Chuyện Cố đô
Bản đồ “ biết chạy”!
15:24 | 23/06/2014

Ở Huế trước có điện Cần Chánh là nơi làm việc của triều đình, đã bị cháy. Từ lâu người ta muốn khôi phục điện Cần Chánh, mặc dù các nghệ nhân rất giỏi, rất nhiều, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, nhưng việc tái hiện lại điện Cần Chánh vẫn bế tắc. Tài liệu ghi chép và hình ảnh về công trình còn lại rất ít.

Bản đồ “ biết chạy”!

Nghệ nhân không thể làm việc mà không dựa trên các nguyên mẫu. Thật khó tả những mất mát kiểu chùa Trăm Gian, người ta đập bỏ các tác phẩm nghệ thuật và những công trình văn hóa lịch sử không thương tiếc. Không chỉ mất những công trình vật thể, mà chính từ việc “mất gốc” ấy, nghệ nhân mất đi vốn liếng văn hóa của mình, nghề nghiệp của họ cũng dần lụi tàn.

Có người nói nước Nhật gìn giữ được nhiều di sản nhờ họ không trải qua chiến tranh. Chỉ đúng một phần. Một nhà nghiên cứu cho tôi biết các công trình văn hóa lịch sử được ghi chép tỷ mỉ công phu, đến mức dựa vào các tài liệu này hoàn toàn có thể tái tạo được công trình tương đương bản gốc.

Sách vở chúng ta vốn không nhiều, lại bị chiến tranh và kẻ thù đốt mất. Song, kể cả sách vở còn lại, nhiều chuyện cũng không được ai ghi. Ngay cả hoàng thành của nhà vua được xây dựng ở Kinh đô Huế, công trình lớn nhất trong mấy trăm năm, mà công trình nào do thợ nào xây, kiến trúc như thế nào, ý nghĩa ra sao, hỏi ai mà biết đây?

Tài liệu thật là quý hơn vàng. Trong cuộc đấu tranh chủ quyền trên biển Đông, không ít bản đồ, tư liệu, thậm chí cả châu bản… những chấm nhỏ Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, trong từng câu chữ trở nên vô giá theo thời gian.

Điều dễ nhận thấy là nhiều tài liệu quý được cung cấp, không phải bởi các thư viện, bảo tàng, cơ quan, mà lại nhờ... tư nhân. Các cá nhân làm gì có “chức năng, nhiệm vụ” làm việc đó. Đơn giản chỉ từ tình yêu với đất nước mà lưu giữ thôi.

Khi đi xem triển lãm bản đồ chủ quyền trong một bộ sưu tập tư nhân, một nhà sưu tập bảo nhỏ tôi: “Không chỉ mất công sức, tâm huyết mà người ta còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu những tấm bản đồ cổ như thế”.

Mới đây, khi tôi vào một thư viện nhà nước để xin xem cuốn sách bản đồ có trong thư mục trong máy tính của thư viện. Người ta tìm mãi, rồi báo với tôi cuốn sách không còn nữa.

Vâng, một tài liệu chủ quyền quan trọng nhiều bạn đọc và các nhà nghiên cứu quan tâm, mà câu trả lời vỏn vẹn là: “Cuốn sách này không phải của thư viện. Sách của nhà nghiên cứu lão thành N. gửi”. Người ở thư viện còn giải thích cụ thể thêm: “Cách đây không lâu bác ấy đến lấy về nhà rồi”.

Theo tienphong.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng