Nếu không có biên pháp bảo tồn kịp thời, di sản hội họa của họa sĩ Tôn Thất Đào sẽ biến mất trong một thời gian không bao lâu nữa.
Họa sỹ tiền bối
Hoạ sỹ Tôn Thất Đào (1910-1979) là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa thứ 6 thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, còn gọi là Chúa Quốc, được truy tôn là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế). Ông cũng là cháu nội của đại thần Tôn Thất Loan – binh bộ thượng thư kiêm hữu tôn khanh tôn nhơn phủ triều Nguyễn.
Sinh thời, đại thần Tôn Thất Loan có phủ đệ ở vùng Phú Hiệp – Phú Cát ở bên ngoài kinh thành Huế. Nơi này sau và hiện giờ là từ đường dòng họ Tôn Thất và tư gia của cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào. Hiện, cơ ngơi này có địa chỉ tại số 53 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Phú Cát, TP Huế.
Hoạ sỹ Tôn Thất Đào tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ các hoạ sỹ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, nay là Đại học Nghệ thuật Huế. Ông đã có nhiều công lao với sự nghiệp đào tạo hoạ sỹ nơi đây, và được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển mỹ thuật ở xứ Huế - miền Trung và nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Hoạ sỹ Tôn Thất Đào sáng tác trên nhiều chất liệu: Sơn dầu, bột màu, chì màu, thuốc nước trên giấy dó - lụa... và được coi là bậc thầy về chất liệu lụa. Các sáng tác của ông thấm đượm tinh thần dân tộc và màu sắc phương Đông, đặc biệt là nhiều tác phẩm vẽ về xứ Huế; có giá trị cao về cả lịch sử và nghệ thuật. Nhưng rất đáng tiếc, di sản hội hoạ này của ông đang mai một. Nhiều chuyên gia trong nghề đánh giá, nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời, di sản hội hoạ của hoạ sỹ Tôn Thất Đào sẽ biến mất trong một thời gian không lâu nữa.
Tác phẩm hội hoạ mất mát, thất lạc, hư hỏng
Ghé thăm Tôn Thất từ đường, cảm giác của người thăm là không khỏi ái ngại với những tác phẩm của cố hoạ sỹ. Hoạ sỹ Tôn Thất Đào có 4 người con, nhưng không có ai kế nghiệp theo nghề hội hoạ và con đường nghệ thuật. Vì vậy, những tác phẩm của ông sau khi ông qua đời ít được gia đình quan tâm đúng mức trong việc giữ gìn, bảo tồn. Nhiều tác phẩm mất mát, thất lạc, số còn lại bị xuống cấp – có những bức xuống cấp ở mức độ trầm trọng.
Theo lời o (cô) Liên Phương, con dâu trưởng của cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào, nhiều tác phẩm bị hư hại, mất mát qua các lần cho mượn triển lãm, lũ lụt. Năm 1997, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình cũng đã bán đi khoảng 10-15 bức. Hiện nay, số tranh còn lại khoảng gần 50 bức, treo lẫn với cả những tranh của học trò ông - trong tổng số hàng trăm bức hoạ sỹ Tôn Thất Đào để lại sau khi qua đời.
Ngoài ngôi nhà rường cổ là từ đường của dòng họ cùng nằm trong khuôn viên, thì trong hai ngôi nhà gia đình đang sinh sống và thờ tự ông bà Tôn Thất Đào; tranh treo lộn xộn ở khắp mọi nơi, từ gian thờ, nơi tiếp khách, xuống tới chỗ ngủ, bếp... trong điều kiện ẩm thấp, chật chội. Các tác phẩm còn lại cũng không được quản lý, kiểm đếm, không có hồ sơ, không có tên tác phẩm. O Liên Phương cũng không nhớ chính xác trong số những tác phẩm đang treo, tác phẩm nào của hoạ sỹ, tác phẩm nào của học trò ông, chỉ “hình như” ước lệ. Chỉ có thể nhận ra qua chữ ký ở các tác phẩm, nhưng không phải tác phẩm nào cũng còn nguyên vẹn để nhận ra chữ ký. Người am hiểu hội hoạ thì có thể nhận ra tác phẩm của họa sỹ Tôn Thất Đào qua đề tài, bút pháp và thần thái tác phẩm.
Hiện tại, o Liên Phương, người con dâu trưởng của ông, cũng là người quán xuyến cơ ngơi này cũng chỉ biết giữ tranh ở trạng thái như vậy; cùng với 2 cuốn album ảnh chứa những tác phẩm được chụp lại (do bạn bè và học trò ông làm giúp). Theo kiểm đếm sơ bộ của phóng viên thì số tác phẩm được chụp lại trong album gia đình có chừng 150 bức, và hầu như không có thông tin liên quan đến tác phẩm (như tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, năm sáng tác). Biện pháp giữ gìn, bảo tồn duy nhất với số tác phẩm hội hoạ quý giá còn lại là mỗi năm mang ra phơi nắng một lần để tránh ẩm mốc; còn lại không có gì khác.
Nỗi xót xa cho một di sản
Như trên đã nói, cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào có 4 người con (3 trai 1 gái), và không có ai theo nghề hội hoạ. Hai người con lưu lạc ở nước ngoài, người con út qua đời đã lâu. Người con cả của ông, chồng o Liên Phương là Tôn Thất Lục - bị tai biến năm 1999 và giờ bại liệt nằm một chỗ. Vợ chồng o Liên Phương có hai người con thì người con đầu (con trai, sinh năm 1985) bị khuyết tật; còn người con thứ hai (con gái, sinh năm 1990) thì làm tại thư viện trường Đại học Nghệ thuật Huế, với sự giúp đỡ của bạn bè và học trò cố hoạ sỹ. Hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.
O Liên Phương, người con dâu trưởng quán xuyến tất cả mọi việc, ở nhà nội trợ, chăm chồng bại liệt và chăm con bị khuyết tật. Nguồn thu chính của gia đình là tiền cho thuê một gian nhà làm lớp học và quán hàng nhỏ bán cho học sinh ngay trong khuôn viên nhà. Gia đình hiện xếp vào diện hộ nghèo của phường Phú Cát.
Với o Liên Phương, người đang nắm giữ và quản lý di sản hội hoạ của cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào, cũng hiểu phần nào giá trị các tác phẩm và vai trò của mình, nhưng lực bất tòng tâm vì hoàn cảnh quá khó khăn. Cách đây mấy năm, quá xót xa cho số tranh, o đã phải vay tiền đi làm khung cho một số tranh còn lại (không phải tất cả). Số tiền chỉ vài ba triệu nhưng là nỗ lực lớn của gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, o Liên Phương cho biết, sẽ giữ số tranh bằng mọi giá, để thờ và tưởng nhớ cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào chứ nhất quyết không bán nữa. Khi được hỏi về vấn đề hợp tác với các cơ quan chức năng để phục chế, bảo tồn; o tỏ vẻ nghi ngại vì đã từng bị mất cắp và mất mát trong những lần tranh bị mượn triển lãm; và nói rằng: nếu có làm thì thực hiện ngay tại chỗ, và sau đó cũng không chuyển đi đâu cả!
Theo Hoạ sỹ Võ Xuân Huy - giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế, có một vài lần vấn đề bảo tồn tranh của cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào được đặt ra ở Trường Đại học Nghệ thuật, Bảo tàng, Hội Văn học - nghệ thuật Huế... nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Cũng chưa có một cá nhân hay tổ chức nào đứng ra đảm nhận trách nhiệm về vấn đề này. Oái oăm và xót xa ở chỗ, hiện tại gia đình có một gia tài lớn về điền thổ, và một gia tài lớn từ di sản hội hoạ (đặt trên cơ sở kinh tế) nhưng lại sống nghèo khổ, túng bấn...
Mọi việc trở nên luẩn quẩn và dường như chưa thấy hướng giải quyết hợp lý, tốt đẹp. Trong khi đó thì di sản hội hoạ của cố hoạ sỹ Tôn Thất Đào cứ hư hại, xuống cấp, mai một dần dần. Và thời gian thì cứ trôi...
Nguồn VOV