Nhịp điệu cuộc sống
Tranh gương “Thiên Mụ chung thanh ” - Tác phẩm quý về thắng cảnh thứ 14 của xứ Huế xưa
14:05 | 10/06/2015

1. Tranh gương “Thiên Mụ chung thanh” Trong nhiều loại hình cổ vật còn lưu giữ và trưng bày ở một số cung điện, lăng tẩm thời Nguyễn hiện nay, tranh gương là một loại cổ vật đặc sắc. Tranh gương phản ánh được phần nào diện mạo của mỹ thuật triều Nguyễn ở Huế ngày xưa cũng như nhận thức thẩm mỹ của một thời đại.

Tranh gương “Thiên Mụ chung thanh ” - Tác phẩm quý về thắng cảnh thứ 14 của xứ Huế xưa

Một số ngôi điện như điện Long An (không gian trưng bày của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế); điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị); điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh) v.v. đều được trang trí bằng những bức tranh gương này.

Điều đáng lưu ý là bức tranh này mang dáng dấp của phong cách họa pháp Trung Hoa khá rõ. Điều này cũng được nhắc đến trong một số sử liệu của nhà Nguyễn. Vào năm 1844, sau khi vua Thiệu Trị biên soạn xong bộ thơ “Ngự Đề Đồ Hội Thi Tập”, Nội Các triều Nguyễn đã cử người của Bộ Công vẽ tranh mộc bản minh họa cho những bài thơ trong tập thơ này. Về sau, triều đình lại cho người sang đặt họa sĩ ở Trung Quốc vẽ lại theo những mẫu tranh mộc bản ấy. Theo nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm thì nguyên là vua Thiệu Trị (1841-1847) có tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh, vịnh 20 cảnh đẹp của đất Huế, đã gửi các bài thơ này qua Trung Quốc đặt vẽ. Mỗi bài thơ này được thể hiện thành một bức tranh gương, sau đó mới mang trở về kinh đô Huế, treo tại các miếu điện.

Đây thật sự là dòng tranh gương cung đình Huế có nhiều giá trị nghệ thuật. Theo thống kê, hiện tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 19 bức, trong đó có 6 bức treo tại điện Long An. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng có đến 9 bức chỉ còn khung tranh, 4 bức tranh còn lại đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Cũng nói thêm là cách đây ít lâu 8 bức tranh ít bị hư hỏng hơn đã được đưa ra treo tại điện chính cung Diên Thọ sau khi được tu bổ. Tại lăng Tự Đức hiện có 24 bức, treo tại điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm.

Đặc biệt, hiện nay, ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ 01 bức tranh gương về một ngôi quốc tự nổi tiếng của Huế là chùa Thiên Mụ. Tuy bức tranh này không thực sự hoàn toàn nguyên vẹn nhưng cũng là một hiện vật hoàn chỉnh.

Bản thân chiếc khung tranh đã là một tác phẩm điêu khắc, được chạm bằng gỗ tinh xảo với những đường nét uốn lượn của mây, rồng theo motif long ẩn vân cùng nhóm hoa văn quy giáp, chữ vạn hồi văn.

Về kỹ thuật, loại tranh gương này vẽ ngược từ mặt sau của tấm kính như một lối âm bản mà khi nhìn từ trước sẽ có một mặt thuận - mặt dương bản (kể cả phần tranh vẽ và chữ viết). Do chưa có điiều kiện phân tích hóa lý, nên về chất liệu dùng để vẽ được chúng tôi xác định là sơn hoặc bột màu pha keo.

Tranh gồm 02 phần, phần tranh và phần thơ.

- Phần tranh vẽ phối cảnh tổng thể các công trình ở chùa Thiên Mụ nhìn từ trên cao xuống với dãy Trường Sơn chạy dài phía sau, sông Hương uốn lượn trước mặt. Phía dưới, đối diện bên sông là vùng Thọ Cương, trên có vẽ lăng Thọ Cương và viết ba chữ Hán 壽 崗 陵 (Thọ Cương lăng). Đây là điểm nhầm lẫn thứ nhất trong bức tranh, đáng lý phải viết như vậy nhưng trong tranh viết là 崗壽 陵 (Cương Thọ lăng).

