Rất khiêm tốn, Nguyễn Khoa Điềm cho đó là một may mắn của sự lựa chọn khi hướng dòng cảm xúc yêu thương đến những con người rất đỗi bình thường. Theo tôi, phải nói thêm đó là sự tìm tòi, là cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước ở thời điểm ấy, thời hoa lửa.

Khi cuộc kháng chiến nói chung và phong trào đấu tranh ở đô thị nói riêng đang vào hồi cao trào với những phong trào “hát cho dân tôi nghe”, những lời hiệu triệu “dậy mà đi”... thì Nguyễn Khoa Điềm trong Mặt đường khát vọng không nặng nề màu sắc tuyên truyền, cũng không ồn ào, không rực cháy lửa tranh đấu, không “hừng hực lửa căm hờn” mà ngôn từ êm dịu kiểu như “biển ồn ào mà em lại dịu êm” của Trần Đăng Khoa. Nguyễn Khoa Điềm đã “khơi sáng thêm ngọn đuốc thiêng từ bao đời” bằng cách của mình. Ông kể: Bản thảo đầu tiên chương kết có tựa đề Mùa thu tựu trường, viết theo thể thơ ngũ ngôn, giai điệu êm dịu, hình ảnh đẹp, nói về những người bạn trẻ sau khi đấu tranh giành thắng lợi trở lại mái trường. Nhưng nhiều người góp ý rằng phần này “thiếu lửa”, phải mạnh mẽ lên, nên ông đã thay bằng chương khác.

Nguyễn Khoa Điềm đã rất thành công với giọng thơ vừa chính luận vừa trữ tình khi chia sẻ những tâm tư của mình với thế hệ trẻ ở đô thị miền Nam, với một thế hệ học sinh sinh viên không thể ngồi yên trên giảng đường, như chính bản thân ông tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội nhưng chưa một ngày bước lên bục giảng mà đã vượt Trường Sơn trở về miền Nam quê hương. Vì thế Mặt đường khát vọng mãi mãi là trường ca đi cùng năm tháng, độc giả từ hai phía đều dễ nghe, dễ thấm, dễ cảm, dễ đồng tình với lời kêu gọi của tác giả về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở là trách nhiệm công dân, là thông điệp của mọi thời đại.

 

Theo Thanh Tùng (Tiền Phong)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng