Không được giao đất như đã hứa, chục năm qua gần 250 hộ dân tái định cư ở xã Bình Thành, Hương Trà, Thừa Thiên- Huế đã làm nhiều nghề để kiếm sống mặc dù thu nhập không đáng bao nhiêu.
Chính quyền địa phương rất thương dân, nhưng sớm tỏ ra bất lực vì quỹ đất sản xuất trên địa bàn đã cạn. Chờ để tiếp tục làm nông dân hay mạnh dạn dứt bỏ để làm dịch vụ, nhân công, công nhân hay… doanh nhân là một câu hỏi lớn, mà bản thân họ không thể tự trả lời.
Đến nơi không có đất sản xuất
Gần 250 hộ dân nông nghiệp này được chuyển đến xã Bình Thành, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế làm hai đợt. Đợt đầu vào năm 2004, do ảnh hưởng dự án xây dựng hồ Tả Trạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Số dân này được bố trí vào ba khu tái định cư Hòa Thành, Hòa Bình, Bình Dương. Trước khi tiến hành di dời, chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân. Tại đây chủ đầu tư hứa sau khi đến nơi ở mới người dân sẽ được cấp đất sản xuất bằng số diện tích đã nhường lại cho lòng hồ.
Đến năm 2006, xã Bình Thành tiếp tục nhận 47 hộ đồng bào Ca-tu được dời đến khu tái định cư Bồ Hòn sau khi nhường đất để thực hiện dự án xây dựng thủy điện Bình Điền. Theo phản ánh của người dân, trước khi di dời chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã hứa đến nơi ở mới, mỗi hộ được cấp từ 1- 2 ha để sản xuất.
Vậy nhưng khi đến nơi ở mới, chục năm qua người dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án đã ‘ngộ” ra chính quyền không còn đất để trả cho họ. Bởi theo ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành thì trong quá khứ, huyện, tỉnh đã quyết định giao toàn bộ 2.000 ha đất sản xuất trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân để trồng rừng. Trước cơn khát đất của dân, xã nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh thu hồi một phần để giải quyết cho dân tái định cư nhưng đến nay chưa có phản hồi.
Muộn còn hơn không
Câu chuyện di dân đến nơi không có đất sản xuất ở Bình Thành, Hương Trà không còn là chuyện mới ở Thừa Thiên- Huế. Nhiều năm qua, tại các cuộc họp HĐND tỉnh, vấn đề này đã được đưa ra, song chưa có hướng giải quyết. Khi được hỏi, người phát ngôn của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thừa nhận địa phương chỉ là đối tác. Những vấn đề còn lại lại thuộc về bộ NN&PTNT. Vì thế, mới đây Bộ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho sử dụng 70 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu để chi trả cho dân thay vì trả đất như đã hứa.
Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng khi hay tin có thể nhận tiền thay đất nhiều hộ dân đã bắt đầu băn khoăn, bởi hàng chục năm qua, kể từ khi sinh ra đến nay số dân này đều dựa vào đất và rừng. Bây giờ không có đất, đồng nghĩa họ sẽ phải làm quen với cuộc sống mới, hay nói khác đi là phải chủ động tìm công việc mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Ông Nguyễn Đình Đèn, người dân tái định cư thôn Hòa Bình cho biết chục năm qua, trong lúc chờ được cấp đất ông và bà con trong vùng cũng thử qua nhiều nghề, có cả nghề thợ đụng, tức ai kêu gì làm đó, nhưng chưa có nghề nào là ổn định lâu dài. Thu nhập từ thợ đụng vùng nông thôn cũng chỉ giải quyết được một phần chi tiêu, bởi nhu cầu lao động chưa nhiều, thêm nữa là thời tiết khắc nghiệt, không ủng hộ công việc ngoài trời nên đời sống người dân rất khó khăn. Nhiều thanh niên trong vùng đã phải chấp nhận bỏ học, vào Nam kiếm sống từ rất sớm. Một số hộ dân đã tái nghèo trong vài năm gần đây.
Vì vậy, theo UBND xã Bình Thành, nếu đã xác định người dân tái định cư phải chuyển nghề vì không còn đất sản xuất, bên cạnh việc tập huấn bồi dưỡng lập kế hoạch quản lý tài chính, các tổ chức đoàn thể ở cấp huyện, tỉnh cần quan tâm, liên hệ với các chủ đầu tư, nghiên cứu mở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp cho bà con. Đặc biệt là đào tạo những nghề gắn với lợi thế vùng gò đồi như chế biến lâm sản, nuôi trồng cây, con đặc sản, tạo các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch, hoặc làm dịch vụ tại các điểm tham quan trong vùng.
Theo NDO