Lá cờ Tổ quốc trên kỳ đài Ngọ Môn Huế hàng ngày vẫn tung bay đón gió. Để có được ngọn cờ sừng sững và hiên ngang đó, ngay tại vị trí ấy, cột cờ ấy, đã chứng kiến những giây phút thiêng liêng của dân tộc.
Từ Cách mạng tháng 8/1945 đến ngày quê hương Thừa Thiên Huế sạch bóng quân thù năm 1975 đã có những con người làm nên lịch sử. Họ nhận nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc trên kỳ đài Ngọ Môn, như cánh chim báo hiệu một trang sử độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Từ cách mạng tháng Tám lịch sử
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà 178 Thái Phiên, TP Huế gặp lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Hường (tức Hường Thọ), nguyên thành viên Ban liên lạc Việt Minh Nguyễn Tri Phương trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện Hương Trà (1949-1953). Ông là nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sống để nhớ về những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945.
"Trong chuỗi sự kiện thắng lợi CMT8 giành chính quyền về tay nhân dân tại Huế, một sự kiện ít người biết đến là người kéo lá cờ Việt Minh trên đỉnh Ngọ Môn vào ngày 21-8, là anh Đặng Văn Việt, con Thượng thư triều Nguyễn Đặng Văn Hướng. Tại thời điểm treo cờ, đồng chí Việt là thành viên của tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, được đồng chí Trần Hữu Dực, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc đó giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trên đỉnh Ngọ Môn. Sau khi CMT8 thành công, đồng chí Việt trở thành vị Trung đoàn trưởng nổi tiếng chỉ huy trận đánh trên đường số 4 trong chiến dịch Biên giới thu - đông 1950. Hiện tại, ông đang cùng gia đình sống ở thủ đô Hà Nội". Lão thành cách mạng Hường Thọ, kể thêm: "Nhận cờ của Việt Minh, sáng ngày 21/8/1945, đồng chí Đặng Văn Việt cùng với đồng chí Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha) dùng xe đạp chở lá cờ lớn đến kỳ đài Huế. Lá cờ đỏ sao vàng cuộn tròn theo chiều ngang, to như một con trăn lớn, buộc chặt và gác lên hai đầu xe đạp. Khoảng hơn 9 giờ sáng, lá cờ đỏ sao vàng đã được đưa vào vị trí và kéo lên trang trọng, tung bay trước gió".
... Tại lễ mít tinh do Việt Minh tổ chức sau ngày CMT8 tại Huế thành công, một viên lãnh binh đội cận vệ Hoàng gia (lính khố vàng) đến cạnh ông Việt và nói: "Hôm nọ, khi hai ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông. Xin ý kiến Hoàng đế, ngài thét lên và bảo: "Chớ, chớ! Việt Minh đấy! Các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó!"... Hôm ấy mà Hoàng đế ra lệnh bóp cò thì...". Ông Việt cười và nói nhẹ nhàng: "Vận nước đã xui các ông không làm việc ấy. Tránh được một thảm họa cho cả hai bên".
Đến đại thắng mùa xuân 1975
6h30 sáng 26/3/1975 là mốc son chói lọi không thể nào quên đối với quân và dân Thừa Thiên Huế. Vào giờ phút thiêng liêng đó, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam rộng 8m, dài 12m đã được kéo tại kỳ đài Trung tâm Ngọ Môn của kinh thành Huế như một hồi chuông ngân lên báo hiệu sự kết thúc sứ mạng xâm chiếm của quân thù và cùng với cả nước mở ra một trang mới, trang sử độc lập, tự do hòa bình và thống nhất đất nước. 37 năm sau ngày quê hương Thừa Thiên Huế sạch bóng quân thù, chúng tôi gặp lại những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân tham gia kéo cờ Tổ quốc lên kỳ đài Ngọ Môn vào giờ phút vinh quang ấy...!
Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên kỳ đài Ngọ Môn, sáng 26/3/1975 |
Đồng chí Trần Văn Hà (quê Lý Nhân, Hà Nam) nguyên giảng viên Trung tâm giáo dục quốc phòng Đại học Huế đóng tại Phú Bài, thị xã Hương Thủy - người lính được giao nhiệm vụ vận chuyển lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ căn cứ Mỏ Tàu (huyện Phú Lộc) cùng Trung đoàn tức tốc hành quân năm ngày đêm đường rừng về trung tâm thành phố Huế, nhớ lại: “Ngày ấy, Trung đoàn Phú Xuân được giao nhiệm vụ bảo quản, vận chuyển, kéo lá cờ lịch sử vào đúng giờ phút lịch sử đã định. Sau bao lần cân nhắc, lựa chọn, tôi đã được đồng chí Nguyễn Minh Êm, Đại đội Trưởng đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân) trực tiếp giao nhiệm vụ gói gém cẩn thận, xếp lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng nặng hơn 30kg vào ba lô vận chuyển từ căn cứ Mỏ Tàu cùng Trung đoàn tức tốc hành quân 5 ngày đêm đường rừng về trung tâm thành phố Huế.
Cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng rộng 96m2 cuộn lại vừa một ba lô, cõng trên lưng đi với quãng đường dài như vậy thì nặng lắm? Tôi hỏi anh. "Quả thật, lúc đó mình cảm thấy rất nặng, nhưng có lẽ không phải do trọng lượng của lá cờ mà do trọng trách vinh quang mà tổ quốc đã giao cho mình, đặt lên vai mình. Vì vậy, luôn tâm niệm rằng trên đường hành quân dù có hy sinh cũng sẽ không để mất lá cờ đỏ mà xương máu của đồng đội, của anh em đã ngã xuống tô thắm nên. Và trên hết, có lẽ là nghĩ đến hình ảnh lá cờ tung bay trên đỉnh Kỳ đài Ngọ Môn. Niềm vui chiến thắng sẽ vỡ òa càng nhân lên quyết tâm đưa lá cờ về an toàn để hoàn thành nhiệm vụ với đơn vị, với đất nước và với cả lịch sử nữa... Trên đường hành quân băng qua bao núi rừng hiểm trở, mọi quân trang của tôi đều được đồng đội chia nhau vác dùm. Một ngày, cả đơn vị đang hành quân thì bất ngờ đụng giặc trên đường tháo chạy từ Truồi (Huế) về hướng Đà Nẵng, các đồng chí trong Đại đội 3 đã liều mình dàn hàng ngang làm rào chắn vây quanh, bảo vệ tôi cũng là bảo vệ cờ giải phóng. Qua bao nhiêu ngày đêm vất vả, với bao hiểm nguy rình rập từ phía quân thù, rạng sáng ngày 26/3, Trung đoàn Phú Xuân qua cầu Bạch Hổ rồi theo đường Lê Lợi tiến vào Ngọ Môn".
Kỳ đài Ngọ Môn Huế có 3 tầng cao 17,5m, cột cờ làm bằng bê tông cao 37m, nên phải dùng một sợi thừng to bằng cổ tay vừa dùng sức vừa bám men theo cột cờ lên tháp để cố định cờ...
6h30 sáng 26/3/1975, khi mặt trời vừa ló dạng, lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng màu đỏ tươi đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng.
Theo Trang Hạ (Đại Đoàn kết)