Nằm khuất lấp bên thành phố náo nhiệt, “làng chài” sông Như Ý (phường Vỹ Dạ, TP Huế) hàng ngày lặng lẽ gõ chằm khua mái đánh cá.
Ở đây, có hàng chục hộ gia đình, vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông dù ở ngay phố thị…
Nước sông gạo chợ
Từ cầu Vỹ Dạ, làng chài nhô ra bên mép sông với cơ man nào là lồng cá, ghe thuyền, công trình tạm…Từ mép chân cầu, đi non chừng cây số là tới “phố chài” ở tổ 14, khu vực 5, phường Vỹ Dạ. Nhà cửa ở đây san sát, chỉ để lại con hẻm nhỏ lọt chiếc xe máy với người đi. Làm nghề lâu ở phố chài Vỹ Dạ có lẽ không ai qua ông Nguyễn Văn Be (63 tuổi). Lấy thuyền ra giữa sông, chèo về một đoạn nhắm hướng Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) mà buông lưới, ông ngồi kể: “Xưa làng chài ni chưa có mô, nó được “khai sinh” từ trận bão năm 1985. Có lẽ đời sông nước của tui đây là trận bão to nhất. Cả nhà tui 9 người trên chiếc thuyền 10m2, sau một đêm bão quật tan nát. Sau đó được tái định cư lên bờ, cũng như nhiều gia đình khác, tui vẫn theo nghề cũ.”
Trong ký ức của ông, những trận bão chỉ chấm dứt sau khi cả gia đình bước chân lên bờ. Nhưng cái nghiệp sông nước thì còn đeo đẳng mãi, dù không giàu có gì nhưng cũng mưu sinh đều đặn giữa lòng phố thị. Công việc hàng ngày của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 13-14 giờ chiều, chèo thuyền tay từ sông Như Ý về các con hói, rạch ở Thủy Thanh, Thủy Tân, buông lưới, gõ mái chèo rồi đợi gỡ cá. Mỗi buổi đánh cá như thế ông cũng kiếm được một hai trăm nghìn đồng bởi đánh bắt trên sông, toàn những loại cá như rô phi, chẽm, diếc…có giá trị kinh tế thấp.
Ở làng chài Vỹ Dạ, làm nghề thì nhiều nhưng thường xuyên đánh lưới đêm như ông Be có lẽ hiếm. Cũng nhờ những cuốc lưới đêm cần mẫn mà ông Be nuôi được cả bầy con khôn lớn. Lưới đêm thường bắt đầu chạng vạng tối đến 11-12 giờ đêm hoặc tinh mơ 3-4 giờ sáng đến sáng hẳn.
Câu chuyện về ký ức trận bão chưa dứt, trời đã chạng vạng tối. “Tui chở chú đi một chuyến lưới đêm cho biết. Chứ tiết trời thuận như ri, e ít cá lắm.”- ông Be nói khi tôi ngỏ ý xin đi một chuyến. Trên vai vác xấp lưới cùng mái chèo, lỉnh kỉnh đi từ nhà ra. Tôi cùng ông với chiếc thuyền nhỏ bắt đầu rẽ sóng. Đưa thuyền về hạ nguồn sông Như Ý chừng non tiếng, ông Be bắt đầu buông lưới. Hôm nay ông thả chừng 5-6 giã lưới (một giã như thế có 8 tay lưới). Thuyền về tới đây, cái thanh âm của phố xá đã xa dần, rồi tắt ngúm. Chỉ còn lại tiếng chao nhẹ của sóng bên mạn thuyền, tiếng long bong từ mái chèo gõ nhịp của ngư phủ Nguyễn Văn Be. Ngồi châm điếu thuốc, ông kể một chút về nghề: “Lưới đêm tui thường đi mùa nước nguồn về tê. Nước nguồn về thì vô số cá, một đêm trúng năm bảy trăm. Mùa ni nước thuận thì ít cá lắm. Hồi xưa cá nhiều vô kể, buông lưới là có. Giờ họ rà điện, thủy điện ngăn dòng, sông kiệt nước thì con cá cũng bỏ dần nơi sinh sôi.”
