Kiến trúc nhà Gươl là một di sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ-tu ở huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) đến nay gần như mai một. Nhiều thôn có đồng bào Cơ-tu chiếm đa số nhưng không còn một nhà Gươl nguyên mẫu nào. Thay vào đó, các thôn đều
Nhà Gươl truyền thống mất dần
Nhà Gươl là một công trình kiến trúc nhà truyền thống tiêu biểu, một loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc người Cơ-tu ở huyện miền núi Nam Đông. Thế nhưng, qua nhiều lần tìm hiểu về nhà Gươl ở các thôn ở Nam Đông, chúng tôi chỉ ghi nhận được ba ngôi nhà Gươl theo kiến trúc truyền thống Cơ-tu. Ngoài nhà Gươl ở thôn A Xăng (xã Thượng Long) còn khá nguyên vẹn. Một ngôi Gươl mang phong cách Cơ-tu còn kiên cố tọa lạc ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ), cũng làm bằng nguồn tài trợ của dự án nước ngoài. Ngôi Gươl ở thôn A Ka (xã Thượng Quảng) chỉ còn trơ khung gỗ, mái lá mục nát, cầu thang gỗ, sàn nứa rơi rụng tả tơi. Gươl làm từ năm 2000, nhưng bằng kinh phí hỗ trợ của một tổ chức nước ngoài.
Một cán bộ nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số tại Huế cho biết, cả huyện miền núi Nam Đông có hơn 45% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng chỉ còn duy nhất một nhà Gươl đúng “chất” Cơ-tu ở thôn A Xăng (xã Thượng Long). Rất nhiều nhà Gươl khác đã lần lượt biến mất. Sự mai một của thiết chế nhà Gươl tất yếu đã kéo theo sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ-tu.
Ông Hồ Văn Bó - Phó chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết, nhà Gươl được ví như những mái đình xưa của người Kinh dưới xuôi vậy, nhưng ở đây nó sắp sập rồi, phải dỡ bỏ đi thôi. Muốn làm lại Gươl mới phải tốn hàng trăm triệu đồng, dân mình lấy đâu ra tiền, gỗ lá giờ cũng hiếm lắm.
Và biến tướng
Nhà Gươl được làm bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, mây, tranh và trang trí nhiều hoa văn, họa tiết… nhưng bây giờ, hầu hết những ngôi nhà Gươl hiện đại đều được thay thế bằng chất liệu mái tôn, cột xi măng đua nhau xuất hiện tại nhiều xóm làng Cơ-tu ở huyện miền núi Nam Đông. Với kết cấu chắp vá, pha tạp, không còn giữ được giá trị văn hóa nguyên gốc, được gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng.
Qua khảo sát ở xã Thượng Quảng, có thôn tồn tại đến hai nhà cộng đồng trong cùng một khuôn viên đất. Một xây trệt, lợp tôn kiên cố theo kiểu hội trường họp dân, bên cạnh là ngôi Gươl bê tông hóa, mái lợp tôn, cầu thang đúc, sàn nổi lát gạch hoa... Nhiều nhà không có cột gỗ lớn chính giữa (drưng măng, được xem là linh hồn của Gươl, tượng trưng cho người đàn ông trụ cột), thay vào đó là trụ xi măng. Có nơi, người ta vẽ cả hình lưỡng long, lưỡng nghi âm dương lên tường bê tông, với một mô típ trang trí, tâm linh xa lạ với người Cơ-tu.
Giải thích về sự biến dạng của nhà Gươl ở huyện miền núi Nam Đông, các nhà nghiên cứu lý giải rằng, nhà cộng đồng Cơ-tu truyền thống có đặc tính sử dụng ngắn hạn, mau xuống cấp do làm bằng tre lá, nên buộc phải sửa chữa, thay thế thường xuyên. Nguồn vật liệu này lại trở nên khan hiếm, xa khu dân cư. Chính sách bảo vệ rừng cũng không cho phép dân khai thác lâm sản tùy tiện, khiến nguồn gỗ tốt dựng nhà Gươl trở nên khó khăn. Trong khi, nhà Gươl “hiện đại” bằng bê tông lại có tuổi thọ cao, không quá phức tạp trong thi công...
Nói về hiện trạng kiến trúc nhà Gươl truyền thống bị biến dạng, bà Lê Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, địa phương có đến 45% dân số đang sinh sống là đồng bào các dân tộc thiểu số, thế nhưng giá trị văn hóa truyền thống nhà Gươl đang dần biến mất. Nguyên nhận một phần do chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, mây, tranh, nứa… ngày càng bị cạn kiệt. Một số dự án hỗ trợ triển khai cũng chỉ theo mô hình nhà Gươl, còn các vật liệu đều bằng xi măng cốt thép để thuận tiện cho việc triển khai thi công. Người dân, chính quyền địa phương rất muốn bảo tồn nhà Gươl nhưng rất khó.
Nguồn Báo xây dựng