Bìa phải phía trên lòng tranh đề các chữ Hán 天 姥 鐘 聲 第十 二 景 (Thiên Mụ  chung thanh, đệ thập nhị cảnh: Tiếng chuông Thiên Mụ, thắng cảnh thứ 12). Đây là điểm nhầm lẫn thứ hai trong bức tranh. Theo “Thần Kinh nhị thập cảnh” (Hai mươi thắng cảnh của đất Thần Kinh) trong “Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập” của vua Thiệu Trị, Thiên Mụ chung thanh được xếp là thắng cảnh thứ 14, không phải là 12.

Quan sát tranh vẽ, điều đáng chú ý là theo bản vẽ của bộ Công triều Nguyễn năm 1845 cũng như thực tế, tháp Phước Duyên được phân bố ngay từ trước chùa nhưng trong tranh gương lại bị chuyển miêu tả về sau cùng. Điều này cho thấy, có lẽ các họa sĩ Trung Hoa khi nhận vẽ bức tranh đã không hiểu chức năng của tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ và nhầm tưởng đây là bảo tháp đặt xá lợi nên chuyển về vị trí sau chùa theo điển lệ thông thường (?). Đây cũng là điều nhầm lẫn thứ ba trong bức tranh(1).

- Phần thơ được viết nhũ vàng chữ Hán trên nền xanh theo lối chữ chân. Nguyên văn như sau:

 


Phiên âm:

THIÊN MỤ CHUNG THANH. Thiên Mụ Tự: Đình độc từ tinh, sơn xuyên linh sảng. Long bàn hồi thủ dao củng Kinh thành, Hổ khiếu cao tôn phủ lâm Hương phái. Xiển phát Liên Hoa chi pháp giới, Diệu hàm Bối Diệp chi chân thuyên. Thiên quyến Thánh nhi triệu cơ, thử địa giáng tường Thần nữ, Thánh thừa thiên nhi tích phúc, tư sơn doanh kiến Phạm Cung. Cố hữu thị danh, vĩnh lưu thắng tích. Trung minh Thánh niệm, viên mãn thiện duyên. Đổ bi văn nhi kim bích tăng huy, Thính chung hưởng nhi bửu châu giác ngộ.
Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên,
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên.
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết.
Tam thiên thế giới tĩnh tam duyên.
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm,
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền.
Phật tích Thánh công thùy hải vũ,
Thiện nhân phúc quả phổ cai diên.

Nghĩa là:

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ. Chùa Thiên Mụ: Kết ngưng tinh khí; Sông núi anh linh. Hùng tráng quay về chốn Kinh Thành; Mạnh mẽ cúi nhìn nơi Hương Thủy. Mở mang Liên Hoa đạo pháp; Un đúc Bối Diệp chân thuyên. Trời đoái nghĩ đến Thánh khiến Thần Nữ(2) giáng xuống cho mở mang cơ nghiệp; Thánh nhận mệnh ở trời cho Phạm Cung(3) dựng lên để nhận lãnh phúc duyên. Nên đặt tên chùa, truyền đời thắng tích; Lại bày ý Thánh, trọn vẹn thiện duyên. Đọc văn bia thâm sáng soi đạo pháp; Nghe chuông chùa để giác ngộ non sông (4).
Gò cao chùa cổ trấn dòng trong,
Như ánh trăng rằm rạng cõi không.
Trăm tám tiếng kình tiêu oán kết,
Ba nghìn cõi tục lắng tơ lòng.
Trưa vang văng vẳng u minh cảm,
Sáng vọng ngân nga đạo vị nồng.
Dấu Phật công thần vang bốn bể,
Nhân lành quả phúc khắp non sông
                 (Bản dịch thơ của Vĩnh Cao)

2. Nói thêm về 20 thắng cảnh của Huế xưa

Thần kinh nhị thập cảnh (神京二十景) là tên chùm thơ của hoàng đế Thiệu Trị (1841 - 1847) viết nhằm xếp hạng và vịnh thơ 20 thắng cảnh của đất Huế. Chùm thơ gồm các bài thơ ca ngợi 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh (Huế) gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh nhân tạo hoặc là sự kết hợp giữa nhân tạo với tự nhiên. Tất cả được sắp xếp theo thứ tự sau:

1.  Trùng Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm thành Huế)
2.  Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm thành Huế)
3.  Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong Kinh thành Huế)
4.  Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang trong Kinh thành Huế)
5.  Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự trong Tử Cấm thành Huế)
6.  Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim thủy trong Hoàng thành Huế)
7.  Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh trong Hoàng thành Huế)
8.  Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu trong Kinh thành Huế)
9.  Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân)
10. Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An)
11. Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương)
12. Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình)
13. Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu trong Kinh thành Huế)
14. Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ)
15. Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương)
16. Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung)
17. Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Giác Hoàng trong Kinh thành Huế)
18. Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Giám)
19. Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm huyện Hương Thủy)
20. Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng huyện Hương Trà)

