Phá Tam Giang (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) rộng khoảng 52km2, trải dài khoảng 24 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương.
Mới đầu mùa hè thời tiết đã khắc nghiệt, nắng nóng, oi nồng khiến một ngày lao động của ngư dân bắt đầu sớm hơn... Giữa buổi sáng, những thùng xốp kéo theo sau của nhiều người dân thôn An Gia, thị trấn Quảng Điền nằng nặng bởi cá, ngao sò.
Vật lộn mưu sinh
Bao năm qua, hai chị em bà Lương Thị Thông và Lương Thị Bê, thôn An Gia, thị trấn Quảng Điền, cứ sáng sớm lại đi bộ gần 2km ra đoạn gần bến đò Cồn Tộc dầm mình trong con nước phá Tam Giang mò bắt từng con cá, con trìa. Cả hai chị em đã ngoài 70 tuổi nhưng chỉ có những ngày mưa gió, bão bùng họ mới ở nhà. Ngày hè nắng cháy da, mùa đông lạnh tê tái cũng không ngăn được họ mưu sinh. Để bắt được một con ngao nằm ở đáy nước không phải chuyện đơn giản. Họ phải dầm mình trong nước đến ngập vai. Thậm chí, những chỗ nước sâu, họ lại phải lặn cả người xuống.
Em Nguyễn Thị Đông, thôn An Gia cho biết: “Sáng đi sớm, trưa về ăn cơm xong lại đi đến chập tối. Nếu gặp may trúng bãi trìa, em bắt được hơn 15kg. Nhà em gần biển có thể về ăn cơm. Nhiều người mang cơm đi. Bữa trưa ăn và nghỉ ngơi dưới bóng cây”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái may mắn mà em Đông nói khi bắt được bãi trìa trị giá chưa đến 50.000 đồng.
Trọn một buổi sáng đánh bắt, mẹ con chị Nụ vốn là dân vạn đò ở Vỹ Dạ về tái định cư ở Phú Vang từ mấy năm trước, mới được khoảng năm cân ngao sò. Dù đã lên đất liền, nhưng vì cuộc mưu sinh, vợ chồng chị vẫn phải chọn con thuyền làm nhà, lênh đênh trên phá Tam Giang ngày này qua tháng nọ. Trước đây, con gái của chị buổi đi học, buổi đi cùng mẹ kiếm ăn. Nay con chị tốt nghiệp cấp II, dừng học hẳn đi mò ngao. Chị Nụ cho hay, công việc của chồng chị hàng ngày là chèo đò, còn mẹ con chị ngụp lặn bắt cá. Dầm mình cả ngày trời nhưng hôm may mắn nhất thì số cá, tôm bắt được cũng chỉ bán được khoảng 100.000 đồng/ngày, còn lại chỉ là được 70.000 – 80.000 đồng/ngày. Số tiền thu được từ nghề ít ỏi, lại có tới 8 đứa con nên mấy chục năm nay vợ chồng chị Nụ khá cơ cực.
Nhiều người không có ý định lên bờ
Từ đầm phá rộng lớn kia có biết bao nhiêu con lạch ngoằn nghoèo len lỏi qua những xóm làng. Có nhiều làng chài quyết tâm “lên bờ”.
Làng chài thôn Thanh Mỹ, xã Phú Diên, huyện Phú Vang bao đời nay sống nhờ con nước len lỏi của lạch biển. Mấy năm, làng chài Thanh Mỹ quyết lên bờ để không còn phải chìm nổi theo con nước. Khổ nỗi, 77 hộ dân với hơn 400 con người đã phải định cư gần nghĩa trang xã Phú Diên.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vì sao dân vạn chài phải sống gần nghĩa trang? Phó Chủ tịch xã Phú Diên Lê Đức Thông cho biết: “Xã hết quỹ đất, không thể để họ sống trong rừng phòng hộ”.
Trưởng thôn vạn chài Thanh Mỹ, ông Trần Hội cho biết: “Nghĩa trang có trước, dân đến ở sau. Ở lâu rồi thành quen”. Ông Trần Hội cũng là dân vạn chài, sau khi khu tái định cư được thành lập, ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không có ý định lên bờ. Hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân và thương lái đã kết lại thành chợ nổi. Chợ họp trên vũng đầm làng Ngư Mỹ Thạnh, vùng rìa phá Tam Giang. Làng nổi Ngư Mỹ Thạnh tồn tại cũng đến tuổi trăm. Trước đây, tổ tiên họ sống lênh đênh trên đầm phá Tam Giang. Sau đó, thấy vùng rìa phá Tam Giang thuộc xã Quảng Lợi giàu tôm cá, thủy sản nên đã tập trung về đây, tạo thành một xóm chài, gọi là Ngư Mỹ Thạnh.
Bà Phan Thị Nại, 62 tuổi, người làng cho biết: “Đẻ ra, tui đã thấy bố mẹ sống ở đây rồi”. Làng Ngư Mỹ Thạnh có gần 200 hộ, sống chủ yếu nhờ đánh bắt thủy sản trên đầm phá. Nhiều hộ có nhà trên bờ, nhưng sinh hoạt chính của họ vẫn ở những chiếc đò cũ kỹ. Hằng đêm họ ra phá đánh bắt tôm, cá đến tờ mờ sáng tập trung đến điểm họp chợ để bán. Trong khi người lớn lặn lội mưu sinh trên miền sông nước, trong thuyền những đứa trẻ vẫn ngủ ngon, mặc cho tiếng sóng, tiếng người.
Ở vùng đầm phá này, không biết từ bao giờ lưu truyền câu ca: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Xưa kia phá Tam Giang là vùng đất rộng ngập sâu trong nước, đầy sình lầy, sóng gió bất trắc, thuyền bè đi lại dễ gặp nạn. Ngày nay, nhiều dịch vụ du lịch, ẩm thực mọc lên vẻ phồn hoa bên phá Tam Giang, tuy nhiên, ở đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này vẫn còn nhiều mảnh đời phải nhọc nhằn kiếm sống.
Dân vạn chài ở đây thường đông con, nhiều gia đình 7- 8 con. Chúng tôi vào nhà của vợ chồng anh Thương chị Liễu, đôi vợ chồng này có tới 8 đứa con. Bố mẹ đi vắng, Kiến (tên đứa lớn nhất đang ở nhà) phải trông một đàn em. Năm nay Kiến đã 12 tuổi, hỏi em vì sao mẹ đẻ dày thế. Kiến thật thà: “Mẹ sinh đến em thứ 8 mới ra con trai”. Thật buồn trước tâm sự của một đứa trẻ.
Theo Hà Phương/Báo Gia đình & Xã hội