Qua lăng kính văn hoá, ngựa được xem là biểu tượng của sự tài lộc, thành công, sự trung thành, nhanh nhẹn. Hơn nữa, hình ảnh con ngựa tung vó hý vang, biểu tượng cho sự kiêu hãnh, tự do và thanh khiết.
Khó có một địa phương nào lại có biểu tượng về ngựa trong văn hóa nhiều như Huế. Đến Huế, du khách sẽ bắt gặp hình tượng ngựa ở khắp nơi, đặc biệt là tại các di tích.
Ngựa được thờ như con vật linh thiêng, gồm ngựa đá, ngựa giấy và ngựa gỗ; màu sắc chủ yếu đỏ và trắng tượng trưng cho một vị thần.
Vì sao dân Huế tôn thờ ngựa?
Đến Huế vào năm Giáp Ngọ 2014, du khách hãy dành chút thời gian để đi đến các lăng tẩm và bỏ một chút thời giờ để ngắm các con ngựa đá.
ác lăng tẩm triều Nguyễn đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiện tồn 10 tượng ngựa đá nguyên bản. Trong đó, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng khánh, lăng Khải Định mỗi lăng vẫn còn lưu giữ được 2 tượng ngựa đá. Riêng lăng Tự Đức thì hai tượng ngựa đá được làm lại sau này nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên bản khi xây dựng.
Người dân Huế quan niệm, ở trên trời cao, giữa dân gian và âm phủ các đức thánh cũng dùng ngựa để đi chầu, đi hành đạo nên khi họ đặt am miếu thờ cúng phải thờ ngựa thể hiện lòng thành kính của mình đối với các vị thần thánh của đất nước, những vị thánh đã có công mở mang bờ cõi, giữ vững bình yên cho đất nước. Cho nên, các am, cảnh, miếu ở Huế, người dân đều thờ ngựa.
Tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo ở Huế, hinh ảnh Long Mã (ngựa hóa rồng) cũng được trang trí tôn nghiêm. Hình ảnh ngựa hóa rồng thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi để vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa có công dụng phong thủy trừ tà, khử trược. Nhưng nhiều nhất vẫn là trên các bức bình phong.
Có đến gần 100% dân số ở Huế lập am, miếu để thờ, từ trong nhà ra đến sân, trong số các am miếu phổ biến nhất là miếu thờ các cô, cậu, ông chiêm thành, ông quận, ở đó họ đều có thờ con ngựa.
Các kiến trúc truyền thống ở Huế thường quay mặt về hướng Nam – là hướng Hỏa theo quan niệm Phong thủy phương Đông. Vậy nên, để tránh khí độc và gió độc bay vào nhà gây hại cho gia chủ, người ta thường xây bức bình phong và trang trí biểu tượng Long Mã phía trước.
Bình phong là một "sản phẩm đặc trưng" của xứ Huế. Người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là long mã.
Hình ảnh Long Mã đã được chọn làm biểu tượng cho Festival Huế kể từ năm 2002, là phác họa của hình ảnh Long Mã ở bức bình phong trước trường Quốc Học Huế cũng có lẽ vì các đặc tính nêu trên.
Thú vị sự tích "Ngựa Thượng Tứ"
Trong bài hát "Rất Huế" của mình, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã thừa nhận con gái Huế có một cái gì đó e thẹn, khép nép, dịu dàng nhưng sâu lắng lạ: Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say/Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ/Và hơi thở mềm sương khói bay.
Tuy nhiên, ở Huế, khi nói về một người đàn bà hung dữ, có lời ăn tiếng nói thô lỗ, cử chỉ vùng vằng, người ta thường ví kẻ đó như "Con ngựa Thượng Tứ".
Vậy vì sao lại có nguyên cớ này, chắc hẳn du khách đến Huế ai cũng muốn sẽ có dịp tận mắt tìm hiểu.
Nguyên nhân bắt đầu từ địa điểm có tên là Đông Nam Môn. Đông Nam Môn nằm ở góc Đông Nam Kinh Thành. Sở dĩ cửa có tên gọi là Thượng Tứ ngày xưa, ở gần bên trong cửa thành này (khoảng vị trí Trường Tiểu học Trần Quốc Toản hiện nay), triều đình đã thiết lập một cơ quan tên là Viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua.
Những con ngựa này thường là dữ dằn nên phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng được ví như là "Con ngựa Thượng Tứ". Dân gian gọi riết rồi thành thói quen cho đến tận bây giờ.
Và cửa Đông Nam vì ở gần khu Thượng Tứ nên cũng được người dân gọi luôn là cửa Thượng Tứ, không ai còn để ý đến hai chữ Đông Nam ghi trên vọng lâu nữa.
Theo Tây Phương (Đất Việt)