Nhịp điệu cuộc sống
Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ
09:38 | 22/06/2015

Ngôi nhà số 193, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Phú Hòa, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) từng là trụ sở của tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Tuy nhiên, những gì còn lại giờ chỉ là ẩm thấp, hoang phế

Báo Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên ở miền Trung, hoạt động từ năm 1927 - 1943 do nhà báo - chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập và làm chủ bút. Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12/2/1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần 2 kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ năm 1936 - 1939, báo ra 3 kỳ một tuần. Dù chỉ có 4 trang nhưng khổ báo lớn nên nội dung bài vở khá phong phú. Với 6 năm tồn tại, tờ báođã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung Kỳ và góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Trụ sở của tờ báo được đặt ở Huế. Mặt chính trụ sở của tòa soạn nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, còn mặt sau là số 228, đường Phan Đăng Lưu.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 1

Mặt sau của tòa soạn báo Tiếng Dân ở số 228 đường Phan Đăng Lưu, TP Huế

Trong không khí cả nước đang kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi tìm về nơi này như muốn hoài niệm về quá khứ hào hùng sôi động của báo chí cách mạng trước đây, đồng thời muốn thắp nén hương tri ân những thế hệ người cách mạng làm báo đi trước. Tuy nhiên, những vết tích còn lại khiến một người theo nghiệp báo như tôi thật sự cảm thấy đượm buồn.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 2

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 3

Mặt trước ngôi nhà rêu phong ẩm mốc, hoen ố

Ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo Tiếng Dân nay nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng của con phố khang trang Huỳnh Thúc Kháng. Mặt trước, tường nhà cũ kỹ, hoen ố với rêu phong ẩm mốc. Đi sâu vào bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp và đổ nát.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 4

Nhiều hạng mục của ngôi nhà đã đổ nát và hoang phế

Được biết, từ sau ngày giải phóng, nơi đây trở thành khu chung cư của cán bộ nhân viên Đại học Y. Trải qua nhiều thế hệ, nhiều con người đã sinh sống tại đây. Hiện tại, ngôi nhà được chia làm nhiều phòng nhỏ và là nơi cư ngụ của 5 hộ gia đình.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu, nguyên là cán bộ trường Đại học Y Dược Huế, một người gắn bó lâu năm với ngôi nhà cho biết: "Năm 1982, tôi được nhà trường bố trí ở đây. Đến nay, các con cái của tôi đã ra cửa nhà. Giờ tôi sống một mình, thỉnh thoảng có 2 đứa cháu nội về ở cùng”.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 5

Trần nhà với những mảng vôi vữa đã bắt đầu bong tróc, trơ thép bên trong

Bước vào căn phòng của bà Diệu, mùi ẩm mốc xốc lên mũi, trên trần nhà những mảng vôi vữa đã bắt đầu bong tróc, trơ thép bên trong. Những căn phòng của 4 hộ còn lại cũng chẳng khá hơn. Phía trên tầng gác 2, mái của ngôi nhà đã dột nát. Người dân chỉ sửa sang, chắp vá những mảnh tôn, tấm cót tạm bợ. Cám cảnh nhất vẫn là khu nhà tắm và nhà vệ sinh chung. Chúng không hề có mái che và chỉ được che đậy bằng tấm cửa gỗ cũ kỹ.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 6

Cầu thang đi lên tầng 2, nơi làm việc của nhân viên tòa soạn trước đây

"Sống ở đây khổ lắm. Vì không có điều kiện làm nhà riêng tôi mới ở đây mãi giờ. Mặt trước có gia đình đã rời đi do nhà dột quá, không là trước đây có 6 hộ. Giờ sửa và nâng cấp lại thì nhà nước không cho, bởi đang nằm trong khu vực di tích chờ công nhận. Giờ đi không được, ở cũng không xong. Tôi bị bệnh thấp khớp mà phải sống trong môi trường như thế này nữa thì quá khổ", bà Trần Thị Diệu chia sẻ.

   Hoang phế trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - Ảnh 7

Mái ngôi nhà được người dân sửa sang, chắp vá những mảnh tôn, tấm cót tạm bợ

Đưa câu chuyện này trao đổi với một nhà báo lão thành ở Huế, nhà báo này tâm tư: "Nơi này mà được đầu tư sửa sang, trùng tu lại thành nhà lưu niệm, một phòng truyền thống của báo chí cách mạng miền Trung qua các thời kỳ thì quá hay. Hằng năm, vào những dịp như thế này, đây sẽ là địa điểm để khách du lịch, đặc biệt là những người làm báo không chỉ ở miền Trung, mà cả nước lại tìm về gặp gỡ, tham quan, thắp hương tri ân những người làm báo cách mạng đi trước".

Được biết, vào cuối năm 2012, Sở VH - TT&DL tỉnh Quảng Nam đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế để bàn về việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia cho căn nhà này. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm nhưng vẫn chưa thấy kết quả. Tại sao lại có sự chậm trễ này, trong khi căn nhà đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

PV báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Theo nguoiduatin.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng