Thời gian gần đây, nông dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm, người nông dân phải gánh chịu nhiều thua lỗ…
Nhìn cánh rừng cao su nằm sau vườn nhà trơ gốc, trên mặt đất còn những cành lá, khi thương lái chỉ cưa lấy thân gỗ để lại mà ông Trần Văn Mùi (50 tuổi, trú thôn Bình Dương, xã Hương Bình) không khỏi xót xa.
Ông Mùi tâm sự: “Năm 1992, vợ chồng tui dắt díu lên mảnh đất hoang sơ này để đầu tư phát triển kinh tế. Có thể nói hơn 20 năm qua, gia đình tui đã cùng sống chết theo cây cao su, nhất là mỗi trận có bão lớn thì cứ như ngồi trên đống lửa, vì sự gió bão làm cây gãy đổ... Đầu tư là vậy, nay phải bán 1ha cao su xanh tốt này với giá gần 40 triệu đồng cho thương lái thì tiếc đứt ruột chú à. Nhưng, hết cách rồi, cần có tiền để đầu tư trồng loại cây khác kinh tế hơn”.
Tìm hiểu được biết, những năm qua, người dân ở các xã như Bình Thành, Hương Bình và một số địa phương khác ở thị xã Hương Trà đã nỗ lực trồng cao su với diện tích đạt trên 2.400ha. Thế nhưng vì lý do đầu ra khó khăn, giá mủ thu mua quá thấp nên đến nay, người dân đã chặt bỏ gần 50ha cao su để bán gỗ, số diện tích còn lại đang được trồng cây mới để tái sinh.
Tại huyện Nam Đông, vốn được xem là “thủ phủ” cao su, một trong những loại cây đã giúp người dân ở xã miền núi nơi đây xóa nghèo, vươn lên làm giàu... cũng xuất hiện tình trạng chặt bỏ rừng cao su. Nhiều hộ dân địa phương ở đây cho biết, thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su ngày trước nay không còn nữa, bởi vì giá 1kg mủ nay còn thấp hơn giá bán... một cốc nước mía.
Mủ cao su liên tục rớt giá từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 đồng rồi đến 10.000 đồng và nay là 5.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân trồng cao su ở huyện miền núi nơi đây rơi vào cảnh điêu đứng bởi tiền thu vào không đủ trả chi phí phân bón, thuê nhân công. Không ít hộ dân buộc phải chặt bỏ rừng cao su để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Tươi, trú thôn 6 (xã Hương Hữu, huyện Nam Đông) cho biết, đầu năm 1990, gia đình bà khai hoang vỡ đất và tiến hành trồng được 2ha cao su. Sau nhiều năm thu hoạch, đến nay cây cao su một phần bị gió bão làm gãy đổ, một phần vì lợi ích kinh tế mang lại quá thấp nên gia đình buộc phải chặt bỏ gần 100 cây cao su trên 10 năm tuổi. “Cách đây 4,5 năm, giá bán mủ cao su trên 50 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi ha cho từ 1,1 đến 1,2 tấn mủ/năm thì gia đình tui thu nhập cả trăm triệu đồng. Thế nhưng cũng chỉ được mấy năm đầu, còn giờ thì giá cao su rớt thê thảm, chỉ còn độ 5.000 đồng/kg nên tui buộc phải chặt bỏ 1/3 diện tích chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày để sớm hồi vốn”.
Theo ông Huỳnh Minh Chòn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, trên địa bàn xã đã có khoảng 10 hộ ở thôn 6 và thôn 7 lần lượt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng keo tràm, hoa màu hoặc sắn để tăng thu nhập bởi đầu ra mủ cao su khó khăn.
Tương tự, ở xã Hương Phú là một trong những xã có số hộ dân trồng cao su lớn nhất huyện Nam Đông, với tổng diện tích 800ha. Suốt gần 20 năm qua, loại cây cho “vàng trắng” này được xem là cây trồng chủ lực của người dân khi nhiều người đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng nhằm mở rộng diện tích cao su. Thế nhưng, hiện tại người dân không còn mặn mà với cây cao su. Nhiều hộ dân cũng đang có ý định chặt bỏ loại cây này để trồng cây có giá trị kinh tế hơn.
Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông giải thích, người dân ở các xã của huyện đã đầu tư trồng trên 3.500ha cao su, trong đó có khoảng 2.100 héc ta đang ở thời kỳ khai thác mủ với sản lượng gần 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra hạn hẹp, giá thu mua mủ lại quá thấp đã khiến nhiều hộ dân thua lỗ nặng khi đầu tư vào loại cây cho thứ mủ trắng này.
“Người trồng cao su trên địa bàn huyện đã chặt khoảng 10ha cao su, tập trung ở các xã như Hương Hữu, Hương Hòa, Thượng Nhật để trồng thay thế các cây già cỗi, cho năng suất thấp hoặc chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho kinh tế cao hơn. Trước thực trạng này, hiện Phòng đang phối hợp với Sở NN&PTNT của tỉnh cùng các cấp, ban, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế chặt bỏ cây cao su. Đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cao su trong giai đoạn chờ giá mủ vượt qua ngưỡng cửa rớt giá”, ông Son khẳng định.
Theo cand.com.vn