Tiếng sông Hương
Thiếu đất sản xuất tại các khu tái định cư lòng hồ - người dân gặp khó khăn
15:57 | 28/03/2014

Cách đây 10 năm, Công trình đầu hồ Tả Trạch được xây dựng tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Thiếu đất sản xuất tại các khu tái định cư lòng hồ - người dân gặp khó khăn


Công trình đã ảnh hưởng đến 5 xã và 1 thị trấn của 3 huyện, thị xã bao gồm: xã Hương Phú, Hương Hòa, Hương Sơn, thị trấn Khe Tre của huyện Nam Đông; xã Xuân Lộc của huyện Phú Lộc và xã Dương Hòa của thị xã Hương Thủy. Số hộ dân bị ảnh hưởng phải di chuyển là 855 hộ/4.309 nhân khẩu. Tổng diện tích bị ảnh hưởng là 3.548,78ha, bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất ở nông thôn, đất vườn và đất chưa sử dụng.

Sau mười năm, chúng tôi trở lại khu tái định cư lòng hồ Tả Trạch tại xã Bình Thành, thị xã Hương Trà…hàng chục hộ dân đang ca thán vì chuyện thiếu đất sản xuất,. Ngày trước mỗi hộ 5 đến 10 ha đất rừng, chưa kể đất vườn, thì nay mỗi hộ chỉ có giỏi lắm là 1 ha đất sản xuất trong điều kiện đất xấu, năng suất cây trồng thấp nên đa phần người lao động đều chọn phương án làm thu bóc vỏ cây tràm, bốc xếp hàng hóa và đi trồng rừng thuê. Từ người chủ động trong sản xuất họ đang trở thành người làm thuê với thu nhập bếp bênh. Cụ ông Nguyễn Đình Phòng, 80 tuổi là người đầu tiên bước chân lên vùng đất Lương Miêu để xây dựng khu kinh tế mới Lương Miêu theo sự phân công của thành ủy Huế. Gắn bó với vùng đất mới ông cùng gia đình đã quyết định chọn đây là quê hương thứ hai của mình, xây nhà, dựng vườn, phát triển kinh tế rừng…với 6,2 ha rừng keo tràm. Khi chuyển về khu tái định cư mới ở xã Bình Thành gia đình ông nhận được 1 ha đất lâm nghiệp cùng 400 mét đất ở. Còn diện tích 6,2 ha rừng tràm thì chờ đất đổi đất theo như dự án lòng hồ triển khai thì đã mỏi mòn chờ đợi 10 năm qua…Theo tính toán của người dân là đã mất 2 chu kỳ thu hoạch keo tràm. Không chỉ với ông Phòng mà hàng chục hộ dân đều nằm trong tình cảnh đó, người nhiều thì 5 đến 7 ha người ít cũng 1 hoặc 2 ha đất rừng, nhưng bây giờ nhiều gia đình chỉ vỏn vẹn 400 mét đất ở. Thực tế này đã đẩy người lao động phải buộc đi làm thuê. Mong mỏi của cụ già 80 tuổi, người có công đầu trong việc xây dựng khu kinh tế mới Lương Miêu, cũng là gia đình hai lần tái định cư kinh tế mới là: Nhà nước đổi đất thì đổi nhanh, nếu đền bù bằng tiền thì cũng cần làm ngay chứ tôi đã ở tuổi này rồi chờ đợi đâu được nữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi di dời các hộ dân bị mất đất bởi dự án hồ Tả Trạch, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ra quyết định ghi rõ là sẽ thu hồi đất của các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ để cấp cho các hộ dân này theo chủ trương “đất đổi đất”. Tuy nhiên cho đến nay, chủ trương này không thực hiện được nên hầu hết người dân ở các khu tái định cư thiếu đất sản xuất trầm trọng. Số liệu thống kê diện tích đất lâm nghiệp hợp pháp bị thu hồi để xây dựng hồ Tả Trạch và xây dựng khu tái định cư là 1.332,904ha; quá trình triển khai định canh, định cư đã cấp cho dân 320,39 ha. Theo cam kết, mỗi hộ được bố trí ít nhất 1 ha đất trồng rừng, nhưng thực tế chỉ được bố trí từ 0,3 – 0,6 ha, thậm chí có nới chỉ mới cấp “trên giấy”. Đây là vấn đề bức xúc nhất, là nguyên nhân làm cho người dân tái định cư thiếu việc làm ổn định. Hiện nay, Thừa Thiên Huế còn nợ dân đến 1.012,51 ha theo chủ trương đất đổi đất. Không chỉ thế một số hộ gia đình ở xã Bình Thành khi bị thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, đơn cử như gia đình ông Cao Thanh Sơn, chờ đổi đất với diện tích 7 ha đã hơn 10 năm nhưng vẫn vô âm tín dù rằng đã nhận được rất nhiều lời hứa.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư đều đảm bảo các tiêu chí: Điện, đường, trường , trạm đôi khi còn hơn cả các khu dân cư tại chỗ. Tuy nhiên sau gần 12 năm về nơi ở mới, cuộc sống của đa số người dân tái định cư vẫn đang hết sức ngặt nghèo. Việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn, hầu hết đều chuyển qua lao động làm thuê trong lĩnh vực trồng rừng.  Qua tìm hiểu của chúng tôi, có 32,8% số hộ có cuộc sống tốt hơn trước; 35,7% số hộ có cuộc sống tạm ổn định; 31,5% số hộ chưa ổn định, còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 11h trưa một ngày giữa tháng 3-2014, chúng tôi tìm về khu tái định cư Hòa Bình và Bình Dương (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà). Dù là giờ nghỉ trưa và ăn cơm, song hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp là những ngôi nhà vẫn cửa đóng then cài, trong làng hầu như không có người ở nhà, có chăng chỉ là mấy đứa trẻ con đang còn độ tuổi đi học, chưa thể lao động hay những cụ già đã quá lớn tuổi. “Thanh niên, người lớn ở đây bây giờ còn đang ở trong các rừng tràm, rừng keo để đi làm thuê, đi kiếm củi về để bán, phải tối mịt họ mới về làng. Bà nhà tôi cũng đang ở dưới chợ bán cháo. Có hôm về sớm, hôm về muộn lắm”, cụ Trần Trọn, thôn Bình Dương cho hay.

Họp HĐND xã, tiếp xúc cử tri và nhiều các lần kiến nghị, gửi thư, đơn hỏi …nhưng chính quyền cấp xã thì chỉ biết ghi nhận và chuyển lên huyện, thị xã…đại biểu cũng chỉ ghi nhận mà thôi. Còn những người dân đang mong ngóng diện tích đổi đất trong lời hứa thì chỉ nhận được những biên lai, mà đúng hơn là phiếu nhận đơn do văn phòng UBND các cấp và các cơ quan hữu trách biên nhận.

 

Nguồn TRT

Các bài mới
Các bài đã đăng