50 năm gắn mình với sông Như Ý, ông là người hiểu rõ dòng sông hơn cả. Đập Đá ngăn dòng nhiều năm nay, làm sông Như Ý đang chết dần. Có hôm, cả làng chài ra vớt cá vì sau trộ mưa, dòng sông vốn ô nhiễm, “trở nước” cá chết hàng loạt. Trong tết, ngồi xem tivi, nghe đài nói sẽ xây cầu Đập Đá, dòng Như Ý được “cởi trói” ông mừng đến phát khóc. Sông Như Ý đã nuôi cuộc đời ông, nuôi gia đình ông với cả bầy con khôn lớn. Xong điếu thuốc, ông cho thuyền men theo bìa lưới, gõ mái chèo xua đuổi cá.
“Tổ 14 có 141 hộ dân (có 6 hộ nghèo), trong đó khoảng hơn 20 hộ vẫn theo nghề chài lưới. Bà con ở khu vực này ngoài làm chài lưới còn nhiều nghề phụ khác nhau nên cuộc sống một bộ phận vẫn còn khó khăn. Trong những năm qua, địa phương đã quan tâm tuyên truyền vận động, hỗ trợ những hộ khó khăn để học sinh không bỏ học; hội nông dân cũng mở các lớp tập huấn đào tạo nghề nuôi cá lồng, nuôi ếch cho bà con.”- ông Nguyễn Hoài Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, TP. Huế. |
Công việc cứ diễn ra đều đều suốt đêm như thế. Mẻ cá đầu tiên của cuốc lưới đêm hôm đó, ông kiếm được chỉ dăm bảy con thôi. Nhưng không sao, vẫn còn nhiều tay lưới nữa đang đợi. Sáng mai ra, vợ ông sẽ đem mớ cá bán di động các chợ trên thành phố Huế. Bà Võ Thị Hạnh (62 tuổi), vợ ông Be bộc bạch: “Nghề ni đúng là nước sông gạo chợ chú à. Nghỉ ngày nào thì phải vay nợ hay mua chịu gạo ngày đó. Cũng may là ở thành phố, mình vẫn còn dòng sông để mưu sinh, có việc đều đặn làm hàng ngày là hạnh phúc rồi.”
Long bong con chữ
Ở làng chài Vỹ Dạ có hàng chục hộ gia đình theo nghề chài lưới. Cuộc mưu sinh vất vả, con chữ của lũ trẻ nhiều lúc cũng “long bong” như cuộc đời bố mẹ chúng! Những đứa con của ông Be, đứa học nhiều nhất cũng chỉ tới lớp 9, những đứa còn lại thì lớp 5 lớp 6 đã phải theo bố mẹ phụ nghề sông nước. “Giờ chúng lớn, dựng vợ gả chồng, ở quanh xóm của làng chài ni cả. Hồi đó cơ cực quá, nước sông gạo chợ đắp đổi qua ngày, lấy tiền đâu cho con học đến nơi đến chốn.”- bà Võ Thị Hạnh, trải lòng.
Con trai đầu ông Be là anh Nguyễn Văn Cường (35 tuổi) vẫn theo nghề chài lưới của bố. Anh Cường có 4 người con, 3 đứa đang học tại Trường THCS Phạm Văn Đồng. Dù học rất khá nhưng như lời anh Cường nói, sang năm cho bé đầu là em Nguyễn Thị Hậu (lớp 8), nghỉ học để “dành phần” học phí cho mấy em. Nghe chuyện cho con nghỉ học, chị Nguyễn Thị Đức, vợ anh Cường buồn tủi: “Nhiều lúc nghỉ đời mình ít học, giờ gắng cho con đến trường, nhưng lại không được. Cứ nghĩ đến đó như mình là người có lỗi rứa!”
Ở phố chài này, có một nghịch lý là làm nghề lưới thì ít mà rà điện trên sông thì nhiều. Những hộ gia đình làm rà điện đánh bắt nhiều hơn, kinh tế cũng khá hơn nhưng đường chữ nghĩa của con cái thì không lấy gì làm sáng sủa. Mỗi đêm đi rà dọc dòng sông Như Ý cũng kiếm được 7-10kg cá các loại. Những đứa trẻ có điều kiện hơn nhưng cũng không học hành đến nơi đến chốn.
Theo infonet.vn