Từ năm 1844 - 1845, Hoàng đế Thiệu Trị lệnh cho Nội Các “cố định hóa” chùm thơ của ông bằng các cách: In ấn thành sách có tranh minh họa (nằm trong bộ Ngự đề Đồ Hội Thi Tập); vẽ tranh gương treo tại các cung điện, vẽ trên một số đồ sứ kí kiểu từ Trung Hoa; khắc chùm thơ Thần kinh nhị thập cảnh vào các bia đá cao 84,8cm, rộng 50,8cm, dày 17cm với đế bia dài 72cm, rộng 48cm, dày 25,4cm, và vào các bảng đồng dài 46,6 cm cao 60 cm dày 21 cm một mặt khắc thơ và mặt kia khắc tiêu đề bài thơ và dựng tại các thắng cảnh.

Hiện tại trong số các xuất phẩm trên, chỉ có 20 bức tranh vẽ trong tập Ngự đề Đồ Hội Thi Tập là còn tương đối nguyên vẹn. Các bảng đồng đã hoàn toàn biến mất, các bia đá thì tìm thấy 7/12 bia (là các bia Vân Sơn Thắng Tích, Bình Lãnh Đăng Cao, Hương Giang Hiểu Phiếm, Thiên Mụ Chung Thanh, Trạch Nguyên Tao Lộc, Huỳnh Tự Thư Thanh, Đông Lâm Dực Điểu ). Tranh gương còn giữ được 5 bức: Trùng Minh Viễn Chiếu, Vĩnh Thiệu Phương Văn, Thiên Mụ Chung Thanh, Bức Thường Mậu Quan Canh, Cao Các Sinh Lương. Các đồ sứ kí kiểu Trung Hoa hiện chỉ biết còn 1 chiếc dĩa sứ vẽ cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân.
Đây là chùm thơ nổi tiếng của Hoàng đế Thiệu Trị, mô tả và vịnh về 20 thắng cảnh nổi tiếng của Huế xưa, là những tư liệu lịch sử quý giá và các giá trị văn hóa lớn khi tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cũng như lịch sử của Huế xưa vào thời Nguyễn.

*

Nhìn chung, cùng với những bức tranh gương vẽ và đề thơ về 20 thắng cảnh Huế xưa dưới thời Thiệu Trị như Vĩnh Thiệu Phương Văn, Cao Các Sinh Lương, Trùng Minh Viễn Chiếu, Thường Mậu Quan Canh, bức Thiên Mụ chung thanh đã tạo nên một sưu tập tranh gương Thần Kinh nhị thập cảnh khá hoàn chỉnh trong các sưu tập về mỹ thuật cung đình.

 

N.P.H.T

.................................................................................

(1) Việc nhầm lẫn trong ghi tên địa danh, hoặc sai sót một số chi tiết trên một số món đồ “ký kiểu” (hay đặt hàng) ở Trung Hoa của người Việt Nam cũng là điều từng thấy trước đây. Ví như, trường hợp chiếc đĩa mai-hạc thuộc sưu tập của ông Đoàn Phước Thuận (ở Tuy Hòa, Phú Yên) là một điển hình.
(2) Thần Nữ: Chỉ bà lão ở trên trời hiện xuống tại vùng đồi Hà Khê theo truyền thuyết. Chúa Nguyễn Hoàng nghe kể có một bà lão hiện xuống bảo với dân chúng rằng: rồi đây sẽ có vị chân chúa đến nơi này để lập chùa cho tụ long khí và bền vững long mạch. Về sau chúa Nguyễn Hoàng cho lập chùa ở trên đồi Hà Khê này.
(3) Phạm Cung: Phạm có nghĩa là thanh tịnh, tinh khiết. Đó chính là tôn chỉ của Phật giáo, nên những gì liên quan đến Phật giáo đều gọi là Phạm. Vậy nên, Phạm Cung là ý nói đến chùa của Phật giáo.
(4) Theo Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Phạm Đức Thành Dũng, Nguyễn Phước Hải Trung, Thần Kinh nhị thập cảnh - thơ vua Thiệu Trị, nxb. Thuận Hóa, Huế 1997.

 


Hải Trung (vannghehue.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng