Tiếng sông Hương
Làm thế nào để giải nguy cho nhà vườn Huế?
13:43 | 19/05/2015

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù được coi là sự giải nguy cho nhà vườn Huế nhưng Đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” vừa được thông qua vẫn chưa sát với thực tiễn.

Làm thế nào để giải nguy cho nhà vườn Huế?
Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung ở phường Kim Long, TP.Huế hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được trùng tu. An Sơn

Các nhà vườn được hưởng nhiều ưu đãi

Nhà vườn Huế là di sản làm nên nét đặc trưng của cố đô Huế. Từ năm 2006, trước tình trạng ngày càng có nhiều nhà vườn Huế “biến mất” do người dân cắt xẻ vườn để bán, nhà rường cổ bị bán hoặc xuống cấp, cơi nới, xây mới… UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt Đề án “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010”. Tuy nhiên, do quy định mức hỗ trợ trùng tu nhà vườn quá nhỏ giọt và phải đến khi quyết định hết thời hiệu mới có bộ máy thực hiện nên đề án này không phát huy hiệu quả.

Sự thất bại của đề án trên là nguyên nhân khiến rất nhiều nhà vườn Huế có giá trị bị biến mất. Theo Phòng Văn hóa- Thông tin TP.Huế, năm 2002, toàn thành phố còn 7.178 nhà vườn, trong đó 150 nhà vườn còn nguyên vẹn. Vậy nhưng, theo kết quả khảo sát mới đây, trong số 150 nhà vườn nói trên chỉ còn 27 nhà vườn được giữ nguyên. Các phường “chảy máu” nhà vườn nghiêm trọng nhất là Phú Hội, Phú Hiệp với 100% nhà bị biến dạng, tiếp đến là các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Phú Cát, Phường Đúc…

Trước nguy cơ nhà vườn Huế biến mất hoàn toàn, cuối tháng 4 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế thông qua Đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, chủ nhà vườn tham gia đề án được hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ với mức 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng đối với nhà loại 2 và không quá 400 triệu đồng với nhà loại 3... Chủ nhà vườn còn được hỗ trợ 100% lãi suất vay trùng tu nhà, mức vay được hỗ trợ lãi suất cao nhất là 500 triệu đồng/nhà vườn.

Ngoài ra, các nhà vườn còn được hỗ trợ duy trì cảnh quan vườn với mức 2 triệu đồng/năm; hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế vườn và tiền mua cây giống; hỗ trợ người của nhà vườn đi học kỹ năng nghiệp vụ du lịch... Mặt khác, tỉnh còn hỗ trợ 20 triệu đồng/năm đối với những nhà vườn xây dựng phòng thính nhạc và trang bị phòng ngủ cho khách nếu chủ nhà có tổ chức các dịch vụ về ẩm thực Huế, ca nhạc truyền thống, dịch vụ lưu trú tại nhà.

Đề án còn chưa sát thực tiễn?

Trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho biết, đề án mà HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa thông qua là sự giải nguy cho nhà vườn Huế nhưng vẫn chưa sát với thực tiễn. Theo các nhà nghiên cứu, nhà rường cổ- phần quan trọng nhất của nhà vườn Huế- là thành tựu kiến trúc có tính điển hình của giai đoạn văn minh nông nghiệp trong quá khứ. Trong đời sống hiện đại ngày nay, công năng của những nhà rường này rất khó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người, nên các chủ nhà vườn nếu tham gia đề án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều này khiến các hộ dân có nhà vườn e ngại tham gia đề án.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc bảo vệ nhà rường cổ cần phải đi liền với việc xây dựng những nhà phụ gắn liền với nhà rường một cách hài hòa, phù hợp. Những nhà phụ này vừa không phá vỡ cảnh quan của nhà vườn vừa đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại. Ở các nước tiên tiến, khi bảo vệ nhà cổ người ta cũng xây dựng bên cạnh nhà này những nhà phụ phù hợp. Để làm việc này phải huy động đội ngũ kiến trúc sư giỏi.

Mặt khác, do là những công trình kiến trúc của giới quan lại, quý tộc, hoàng tộc ngày xưa nên rất nhiều nhà vườn Huế hiện thuộc sở hữu chung của họ tộc, người sống trong nhà không có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến nhà vườn. Vì vậy, đi liền với sự hỗ trợ bằng tiền, chính quyền cần vận động các họ tộc bảo vệ nhà vườn như một di sản thì mới tạo được sự đồng thuận. Những điều này chưa được nêu ra trong đề án.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế, đề án trên chưa tìm ra hướng đi cho việc phát huy giá trị của nhà vườn Huế. Ông Hoa cho biết, du khách đến nhà vườn Huế mà chỉ xem nhà, ngắm vườn thì sẽ rất nhàm chán, bởi nhà nào cũng na ná nhau. Bản thân những hộ dân sinh sống ở các nhà vườn thì phần lớn không có năng lực liên quan đến dịch vụ du lịch. Vì vậy, để thu hút du khách chính quyền phải tạo ra điểm nhấn riêng cho mỗi nhà vườn. “Ví dụ như ở nhà vườn này chính quyền huy động một vài người đến ngồi chằm nón, nhà vườn kia bố trí người làm bánh, nhà khác thì vẽ tranh… Những hoạt động này có thể chỉ mang tính chất trình diễn nhưng nó tạo ra sức hút đối với du khách”- ông Hoa nói.

Cũng theo ông Hoa, để đề án lần này phát huy hiệu quả, ngoài phải giải quyết được những vấn đề trên, tỉnh Thừa Thiên- Huế còn cần có quyết tâm thực hiện chính sách một cách nghiêm túc. “Ở Huế từng có các chính sách bảo tồn các phố cổ Bao Vinh, Gia Hội nhưng rồi không thực hiện được. Thiếu quyết tâm thực hiện chính sách là căn bệnh thâm căn cố đế của Huế”- ông Hoa nói thêm.

Theo danviet.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng