Cầu Đông Ba (TP Huế) đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng tháng 8-2014, giúp giao thông giữa vùng kinh thành Huế với khu phố cổ Gia Hội trở nên thông thoáng, tiện lợi hơn.
Tuy nhiên, có một điều khiến nhiều người dân sống cạnh cầu cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử thắc mắc: tấm bia đá cổ khắc tên cầu đặt ở đầu cầu phía Gia Hội đã bị tháo dỡ.
Cụ thể tấm bia đá này được khắc dòng chữ Hán “Đông Gia kiều”, tức “cầu Đông Gia”, là tên của cầu dưới thời vua Thiệu Trị. Bên trái bia có dòng lạc khoản, đề: “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo” (nghĩa là: bia dựng vào ngày tốt của tháng 3 nhuận, năm Thiệu Trị thứ nhất, tức tháng 5-1841).
Theo sách Kinh thành Huế của tác giả Phan Thuận An, cầu này nguyên là cầu gỗ được làm vào năm 1808, mang tên là Đông Hoa kiều.
Đến năm 1841 dưới thời Thiệu Trị, vì kỵ tên húy của bà Hồ Thị Hoa - người mẹ quá cố của nhà vua - nên cầu được đổi thành Đông Gia kiều. Như vậy, tấm bia được đặt tại vị trí này cách đây đã 173 năm.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tấm bia đá này là một chứng tích lịch sử có giá trị, gắn liền với quá trình xây dựng kinh thành Huế của triều Nguyễn, cũng như các giai đoạn chỉnh sửa và hình thành nên cây cầu này.
Việc vứt bỏ tấm bia đá đã làm mất giá trị di sản văn hóa mà Huế đang cố gắng gìn giữ. Nếu giữ lại tấm bia đá này thì giá trị chiếc cầu mới chỉ tăng lên!
Trả lời về sự việc này, ông Nguyễn Đình Quyền - phó giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị chủ dự án cầu Đông Ba - cho biết bản vẽ thiết kế cầu đã được hội đồng gồm 11 vị lãnh đạo liên ngành của tỉnh duyệt không có chi tiết tấm bia cổ này.
Vì vậy, khi tháo dỡ cầu cũ, đơn vị thi công (Công ty cổ phần tổng công ty Công trình đường sắt VN) đã bứng tấm bia đá này cho vào kho và không dựng lại sau khi hoàn thành cầu, vì không còn phù hợp với cầu Đông Ba mới xây.
“Nếu đặt lại thì phải xem xét vị trí phù hợp, nhưng có đặt thì cũng không ai đọc, vì thế hệ mình mấy ai đọc được chữ Hán” - ông Quyền nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Dũng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ tịch hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Đông Ba - rất mừng vì tấm bia chưa bị phá mất.
Theo ông Dũng, chủ dự án đã không đưa chi tiết tấm bia cổ này vào bản vẽ thiết kế và hội đồng tuyển chọn không đi thực địa nên không hề biết có tấm bia cổ. Giám đốc Sở VH-TT&DL và giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là thành viên hội đồng nhưng cũng không có ý kiến.
“Theo tôi, bây giờ phải nghiên cứu chọn vị trí để đặt lại tấm bia này tại cầu Đông Ba, hoặc là đưa vào bảo tàng. Bởi tấm bia này như là giấy khai sinh của cầu, phải lưu lại để biết lịch sử hình thành của cây cầu” - ông Dũng nói.
Theo Tuổi Trẻ