Cách mạng Tháng Tám ở Huế thành công ngày 23/8/1945, ngày 2/9 tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch tuyên bố Nước Việt Nam độc lập, nhưng tình hình đất nước đang còn bị đe dọa nạn ngoại xâm. Ủy ban Cách mạng Trung bộ kêu gọi thanh niên Huế xung phong tham gia Giải phóng quân để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, trước mắt là “Nam tiến” chống thực dân Pháp trở lại chiếm Nam Bộ.
Phong trào “xếp bút nghiên” lan nhanh trong các trường học lớn như Khải Định, Thuận Hóa, Thiên Hựu (Providence), Bình Linh (Pellerin)… Áp-phích kêu gọi tòng quân được dán khắp nơi trong thành phố. Noi gương một số bạn của 2 lớp Toán sơ cấp (Mathématiques élémentaires) và Triết học (Philosophie) ban Tú tài 2 của Trường Khải Định chúng tôi gia nhập Trường Thanh niên tiền tuyến, do Luật sư Phan Anh tổ chức, như Mai Xuân Tần, Trần Kỳ Doanh, Nguyễn Hữu Hanh, Đoàn Ân, nhiều bạn còn lại của lớp Toán như Nguyễn Dương, Nguyễn Hữu Minh… và tôi quyết định sẽ đáp lời kêu gọi, tình nguyện đi Giải phóng quân.
Sáng mồng 6/9/1945, cùng với một số bạn bè, chúng tôi đến ghi tên tòng quân tại Nha Dân vệ đóng tại Tòa Khâm sứ cũ. Trong ngày khám sức khỏe và làm thủ tục nhập ngũ, tôi được tiếp xúc với các anh em Trường Thanh niên tiền tuyến. Ngoài những bạn học cũ, còn có một số sinh viên các trường đại học từ Hà Nội về. Trong quân phục gọn gàng rất “Tây”, trẻ trung, lịch thiệp, họ là bộ khung của đội “Giải phóng quân” Huế thời bấy giờ. Tôi trúng tuyển và được hẹn 24 giờ sau phải có mặt tại Nha Dân vệ.
Nhận giấy tờ xong, trong lòng vừa vui, vừa suy nghĩ mênh mang, tôi đạp xe lên làng Nguyệt Biều, nơi gia đình tôi tản cư cách trung tâm thành phố 7 cây số. Bố mẹ tôi có 5 con trai, việc xin đi bộ đội của tôi dù sao cũng làm cho các cụ bất ngờ. Tuy là việc đã rồi, nhưng bố mẹ tôi vẫn có chút băn khoăn khi phải xa đứa con tuổi đời mới 20, mặc dầu cũng hiểu được rằng, trong tình hình đất nước bị đe dọa, trai tráng phải lên đường chống giặc ngoại xâm và gia đình cũng phải góp phần. Về sau tôi được biết, sau khi tôi đi, anh tôi làm việc tại Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận) và hai em kế tiếp đang là học sinh Khải Định cũng tham gia Giải phóng quân. Yên tâm về thái độ hiểu biết và rộng lượng của gia đình, tôi trở lại trình diện đúng hẹn và được điều về doanh trại. Doanh trại không đâu xa lạ, là Trường Khải Định, nơi tôi đã học 7 năm trời. Tôi đã quen thuộc với sân trường, các phòng học, hội trường, nhà chơi. Mỗi một góc của trường cũ gợi cho tôi biết bao kỷ niệm êm đềm của thời học trò cách đây không lâu.
Tôi được phiên chế vào Đoàn VII Giải phóng quân. Đoàn trưởng là Trần Kỳ Doanh, quê ở Quy Nhơn, học cùng lớp; Đoàn phó là Đoàn Ân, cháu thầy Đoàn Nồng, sinh viên y khoa ở Hà Nội về, cả hai đều là học viên Trường Thanh niên tiền tuyến. Đoàn chia làm 3 toán, tôi làm toán trưởng Toán 3. Toán phó là Nguyễn Hữu Minh. Mỗi toán có 12 người. Ngày đầu tiên anh em chưa có quân phục nhưng đã đi tập dã ngoại tại Văn Thánh, phía trên chùa Thiên Mụ, cách trại khoảng 10 cây số. Mỗi người được phát một súng mousqueton cũ kỹ thời Pháp, gỉ rét, dài và nặng, làm chúng tôi chẳng có cảm tình chút nào. Lúc đoàn đi qua chợ Kim Long, bà con bán hàng chạy ùa ra xem các chú “lính cậu”. Tôi đọc được qua ánh mắt họ một sự cảm thông trìu mến. Lần đầu tiên họ thấy quân của ta. Đến nơi tập kết, chúng tôi bắt đầu tập những động tác cơ bản theo điều lệnh hô bằng tiếng mẹ đẻ, chưa quen tai nhưng dễ hiểu để làm theo. Khi còn học ở lớp Toán, Trần Kỳ Doanh nói năng nhỏ nhẹ, bây giờ tiếng hô dõng dạc, oai nghi.
Nơi nguyên là nhà ông Viên Cò – điểm dừng chân của Đoàn VII giải phóng quân Huế trong hành trình “Nam tiến”
Mới nhập ngũ được một ngày, Đoàn VII nhận lệnh lên đường “Nam tiến”. Tin này phổ biến cho anh em buổi sáng thì đến trưa đã thấy rất nhiều gia đình có mặt ở sân trường Khải Định tìm gặp mặt con cái để dặn dò và trao quà. Bố mẹ tôi cũng đến vào chiều hôm ấy. Thấy tôi xúng xính trong bộ quân phục màu xanh rêu còn mới, mẹ tôi khen con trai chững chạc và đẹp. Hai cụ cho tôi nhiều thứ: tiền tiêu vặt, bút máy, sổ tay, dầu gió, ảnh gia đình và một số ảnh các bạn nữ sinh Đồng Khánh tặng. Lúc chia tay, lòng tôi buồn rượi! Mới ngày nào còn là một cậu tú, tự do thoải mái, bây giờ phải khép mình vào khuôn khổ nhà binh gò bó, tôi chưa quen ngay được, thế nhưng tự an ủi mình đã chọn con đường đúng đắn của thanh niên, tôi quyết tâm nhanh chóng thích nghi…
Sáng ngày 9/9, Đoàn VII rời Huế lên đường. Hàng ngũ chỉnh tề, súng đeo vai, xếp hàng bước lên hai chiếc xe ca chở khách cũ kỹ hiệu Renault của Pháp. Nói là “Nam tiến” chứ gần một giờ sau hai chiếc xe đã dừng bánh trước một tòa nhà hai tầng khá đồ sộ nằm sâu bên trong đường, ở gần cột số 21 thuộc làng An Nong, huyện Phú Lộc. Mọi người được lệnh xuống xe, xếp hàng đi vào. Đây là nhà của ông Viên Cò, người giàu nhất làng bị Ủy ban cách mạng tịch thu. Chúng tôi thắc mắc vì sao dừng lại ở đây, ban chỉ huy giải đáp: Thế là Đoàn VII đã Nam tiến một đoạn rồi còn gì? Vì phải đảm bảo bí mật quân sự nên không cho biết trước. Còn các vị trong Ủy ban và nhân dân được báo tụ tập khá đông đón tiếp chúng tôi niềm nở. Nhà có cái sân rộng lát gạch dùng để phơi lúa, nay là nơi tập hợp đội hình, tập luyện và sinh hoạt của bọn lính chúng tôi. Bữa cơm trưa đầu tiên do chị em ở Nong nấu rất ngon. Họ gọi nhau bằng hai tiếng “đồng chí”, còn người lớn gọi chung họ là “phụ nữ”.
Đêm ấy, ban chỉ huy cho biết, có một phái đoàn quân sự quốc tế đi ngang qua Nong, trên đường từ Đà Nẵng ra Bắc vào ngày mai. Đoàn VII nên tổ chức chào mừng họ. Mấy anh em lớp Toán cũ bàn cách làm sao cho văn minh và quyết định sẽ viết hai câu bằng tiếng Anh trên băng rôn giăng qua đường ở phía Nam và phía Bắc doanh trại. Liền ra chợ Nong mua 40 mét vải trắng và một chục thỏi mực tàu, chọn hai lính viết chữ đẹp viết hai khẩu hiệu: “Everlasting independence!” (Độc lập muôn năm!) và “Honour and happiness to the delegation of the United Nations!” (Vinh quang và hạnh phúc cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc). Còn lính thì sẽ xếp hàng chỉnh tề hai bên đường để bồng súng chào. Khoảng 11giờ, đoàn xe con màu sơn đen nhánh 4 chiếc chạy rất nhanh trước doanh trại làm chúng tôi không kịp trở tay. Không rõ những người ngồi trong xe có thấy hai khẩu hiệu viết chào họ không? Bất ngờ, một đoàn phụ nữ ở chợ Nong xuất hiện tươi cười gánh các thúng sắn mì còn bốc hơi thơm phức. Thấy chúng tôi đứng chờ đoàn quốc tế khá lâu, từ sáng đến trưa, chắc đói mệt các chị nên đã nấu sắn đem cho. Thật là cảm động, vui sướng được ăn sắn nóng với đường cát vàng khá ngon lành.
Mùa luyện tập quân sự tích cực của Đoàn VII bắt đầu. Làng An Nong ở trên Quốc lộ 1. Xa xa về phía Tây là các đồi núi thấp nhấp nhô chạy dài đến tận dãy Trường Sơn. Trên các sườn đồi là những chòm cây bụi như mua, sim, lau, sậy…, thỉnh thoảng có vài con suối nhỏ chảy ngang dưới chân các đồi. Chúng tôi tập luyện ở đó. Hằng ngày anh em dậy thật sớm, lên đường lúc mặt trời chưa mọc và ra về lúc mặt trời đã gần xuống núi. Bữa ăn sáng là nắm cơm vắt và muối mè. Cơm trưa ăn trong độn. Các chị em cấp dưỡng phải gánh cơm vào tận nơi chúng tôi nghỉ trưa. Cơm tối ăn ở doanh trại dưới ánh sáng của hai cây đuốc dầu hỏa, khói bốc đen ngòm. Mấy đống lá tràm và chổi khô được đốt lên để xua muỗi. Thường anh em tranh thủ thay nhau cùng phụ nữ rửa bát dọn dẹp. Sau đó là sinh hoạt tập thể, hát hò, rồi phân công nhóm gác doanh trại, nhóm đi tuần tra trong làng.
Hoạt động của Đoàn VII cứ tuần tự như thế. Ban ngày đi tập, ban đêm đi tuần tra. Có đêm đi đến tận cầu Phú Bài, cách Nong 3-4 cây số về phía Huế. Có lúc báo động giả, anh em hành quân đến tận đèo La Hy, trên đường 14. Khi đi tập phải ngụy trang với lá cây xanh dắt vào ba lô, thắt lưng, trên mũ cối khiến vận động đi lại khó khăn. Ban đêm tối trời, người này bám sát người kia để khỏi bị lạc. Tiếng dế kêu, tiếng ếch núi hòa lẫn với tiếng sột soạt lá cây đeo trên người tạo thành một bản hòa âm nghe rờn rợn. Những ngày đêm đi tập như thế đã làm cho chúng tôi nhanh chóng thích ứng với gian khổ, sau này vào chiến trường chắc sẽ chịu đựng dễ dàng hơn. Một số anh em đậu xong tú tài có trình độ học thức được phân công làm một số công việc đặc biệt. Bạn Nguyễn Dương và tôi nhận trách nhiệm nghiên cứu tổng hợp vùng Nong và lân cận, nhằm mục đích quân sự. Hai chúng tôi lấy cầu Nong làm nơi khởi đầu, ngày thì đi dọc theo bờ sông Nong về phía thượng và hạ nguồn, ngày thì đi dọc Quốc lộ 1 về hai hướng Nam Bắc, hỏi han dân địa phương, ghi chép, vẽ bản đồ, tính toán để về nhà viết báo cáo… Ngoài chương trình tập bắn súng trường, súng cối, ném lựu đạn, anh em còn phải học cách đo đạc địa hình, ước lượng, xử lý nhanh tình huống. Mỗi ngày qua học được thêm nhiều cái mới: đo chiều cao ngọn đồi, tính chiều rộng các con suối, phương pháp thông tin liên lạc bằng cờ “xêmapho”, bằng tín hiệu “morse”, bằng còi, kỹ năng do thám, đọc bản đồ quân sự, giải mật mã, tìm đường sá. Số lính đã từng đi “hướng đạo” (scout) tiếp thu rất nhanh.
Tin quân Pháp chiếm lại Sài Gòn và chiến tranh đã lan rộng ở miền Nam làm Đoàn VII mong muốn sớm được điều động vào Nam đánh giặc. Trong lúc chờ đợi, Đoàn VII thực hiện chương trình huấn luyện quân sự tích cực. Khi thì tập đánh úp đồn địch, khi thì tập đánh giáp lá cà. Cuộc tập trận quy mô nhất diễn ra tại chùa Diệu Vân, nằm trên đường 14. Đoàn chia ra làm hai toán, một toán tập kích chiếm ngôi chùa, một toán bảo vệ phản công. Nói cho có vẻ quân sự chứ chúng tôi không được phép vào bên trong các tòa nhà thờ Phật, mà chỉ hoạt động ngoài khuôn viên sân chùa. Các thầy, chú tiểu đứng theo dõi chúng tôi thao diễn, lạ lẫm vui mắt. Cuộc tập trận giả kết thúc sau hai giờ, thấy chúng tôi mệt, nhà chùa chiêu đãi mít, thơm, nước chè xanh. Sư thầy trụ trì cũng ra gặp nói chuyện với anh em và khen giỏi. Khi Đoàn tập hợp rời khỏi chùa, có một bà cụ nhà ở gần đó tìm gặp anh Doanh, mời tất cả trên đường về ghé qua nhà ăn cháo vịt nấu sẵn. Bà còn cho một thúng sắn tươi đem về luộc ăn. Lúc ra khỏi nhà, tôi chú ý thấy bà lấy vạt áo lau nước mắt, chắc nhớ tới con mình cũng đi Giải phóng quân và đóng ở đâu đó. Tự nhiên tôi chạnh nghĩ đến bố mẹ mình ở nhà cũng thế. Từ ngày nhập ngũ, bộ đội học trò Đoàn VII đi đâu cũng được nhân dân thương yêu. Đó là điều an ủi lớn làm chúng tôi quên mệt nhọc gian khổ, nỗi nhớ nhà, cảm thấy yên tâm kèm thêm một chút tự hào.
Thấm thoát mà Đoàn VII về đồn trú tại Nong đã hơn nửa tháng. Đã bắt đầu quen thân với nhân dân và địa phương, Đoàn được lệnh rút về Huế để nhận công tác đặc biệt (?). Điều này làm cho anh em trong Đoàn và bà con, nhất là các chị em lâu nay hết lòng phục vụ cơm ngon, canh ngọt, không khỏi bùi ngùi thương nhớ. Chiều hôm đó, khi chúng tôi chuẩn bị lên xe rời Nong, bà con đến tiễn chân khá đông. Đã có cảnh nước mắt rơi trên má chị em, những cái bắt tay âu yếm, những lá thư hẹn hò, những vật kỷ niệm trao tay thân ái… Nhớ lại trước đây, khi Đoàn VII rời Huế về Nong, ngồi trên xe hát bài “Một ra đi là không trở về” mà bây giờ phải quay lại Huế, chúng tôi ra đi đầy lưu luyến. Sau gần một giờ, xe về đến doanh trại cũ ở Trường Khải Định trong tâm trạng ngỡ ngàng, chưa nguôi nỗi nhớ cảnh chia tay tại Nong!
Chân ướt chân ráo trở về được một đêm, sáng 27/9, Đoàn VII được lệnh đi tiếp nhận bàn ghế, giường tủ ở đồn Mang Cá trong Thành nội. Lính Nhật gác đồn không cho chúng tôi vào. Xe đành quay về không. Đến trưa, có lệnh trở lại Mang Cá, lần này phải đeo súng cho oai nghi, nhưng mấy lính Nhật ra hiệu không cho chúng tôi lấy đồ. Xe lại về không lần nữa! Lúc chiều gần tối, có lệnh đi chiếm đồn Courcy nằm trên đường từ cầu Trường Tiền về An Cựu. Đây là đồn lính của Pháp mà quân Nhật chiếm đóng sau đêm đảo chính 9-3. Anh em có hơi lo sẽ có đụng độ. Làm sao đi chiếm đồn mà không phải chiến đấu với lính Nhật? Tập hợp đội ngũ hành quân, mang theo hành trang, súng ống, chúng tôi lên xe đến trước cổng chính đồn. Trái với dự đoán, mấy tên lính gác Nhật liền mở rộng cổng để hai chiếc xe vào chạy thẳng đến trước tòa nhà chính nằm bên phải theo đúng kế hoạch. Anh em nhảy xuống rồi nhanh chóng “chiếm lĩnh trận địa”. Khí thế trong Đoàn lên cao, đây là đoàn quân đầu tiên đi “chiếm” đồn địch thắng lợi. Chẳng ai bảo ai, mọi người hất súng lên trời, reo hò vang dậy. Vì có lệnh cấm bắn súng ăn mừng, nên nhiều anh em tuy “ngứa tay” vẫn phải tự kiềm chế. Từ nay đồn Courcy sẽ đổi tên thành “đồn Phan Đình Phùng”. Không có điện nước, chúng tôi phải ra ngoài phố mua đèn sáp về thắp. Bữa cơm tối nay do hậu cần ở doanh trại Khải Định mang tới. Sau sinh hoạt ngắn, phân công đi tuần tra đêm. Còn lại anh em phải ngả lưng trên sàn xi măng láng bóng. Nhiều người không sao chợp mắt được.
Sau khi Đoàn VII đến chiếm đồn thì quân Nhật rút lui về phía sau, giờ đây chia thành hai khu vực, ranh giới là hàng dây thép gai chằng chịt. Lính ta gác khu trước, lính Nhật gác khu sau. Lính hai bên đi đi lại lại, thỉnh thoảng nhìn gật đầu chào nhau xã giao. Thế rồi ngày ngày thấy số lính Nhật ở đây vơi dần. Họ rút về đồn Mang Cá và bàn giao phần còn lại của đồn cho Đoàn VII. Công việc dọn vệ sinh tiến hành khẩn trương, vất vả, kéo dài mấy ngày liền do quá nhiều rác. Vài hôm sau mới có vài đơn vị kéo về đóng quân ở đây.
Có một tối tháng 10, Đoàn VII được lệnh đi gác Nha Thông tin Trung Bộ, phía Nam đầu cầu Trường Tiền, nơi đang cất giữ đá quí, vàng bạc, đồ cổ, tiền, do nhân dân Huế đã hưởng ứng trong “Tuần lễ vàng”. Toán 3 của Đoàn VII đang gác thì có tin quân Nhật sắp đánh chiếm toà nhà này để cướp lấy quỹ đó (?) Báo động! Tôi bảo ai nấy đều phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu. Thình lình một chiếc xe jeep có cắm cờ đỏ sao vàng chạy đến đỗ trước cửa ra vào. Trên xe bước xuống hai sĩ quan Cao Văn Khánh và Lê Đình Bân là những “Thanh niên tiền tuyến” mà tôi quen biết. Họ đeo súng máy trên vai, ghé qua kiểm tra và nói quân đội Nhật không dám hành động liều lĩnh như thế đâu, tuy nhiên vẫn phải cảnh giác cao độ. Đêm ấy trôi qua êm ả… Vừa bàn giao phiên gác cho đoàn khác mới đến thì lại có tin quân Nhật sắp đánh úp chiếm lại trung tâm thành phố. Đoàn VII nhận lệnh bố trí lực lượng ở khu vực Thế Dạ, đến đóng quân ở trường tiểu học. Đoàn hành quân trên đường Jules Ferry, nhà tôi số 68, nhìn vào thấy đóng cửa. Gia đình tôi đã sơ tán về Nguyệt Biều. Đây đó trong thành phố có nhiều tiếng súng nổ. Cả vùng bên kia Đập Đá, Vỹ Dạ, dân quân tự vệ, lính các đoàn đi lại rầm rập trên đường, giáo mác, súng ống trên tay. Không khí sẵn sàng chiến đấu dâng lên rất cao, làm cho quân Nhật phải chùng tay, không dám hành động chăng? Trưa ngày mai chúng tôi quay trở về đồn.
Một sự kiện quan trọng xảy đến với Đoàn VII. Anh Trần Kỳ Doanh được cử làm Trưởng đồn Phan Đình Phùng thay anh Cao Văn Khánh chuẩn bị lên đường Nam tiến. Tổ chức bầu lại chỉ huy mới, Đoàn Ân được anh em tín nhiệm. Đoàn vẫn tiếp tục sinh hoạt đều đặn, nhưng ít khi đi tập dã ngoại. Công việc thường ngày là canh gác kiểm tra trật tự, dọn dẹp sân bãi, cuốc đất trồng rau xanh. Một cán bộ mới, đứng tuổi, anh Xuân, người dân tộc Tày ở Việt Bắc được bổ sung vào Ban chỉ huy. Vào các buổi sinh hoạt tối, anh thường kể tình hình chiến tranh du kích ở ngoài Bắc cho chúng tôi nghe và dạy cho chúng tôi hát các bài ca cách mạng. Ít lâu sau, Đoàn VII lại tiếp thêm anh Hải, người Hà Nội, làm “chính trị viên”. Anh cao tuổi nhất trong Đoàn, nhưng cởi mở, vui tính, được anh em mến. Mỗi tuần 3 buổi, lính chúng tôi học “chính trị” do anh giảng. Có nhiều từ và khái niệm chính trị được nghe lần đầu tôi chỉ hiểu lơ mơ.
Đoàn VII được phát một súng máy của Pháp, giao cho Toán 3 quản lý. Tôi rất ngại vì nó quá cũ, lại rất nặng nhưng biết làm sao được! Chương trình huấn luyện quân sự bước vào giai đoạn qui mô, đi tập dã ngoại nhiều hơn. Ngày thì đi ra Hương Cần, nơi có giống quýt ngon nổi tiếng, Bầu Đôn, Bao Vinh, ngày thì đi lên Quảng Tế, Vạn Niên. Có ngày đi dọc sông Hương đến tận điện Hòn Chén. Chúng tôi cũng hành quân đến Thành Lồi, một di tích phía Tây Huế.
Tại đồn có một vài đoàn đã lên đường đi Nam. Một đoàn lính người dân tộc thiểu số, gọi là “khách” mới đến. Họ xem ra chưa quen với cuộc sống đồng bằng nên trên khuôn mặt luôn đượm vẻ buồn nhớ núi rừng. Từ khi quân Tưởng Giới Thạch đến giải giáp quân Nhật ở Huế, binh lính ta ra khỏi đồn không được mang theo vũ khí. Đoàn VII bây giờ cũng có thay đổi lớn. Anh Nguyễn Kèn ở Bộ chỉ huy tỉnh chia Đoàn VII chúng tôi ra làm ba đơn vị lẻ; sáp nhập Toán 1 vào Đoàn của anh Lâm Quang Yến, Toán 2 vào Đoàn anh Nguyễn Trung Lập, Toán 3 đi với Đoàn anh Võ Quang Hồ. Thế là Đoàn VII thân yêu chỉ có 42 ngày tuổi. Song thành tích thì nhiều. Có lẽ được tin tưởng nên chúng tôi luôn được cấp trên giao phó nhiều việc khó khăn và đều hoàn thành tốt. Giờ đây, đơn vị không còn, anh em luôn giữ mãi truyền thống đoàn kết, kỷ luật, làm việc nghiêm túc, có chất lượng. Cuộc chia tay rất bùi ngùi, có người không cầm được nước mắt!
Thời gian trôi đi quá nhanh! Có chủ trương mới cho phép học sinh đậu xong tú tài được xuất ngũ để theo học đại học sắp mở lại. Đất nước cần chuẩn bị nhân tài để kiến thiết trong tương lai. Các bạn Nguyễn Dương, Nguyễn Hữu Minh được rời quân ngũ, đăng ký học ngành sư phạm, sau này trở thành giáo viên. Còn tôi thì xung phong ở lại nhưng được điều động sang “Ban tuyên truyền giải phóng quân” mới thành lập, làm việc với anh Nguyễn Tài Chất, chuẩn bị ra tờ báo đầu tiên của Giải phóng quân miền Trung. Tôi đề nghị đặt tên nó là “Chiến Sĩ”.
Theo NGƯT Thân Trọng Ninh